“Vì một Việt Nam xanh, sạch đẹp cho trẻ em”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:55 - 20/11/2020
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Doãn Hồng Hà cho biết, mục tiêu của lễ mít tinh là tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các học sinh, giáo viên, cộng đồng về bảo vệ môi trường tiến đến phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người; khoảng 92% người dân trên thế giới không được hít thở không khí sạch. Ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn đối với sức khoẻ con người; rác thải nhựa là vấn đề môi trường mang tính toàn cầu. Hai dạng ô nhiễm này cùng các chất gây ỗ nhiễm môi trường khác đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế xã hội và sức khoẻ con người. Trong sự phát triển của cuộc sống hiện nay, ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
"Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Muốn giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho mỗi người dân, cộng đồng ngay từ những lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất, chính là từ mỗi học sinh ngồi đây", Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên nói.
Cụ thể hoá nhiệm vụ trên, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa nội dung giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giáo dục phòng chống thiên tai vào chương trình giáo dục các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống quốc dân. Bên cạnh đó, cùng với phong trào thi đua của ngành Giáo dục, các hoạt động phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Trung ương Đoàn, Hội đồng đội Trung ương, tổ chức Unicef tại Việt Nam, nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biến dâng… thường xuyên được tổ chức trong các trường học trên cả nước. Thông qua các hoạt động này, học sinh, giáo viên được nâng cao hiểu biết, nhận thức về môi trường, phát triển bền vững, nhân rộng được những sáng kiến và giải pháp hiệu quả về bảo vệ môi trường trong cơ sở giáo dục.
Tại lễ mít tinh, đại diện Bộ GD&ĐT kêu gọi và đề nghị các nhà trường, học sinh tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường; từ đó có những hành động thiết thực bảo vệ hành tinh xanh, gần gũi hơn là giữ gìn phát triển môi trường trường học xanh- sạch-đẹp. Mỗi giáo viên, học sinh tiếp đó trở thành tuyên truyền viên giúp cộng đồng hiểu rõ và thực hiện tốt từng công việc cụ thể để bảo vệ môi trường, như: Quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường… Các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc đưa nội dung bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam vào chương trình giáo dục đào tạo.
Cũng tại lễ mít tinh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) Tạ Ngọc Đôn, Trưởng Chương trình Giáo dục Unicef Việt Nam Simone Vis công bố và giới thiệu khoá học trực tuyến "Trẻ em và biến đổi khí hậu" dành cho giáo viên. Mục tiêu khoá học là giúp các thầy, cô có kiến thức đầy đủ, chính xác, nắm được các phương pháp giáo dục hiệu quả, những thông điệp tích cực để giảng dạy về biến đổi khí hậu cho học sinh.
Đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, tổ chức Unicef cũng tham gia giao lưu giải đáp các câu hỏi về khí hậu, môi trường của trò trường THCS Lê Quý Đôn; thăm và khích lệ hoạt động vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường của học sinh.