THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

Vì một nền báo chí chân thực và nhân văn

Luật Báo chí tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp

* Vai trò của báo chí trong những năm qua được đông đảo bạn đọc đánh giá cao. Ông có nhận xét gì về toàn cảnh báo chí Việt Nam hiện nay?

- Hiện nay cả nước có trên 800 cơ quan báo chí với gần 1.500 ấn phẩm, 68 đài phát thanh - truyền hình. Báo chí Việt Nam trong những năm gần đây có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí luôn ở tuyến đầu của các mặt trận chính trị, tư tưởng và văn hóa. Công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước đạt được những thành tựu vừa qua có đóng góp xứng đáng của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

Tuy nhiên, trong đời sống báo chí hiện nay có những điều làm cho chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ, lo ngại. Đó là hiện tượng thương mại hóa, có những trường hợp bị cám dỗ, vụ lợi, tha hóa… Người làm báo không chính trực thì không đảm bảo được tính chân thực của báo chí. Hướng đến các giá trị chân - thiện -mỹ, vừa nâng cao tính chiến đấu, người làm báo vừa phải đề cao tính nhân văn, bảo vệ quyền con người, tránh xâm phạm đời tư, danh dự và nhân phẩm của người khác.

* Luật Báo chí năm 2016 sẽ tạo điều kiện cho các nhà báo tác nghiệp. Xin ông cho biết về những điểm mới của Luật?

- Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia trên thế giới có Luật Báo chí, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nền báo chí nước nhà. Luật Báo chí được ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Báo chí hiện hành.  Một trong số những nội dung mới rất quan trọng, đó là có 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm trên báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo, tiếp cận thông tin, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in,...

Luật có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về những điều báo chí không được làm. Bên cạnh đó, trong Luật Báo chí 2016 quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin. Đồng thời quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Đồng thời, Luật có những quy định về thực hiện liên kết tạo sản phẩm báo chí. Luật Báo chí mới đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí so với luật hiện hành, như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện kỳ bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật đã bổ sung một số quy định về cải chính như: Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất 7 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính xin lỗi, cải chính. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.

Xây dựng quy định về đạo đức báo chí

* Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được quy định trong Luật Báo chí 2016 . Theo ông, làm thế nào để các nhà báo được thể hiện quyền tự do ngôn luận nhưng không đi ngược với tính chính trị của báo chí?

- Để làm được điều này, trước hết các nhà báo cần nắm vững Luật cũng như những quy định về đạo đức nhà báo. Các nhà báo cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sự quản lý của các cơ quan báo chí đối với các nhà báo cần theo đúng luật cũng như những quy định, nội quy riêng của cơ quan. Các nhà báo cần phải đặt mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng, đất nước lên hàng đầu. Đồng thời, làm nghề báo cũng là để mưu sinh, nhưng tất cả phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Luật Báo chí 2016 và Quy hoạch báo chí tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp.

* Theo ông, các nhà báo và các cơ quan cần phải chuẩn bị những gì để thực hiện Luật Báo chí 2016?

-  Có thể khẳng định, Luật Báo chí 2016 tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhà báo khi tác nghiệp. Người làm báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương. Khi Luật Báo chí 2016 được ban hành, nhà báo và các cơ quan báo chí cần học tập quán triệt các điều khoản trong luật, tránh tình trạng Luật đã ban hành nhưng nhiều nhà báo lơ mơ không nắm được những nội dung, không biết tận dụng những điều Luật tạo điều kiện cũng như những điểm cấm trong Luật.

Một nội dung mới trong Luật Báo chí 2016, chính là quy định vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong 8 nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam có 1 nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định đạo đức nhà báo. Điều này rất quan trọng và cấp thiết đúng thời điểm đạo đức nhà báo có nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong tháng 6 và 7 này, Hội Nhà báo Việt Nam có kế hoạch tổ chức đợt sinh hoạt chính trị - nghề nghiệp để học tập, quán triệt nội dung Luật Báo chí. Đồng thời, tổ chức diễn đàn, hội thảo, góp ý, xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm  báo Việt Nam.

Tổng biên tập luôn gương mẫu, tuân thủ pháp luật cũng như những quy định của cơ quan thì ít có những nhân viên, nhà báo dưới quyền vi phạm pháp luật cũng như những quy định đạo đức nhà báo. Có những điều luật pháp không cấm nhưng đạo đức không cho phép. Trong thực tiễn, có những “chiêu” hạ thấp, bôi nhọ người khác rất tinh vi, chiếu theo luật thì rất khó truy cứu nhưng đạo đức không cho phép nhà báo làm những việc đó. Xa rời nền tảng đạo đức là báo chí suy đồi. Các nhà báo, những người cầm bút, những người cung cấp thông tin cho xã hội mà thiếu đạo đức thì không thể xây dựng được nền tảng đạo đức cho xã hội.

Luật Báo chí và Quy hoạch báo chí tác động rất lớn đến nền báo chí

* Cùng với Luật Báo chí 2016, Chính phủ đang xem xét thông qua Quy hoạch báo chí, việc này sẽ tác động như thế nào đến nền báo chí Việt Nam thưa ông?

- Chủ trương quy hoạch báo chí là cần thiết vì có những thời điểm chúng ta cho ra đời quá nhiều cơ quan và ấn phẩm báo chí. Việc này một mặt thể hiện sự phát triển của báo chí, nhưng lại có một số tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, giật gân câu khách, thương mại hóa không lành mạnh, gây tác động không tốt đến đời sống xã hội.

Việc quy hoạch lại các cơ quan báo chí cũng như các đầu báo là việc không hề đơn giản. Cần phải rà soát, cân nhắc kỹ để những tờ báo sắp tới không còn trong quy hoạch đều là những tờ báo thực sự không còn có ích cho xã hội. Đồng thời, nên giữ được những tờ báo có truyền thống, có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc, có đóng góp tích cực trong đời sống xã hội. Tôi nghĩ, quy hoạch báo chí cần phải làm nghiêm túc, nhưng có bước đi thỏa đáng và hợp tình hợp lý. Làm sao sau khi quy hoạch vẫn giữ được đội ngũ làm báo có chất lượng để họ làm việc và cống hiến cho nền báo chí nước nhà.

Việt Nam thực hiện Luật Báo chí và Quy hoạch báo chí trong cùng một thời điểm nên tác động rất lớn, trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống báo chí. Việc Quốc hội thông qua Luật Báo chí mới thể hiện tinh thần tự do báo chí đã được nêu trong Hiến pháp 2013. Luật Báo chí tạo nên hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng để  xây dựng một nền báo chí ngày càng tiên tiến, nhân văn, phục vụ đắc lực lợi ích của đất nước và nhân dân.         

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh