CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:12

Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị phạt đến 2 tỷ đồng

 

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa
Các hành vi bị phạt
Theo quy định, vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này gồm:
1- Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường;
2- Các hành vi gây ô nhiễm môi trường;
3- Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;
4- Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung);
5- Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản;
6- Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;
7- Các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học bao gồm: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền;
8-  Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Nghị định này.
Hình thức, mức phạt
Theo Nghị định, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định rõ mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Trong đó, Nghị định quy định cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản bị phạt từ 5 - 500 triệu đồng.
Cá nhân vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường và nguy hại vào môi trường bị phạt từ 300 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Mức phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng áp dụng đối với cá nhân vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường.
Đặc biệt về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển, Nghị định quy định phạt tiền từ 250 - 500 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn; nước thải không xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy, hải sản, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định ở trên là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh