Vì đâu Phạm Công Danh ngã ngựa trong cuộc chơi nghìn tỷ?
- Huyệt vị
- 22:06 - 08/08/2016
Trong phiên tòa xét xử đại án 9.000 tỷ của Phạm Công Danh và đồng phạm, nhiều người vẫn đang muốn biết rõ nguồn cơn của những hành vi biến tấu nghìn tỷ khiến Danh vướng vào lao lý.
Nguyên do chính để đưa Phạm Công Danh đứng trước vành móng ngựa khởi nguồn từ việc tham gia vào giải cứu TrustBank. Cũng từ đây, những mối quan hệ tín dụng nảy sinh, trong khi bản thân Danh là người không có chút nghiệp vụ ngân hàng. Hệ thống lại các phiên xét xử sẽ thấy những điểm mấu chốt khiến cho cuộc chơi nghìn tỷ đổ bể.
Nuôi mộng lớn từ lời đường mật
Trong những ngày đầu, cáo trạng cho thấy những mối quan hệ tín dụng giữa Phạm Công Danh và nhóm bà Bích (Trần Ngọc Bích, con gái Chủ tịch Tân Hiệp Phát), nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn)… là tác nhân chính của vụ án này. Tuy nhiên sau lời khai của các bên liên quan thì nguồn cơn của sự việc lại chính là sự “đẩy đưa” của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương, đang bị tạm giam bởi một vụ án khác).
Giấc mộng làm chủ một ngân hàng của Phạm Công Danh đã được Hà Văn Thắm “kích hoạt” bằng những lời đường mật.
Mộng lớn không thành vì thiếu nghiệp vụ đã khiến Phạm Công Danh vướng lao lý. Ảnh: VOV.
Nghe lời Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đổ tiền vào giải cứu TrustBank và đó là những dấu chân đầu tiên bước vào vũng lầy tại ngân hàng này.
Theo hồ sơ thì Danh mua 85% cổ phần TrustBank từ nhóm Phú Mỹ với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phạm Công Danh khai rằng, ban đầu không biết nhóm Phú Mỹ, mà ông ta đến với TrustBank bắt đầu từ Hà Văn Thắm.
Sau nhiều lần tiếp xúc với Hà Văn Thắm, đặt vấn đề về việc đầu tư ngân hàng trong lĩnh vực xây dựng, Thắm khuyên Phạm Công Danh: "Anh làm ngân hàng mới làm chi, để tôi giới thiệu cho anh một ngân hàng”.
Qua đó Phạm Công Danh trả cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng “tiền quan hệ” để nhận chuyển nhượng 85% cổ phần từ nhóm Phú Mỹ, mặc dù thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước không cho phép chuyển nhượng.
Do đầu tư quá nhiều tiền, đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ, lại không thể thành lập ngân hàng mới và chỉ có thể tái cơ cấu ngân hàng nên ông Danh bỏ tiền vào đây rất nhiều.
“Đây là nguyên nhân lớn nhất mà tôi không thể rút chân ra khỏi ngân hàng Đại Tín", Phạm Công Danh nói.
Và đây là yếu tố dẫn đến sai lầm có hệ thống của Phạm Công Danh sau khi tiếp quản Trustbank.
Hoảng loạn khi TrustBank chết lâm sàng
Việc không có nghiệp vụ về ngân hàng nhưng Phạm Công Danh rót tiền tham gia vào “giải cứu” một ngân hàng là điều mà ít ai ngờ tới.
Cũng vì thiếu nghiệp vụ nên những tác động của Hà Văn Thắm khiến cho Phạm Công Danh không thể biết được bên kia cánh cửa ngân hàng là vực thẳm.
Khi vào làm chủ ngân hàng, Danh đã bị sốc vì không ngờ ngân hàng lại xấu đến mức đó. Thanh khoản thiếu hụt khi chỉ cần rút 1-2 tỷ đồng ra là đã khó. Ngân hàng lại trong diện kiểm soát đặc biệt, không được tăng trưởng tín dụng, trong khi nợ khó đòi và nợ xấu cao, dư nợ lại tập trung ở một nhóm khách hàng lên tới 95%.
Phạm Công Danh nói: "Có khách hàng ở Cần Thơ cần rút tiền và ngân hàng cần huy động để trả. Có khi tôi phải lấy tiền của tôi gửi vào cho khách rút ra. Tôi cũng đã nghĩ tình trạng ngân hàng là xấu, nhưng không ngờ xấu đến thế. Tôi đã báo cáo không có khả năng làm, dù đã bỏ vào số tiền lớn, việc này chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới làm được. Nhưng lúc đó đấu tranh không nổi".
Trong hồ sơ tái cơ cấu ngân hàng có danh sách hơn 20 người và một tổ chức được đưa vào, tuy nhiên những người này không có tiền. Thậm chí danh sách này được đưa vào để hợp thức hóa đề án tái cơ cấu.
Vỡ mộng vì mua ngân hàng nhắm tới BĐS
Theo thông tin tại tòa, bà Phấn giao cho ông Danh tổng cộng 85% cổ phần, 9 ha đất quận 2 cùng 24 ha đất Nhà Bè. Ngoài ra còn cổ phiếu CTCK Đại Việt (65 tỷ đồng), cổ phần của Công ty Bảo hiểm Hùng Vương (27 tỷ đồng). Tổng cộng số tài sản là 4.619 tỷ đồng. Đồng thời, ông Danh chuyển 3.581 tỷ cộng với tiền lãi là hơn 3.618 tỷ cho bà Phấn.
Nhưng sau khi thực hiện giao dịch, Phạm Công Danh cho rằng, khối bất động sản mình nhắm tới lại khiến mọi việc trở nên tồi tệ do nằm “bất động". Ông Danh tính, việc mua lại các bất động sản của nhóm 30 công ty mà bà Phấn đại diện, khi thị trường lên sẽ bán.
Theo tính toán của Phan Thành Mai và Phạm Công Danh, các tài sản trong đó có bất động sản sẽ giúp lãi khoảng 700 tỷ đồng. Nhưng những tính toán này đã đi vào ngõ cụt khi thị trường đóng băng.
“Tài sản kia tôi không bán được vì 30 doanh nghiệp không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho tôi. Nên khi tôi trả nợ khoảng 3.600 tỷ đồng rồi (trong đó có 851 tỷ đồng đưa để lấy lại một số tài sản) thì tôi không chuyển nữa”, Danh nói.
Gục ngã trên khoản tiền của nhóm Trần Ngọc Bích
Nhìn tổng thể vụ việc, từ nguồn tiền mua ngân hàng, chi trả lãi vượt mức của Phạm Công Danh đều xoay quanh khoản tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát.
Hàng trăm khoản vay trả đã được Phạm Công Danh phù phép để có thể luân chuyển hàng nghìn tỷ cho các thương vụ của mình. Những hành động liều lĩnh này được thực hiện khi Danh có quyền kiểm soát TrustBank mà sau này là Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
“Khi đó bị cáo vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích để trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, rồi hy vọng lấy được tài sản của bà Hứa Thị Phấn để thế chấp ngân hàng, hoặc bán đi để trả tiền cho nhóm bà Bích. Nhưng nhóm bà Phấn không chịu giao tài sản nên bị cáo không còn tiền trả cho nhóm bà Bích, phải tiếp tục vay tiền của nhóm bà Bích để trả những khoản vay trước đó”, Phạm Công Danh nói.
Có thể thấy, Phạm Công Danh đã dùng tiền của VNCB, bao gồm cả tiền từ nhóm Trần Ngọc Bích, để trả cho nhóm bà Phấn. Nhưng mọi dự liệu của Danh đều phá sản khi tài sản từ nhóm bà Phấn chưa được chuyển giao, cũng như cấm chuyển nhượng. Đây là lý do khiến Phạm Công Danh gục ngã trên khoản tiền của nhóm bà Bích.