THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Vêch - Món ăn đặc biệt dâng Yàng

   Cây và hoa tiêu rừng  

Giữa hàng trăm món ăn được thể hiện tài hoa, độc đáo theo phong cách ẩm thực các vùng miền dự hội thi món ngon trong Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam lần thứ 8 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, món “Vêch” đặc sắc của đồng bào Êđê đã đoạt giải nhất đầy ấn tượng.

Món “Vêch” vị đắng, cay, thơm, beo béo rất đặc trưng

Đã một lần đến với lên Tây Nguyên, không ít du khách được thưởng thức những món ăn như dưa món, gỏi cà đắng, đu đủ giã thậm chí sang hơn một chút là gà xa lửa, lẩu lá rừng, cá bống thác kho riềng… Riêng món ăn xếp vào hàng “đặc sản”, thượng hạng như món “Vêch” thì không phải lúc nào thực khách muốn là có ngay. Một dịp tham gia chương trình “Trải nghiệm Văn hoá - ẩm thực của đồng bào Ê Đê” do CLB Khát Vọng Xanh Krông Ana tổ chức tại buôn Êcăm, thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana (Đắk Lắk), tôi may mắn được thưởng vị món ăn đặc biệt này. Chủ nhà Amí Nen cho biết để nấu món Vêch bò, bà đã vào rừng hái loại môn ngứa bẹ nhỏ, dặn lò mổ bò để dành cho bà một đoạn Vêch (đoạn ruột non của con bò). Để món canh thêm ngon bà ninh xương bò và đu đủ non hơn tiếng đồng hồ, bỏ bẹ môn,“Vêch” và gia vị vào nấu đến cho nhừ. Cảm nhận ban đầu, món canh có mùi ngai ngái của Vêch; đăng đắng của đu đủ non, môn rừng; cay nồng của ớt, tiêu, riềng; nhai chậm sẽ cảm giác ngọt ngon ở cổ họng. Món ăn vừa lạ vừa ngon khiến du khách trong đoàn tò mò nếm rồi ngật đầu tấm tắc khen ngon.


Ông Khăm Phết Lào giới thiệu món “Vêch”     

Gần đây, tôi lại được thưởng thức món “Vêch” trong buổi tiệc của gia đình ông Khăm Phết Lào – con trai vua Voi Ama Kông ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Tại đây, tôi được tìm hiểu sâu hơn về nguyên liệu, quy trình chế biến món ngon này. Để nấu món “Vêch”, ông đã mổ nguyên một con bò được chăn thả tự nhiên để đảm bảo phần ruột thông sạch, thịt chắc, thơm ngon. Khi mổ bò, người thợ nhanh tay chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng làm “Vêch”. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc. Chọn xong phần “Vêch”, các phần nội tạng còn lại được làm sạch nấu với với da, đuôi và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng cho thật mềm rồi cho thêm “Vêch” vào để tạo mùi vị đặc trưng. Để món “Vêch” thêm đậm đà, người nấu cho các gia vị vào nguyên liệu ướp qua một đêm cho lên men.

Đoạn ruột non làm “Vêch”

Nguyên liệu, quy trình chế biến món “Vêch” rất tốn kém và công phu nên không phải khi nào, nhà nào cũng nấu. Trước kia, mỗi khi buông làng tổ chức lễ hội, gia đình khá giả có việc quan trọng mới nấu món “Vêch”. Đây là món người dân dùng để cúng Yàng (thần linh). Họ chọn những nguyên liệu ngon nhất, nấu kỹ lưỡng nhất để bày tỏ lòng thành với Yàng. Cúng xong, chỉ những người đặc biệt có chức sắc trong làng hay mời khách quý mới được thưởng thức. Ngày nay, cuộc sống người dân trong các buôn làng Tây Nguyên đã cải thiện. Vào dịp lễ, tết họ thường “đốt” trâu, bò để ăn. Khi mổ, họ đều chọn lấy phần “Vêch” để chế biến nhiều món ăn đãi dân làng, còn lại treo lên gác bếp để dành. Khi nào dùng, họ lại cắt một đoạn “Vêch” nấu cùng với các loại rau, củ, quả rừng. “Vêch” trở thành một thứ gia vị tạo hương vị đặc biệt cho món ăn. Dù là nguyên liệu chính hay phụ, món ăn có “Vêch” sẽ có vị đắng, cay, thơm, beo béo và mùi rất đặc trưng.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh