CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:54

Vì sao các trường Công an “loại” tất cả thí sinh nâng điểm thi dù điểm thực vẫn trúng tuyển?

 

Cần sự trung thực

Vừa qua, Bộ Công an đã thực hiện trả 53 thí sinh có trong danh sách sửa, nâng điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình về địa phương để xử lý theo đúng quy định. 

Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, sau khi nhận danh sách thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia, Cục Đào tạo đã chuyển danh sách này về các trường Công an nhân dân để các trường thực hiện thủ tục hủy kết quả trúng tuyển của các học viên liên quan và bàn giao các thí sinh này cho địa phương và gia đình

Thiếu tướng Bùi Minh Giám cho hay, nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển, bất kể điểm thực của thí sinh có đạt điểm chuẩn vào ngành/trường mà thí sinh đang theo học hay không. 

Lý do là ngành Công an là ngành bảo vệ pháp luật, vì thế yêu cầu với học viên của các trường Công an không phải chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là sự trung thực, phải có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh đấu tranh với cái sai, cái xấu.

Được biết, khi nhập học, các trường của Bộ Công an đã yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi của các em, nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tranh luận: Nên hay không nên hủy kết quả thi của thí sinh "gian lận" điểm?

Ngược lại với các trường công an, nhiều trường đại học như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội…vẫn cho thí sinh có điểm thi “gian lận” theo học vì kết quả điểm thực của thí sinh đủ điểm trúng tuyển vào trường.

Lãnh đạo trường đại học trên cho biết, trường vẫn công nhận trúng tuyển thí sinh có trong danh sách sửa, nâng điểm thi theo điểm thực mà Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định bởi vì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả chấm bài thi của Bộ GD&ĐT là kết quả chính thức của bài thi, kết quả này thay thế kết quả do các hội đồng thi đã công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho các thí sinh liên quan.

Chính vì vậy, bà Phụng cho rằng, nếu thí sinh bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để thí sinh tiếp tục học tập, trừ trường hợp trường có quy định khác đã được công bố.

Ý kiến việc giảm điểm môn trắc nghiệm nên hủy kết quả vì đã dính đến kết quả gian lận là quan điểm có thể chia sẻ ở góc độ suy đoán vi phạm. Tuy nhiên, khó có thể giải quyết vấn đề bằng suy đoán, nhất là ở thời điểm mà cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi...

“Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, căn cứ vào kết luận, các đối tượng vi phạm, trong đó có thể có cả thí sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” – bà Phụng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh đã được sửa, nâng điểm thi dù chỉ 1 môn cũng là gian lận, là gian dối điểm thì phải hủy kết quả thi THPT quốc gia và phải hủy kết quả trúng tuyển vào đại học.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo – ĐH QGHN cho biết, với các trường hợp sửa, nâng điểm thi vừa qua có số điểm chênh quá lớn mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì rõ ràng những bài thi này đã có sự gian lận, có sự can thiệp chủ quan vào kết quả  bài thi, theo tôi hoàn toàn có căn cứ để xử lý ở mức cao nhất là hủy công nhận kết quả của kỳ thi đó vì kết quả bài thi đã có sự không trung thực, vi phạm quy chế thi. Như vậy, kỳ thi mới nghiêm túc, mới đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh trong công tác thi cử.

Theo GS Đức, với quyền tự chủ của mình, các hội đồng tuyển sinh của các trường có thể xem xét không công nhận kết quả trúng tuyển của thí sinh với kết quả thi THPT khi có sự gian lận.

Gửi tới báo Dân trí, bạn đọc Lê Đình Hiếu cho rằng, đã gian lận dù chỉ một bài cũng phải hủy kết quả của cả kì thi của thí sinh đó về điểm 0, cho thi lại tốt nghiệp năm sau, vậy mới có thể rút nghiệm cho các kì thi sau này.

Bạn đọc Trần Đức Thìn cho hay, những thí sinh ngay thẳng, trung thực mà bị cướp mất cơ hội mới là những người được nhận những xử sự nhân văn. “Hủy bỏ kết quả thi năm trước và cho phép được thi lại trong năm nay đối với những thí sinh gian lận đã là nhân văn rồi. Họ có thể không tự mình chạy điểm, không tự mình gian lận nhưng họ là những người chấp nhận sự gian lận nên không thể nói họ không có lỗi” – độc giả Thìn nhấn mạnh.

Còn bạn đọc Thanh Lam cương quyết bày tỏ, cho thôi học tất cả những học sinh liên quan đến sửa điểm 2018 cho dù chấm lại vẫn đủ điểm đỗ, chỉ đồng ý nếu đủ thì có công nhận tốt nghiệp để thi lại vào những năm sau. Còn nếu để các bạn ấy vẫn được tiếp tục học là công nhận sự gian lận. Đã can thiệp vào sửa điểm là vi phạm quy chế thi. Đừng nói các bạn vô can chỉ là không trực tiếp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh