Đào tạo báo chí-truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội
- Tây Y
- 04:30 - 09/06/2016
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà báo chia sẻ kinh nghiệm và mô hình đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông ở Việt Nam và quốc tế; xác định nhu cầu tuyển dụng, bồi dưỡng nhân lực từ các cơ quan báo chí-truyền thông; thảo luận về vấn đề xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác quản lý và công tác kiểm định chất lượng đào tạo; đề xuất giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông hiện nay.
Gần 60 tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà báo đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí, truyền thông được gửi đến và trình bày tại Hội thảo tập trung làm sáng tỏ mục tiêu của hoạt động đào tạo và bồi dưỡng báo chí-truyền thông; cơ sở khoa học và thực tiễn để đánh giá chất lượng đào tạo; các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo; xây dựng hệ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo cũng như định hướng đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Các đại biểu đã nhấn mạnh, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, cả về số lượng, chất lượng cũng như phương thức sản xuất, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với sự phát triển đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí cũng đã có những thay đổi và phát triển vượt bậc. Các loại hình, chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp đào tạo cũng được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội.
Các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là công tác đào tạo báo chí-truyền thông hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ và bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen đọc-nghe-nhìn của công chúng báo chí hiện đại đã đặt ra những yêu cầu mới và rất cao đối với sinh viên báo chí và những nhà báo đang tác nghiệp trong thực tiễn.
Nhiều nhà báo cho rằng, sinh viên ra trường còn thiếu tự tin, kiến thức và kỹ năng tác nghiệp còn chưa vững, chương trình đào tạo trong nhà trường còn nặng về lý thuyết và thiếu kỹ năng thực hành, chương trình thực tập chưa thật sự hiệu quả và chưa được đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí, mô hình nhà trường, lớp học chưa thực sự là một tòa soạn thu nhỏ, đội ngũ giảng viên có nhiều người chưa được cọ xát với thực tiễn và tác nghiệp thường xuyên.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã giới thiệu những nghiên cứu cập nhật về kinh nghiệm và các mô hình đào tạo, bồi dưỡng; nhu cầu tuyển dụng nhân lực; nhu cầu bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ trong các cơ quan báo chí-truyền thông. Nhiều nhà khoa học chia sẻ những nghiên cứu tâm huyết, có giá trị về vấn đề xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác quản lý đào tạo và công tác kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông; vấn đề xây dựng chuẩn đầu ra trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí-truyền thông.
Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.