'Lùm xùm' đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk: Khởi tố vụ án hình sự
- Sức khỏe
- 20:12 - 02/03/2019
Tình trạng thiếu thuốc kéo dài trong các bệnh viện công toàn tỉnh sau cuộc đấu thầu nhiều sai phạm
Tiền Phong thông tin từ 4 năm trước
Về vụ đấu thầu thuốc này, từ ngày 21/9/2015 báo Tiền Phong đã đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng!”, chỉ rõ việc tổ chức đấu thầu thuốc của Sở Y tế Đắk Lắk bộc lộ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, mà người chịu trách nhiệm chính là Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long, người được phân công làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu mua thuốc theo quyết định số 853, ký ngày 26/4/2014 của UBND tỉnh.
Do cố ý làm trái trong việc chọn và loại các nhà thầu, nên danh mục mời thầu 1.197 mặt hàng, mà chỉ có 666 mặt hàng trúng thầu với số lượng rất bất thường. Chưa đầy 1 tháng sau khi công bố kết quả đấu thầu, nhiều loại thuốc mới trúng thầu đã hết sạch. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải liên tục gửi công văn xin bổ sung hàng trăm loại thuốc điều trị cấp bách.
Tình trạng thiếu thuốc trong tất cả các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, nguy hiểm với tính mạng bệnh nhân kéo dài, cho tới khi Sở Y tế tiếp tục đấu thầu thuốc vào năm 2017, cũng với đầy rẫy những dấu hiệu cố ý làm trái không kém cuộc đấu thầu 2014-2015 như báo Tiền Phong đã đăng.
Ngày 26/3/2016 báo Tiền Phong đăng bài “Y tế Đắk Lắk - Những điều nhức nhối: Những cái chết chưa rõ nguyên nhân”, phản ánh 2 vụ tử vong do sốc thuốc vừa xảy ra, liên quan tới việc tự ý đổi nhóm thuốc của Sở Y tế, cũng không cơ quan nào trả lời. Cho đến nay, báo Tiền Phong đã đăng tới hơn 40 bài điều tra và bản tin hồi âm về các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng của lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk qua các cuộc đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị, cố ý làm trái công tác cán bộ, xây dựng bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Muộn còn hơn không
Từ nguồn tin báo Tiền Phong đã đăng, và những đơn thư tố cáo khác, Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần gửi công văn cho Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu phải chỉ đạo điều tra, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng của lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk, xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định pháp luật, báo cáo kịp thời cho Văn phòng Chính phủ.
Gần 4 năm trước, từ ngày 3/11/2015, trả lời báo Tiền Phong, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi đã khẳng định “Công an tỉnh đã xác định rõ các dấu hiệu cố ý làm trái trong công tác đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đang củng cố hồ sơ, chuẩn bị khởi tố vụ việc”. Tuy nhiên, vụ việc ngâm dầm từ năm này qua năm khác, mà một trong những nguyên nhân được công khai, là do Sở Tài chính liên tục trả lời không thể tính được mức thiệt hại do các hành vi sai trái của Sở Y tế gây ra.
Trong 2 ngày 29/3 và ngày 4/5/2017, đại diện liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco đã ký nộp tổng cộng 2,859 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk. Viện KSND tỉnh xác nhận với báo Tiền Phong đây chính là khoản tiền chênh lệch giá 7 mặt hàng bị đổi nhóm thuốc trong vụ đấu thầu năm 2014-2015 mà báo Tiền Phong đã điều tra, phản ánh.
Ngày 23/11/2017, Hội đồng giám định của Bộ Y tế ban hành Kết luận giám định số 1257, xác nhận Sở Y tế Đắk Lắk đã chấm sai nhóm thuốc, sai quy định khi phê duyệt liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco là đơn vị dự thầu duy nhất trúng 7 mặt hàng thuốc nhóm 3 và 5 vào nhóm 2 trong đợt đấu thầu thuốc 2014-2015. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Sở Y tế và các tổ chuyên gia giúp việc.
Quyết định khởi tố vụ án
Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Văn phòng Luật sư Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư Đắk Lắk), người theo dõi sát thông tin của báo Tiền Phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực liên quan đến những lình xình đấu thầu thuốc ở Đắk Lắk cho rằng “Lẽ ra vụ đấu thầu thuốc có dấu hiệu tham nhũng trắng trợn xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk được báo chí phanh phui từ 4 năm trước phải được khởi tố từ lâu, vì nó xâm hại nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, muộn còn hơn không”.