Về xứ Thanh thưởng thức bánh đa biển Hậu Lộc
- Văn hóa - Giải trí
- 03:39 - 22/03/2015
Bánh đa biển Hậu Lộc có vị ngon đặc trưng riêng
Bà Nguyễn Thị Mến (56 tuổi), xã Minh Lộc cho hay, bà đã gắn bó với nghề làm bánh đa biển từ rất lâu rồi. Bánh đa biển Hậu Lộc có đặc trưng rất riêng, có mặt ở nhiều nơi và là món quà không thể thiếu đối với những người con làm nghề đánh bắt thủy sản trên biển.
Những người dân có tuổi ở làng nghề chia sẻ, những chiếc bánh đa mộc mạc, đơn sơ là thế, nhưng muốn làm được những chiếc bánh ngon thì người làm bánh phải thật tinh tế. Bởi để làm ra được chiếc bánh đa phải thực hiện nghiêm ngặt các khâu. Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu (Gạo phải là thứ gạo tẻ để lâu, sau đó đem ngâm ba, bốn tiếng, để gạo chua ở độ vừa phải, vớt ráo nước rồi đem vào cối xay hai lần cho bột thật mịn, trắng, nhuyễn như nước, không còn gợn, không còn sạn để bánh có vị thơm đậm đà của gạo)
Công đoạn tráng bánh cũng rất quan trọng như tráng bánh cuốn, chỉ khác là bánh được tráng hai lần làm cho bánh có độ dày dặn, khi quạt bánh nở to. Nếu tráng bánh kém thì khi đem quạt, bánh sẽ chín không đều, chỗ bị quá lửa, chỗ lại mang vị dai của bánh sống. Chỉ đặt bột lăn vài giây trong nồi hơi cho hơi nước làm chín bánh, rắc vừng lên mặt bánh rồi dùng ống nứa to cuộn bánh đặt nhẹ nhàng lên phên nứa. Khi phên nứa đã đầy thì đem ra sân phơi nắng.
Những người con đất biển Hậu Lộc, mỗi lần tàu ra khơi không thể thiếu bánh đa quê mẹ
Độ nắng nóng và thời gian phơi bánh cũng có con số nhất định, không đơn giản chút nào. Bánh phải kịp thời được lật để bánh không dính vào phên. Luôn luôn phơi mặt bánh trắng lên trên trước, lật mặt vừng sau. Khi bánh đã khô, phải xếp chúng vào trong túi nilon, tránh ẩm ướt.
Theo bà Mến, khó nhất của chiếc bánh đa làng biển chính là khâu quạt bánh. Để bánh đa ăn ngon miệng, hình thức lại đẹp thì người quạt bánh phải biết “thổi hồn” vào những chiếc bánh. Than để nướng bánh đã bao giờ cũng phải là than củi. Người nướng, một tay cầm bánh, một tay cầm quạt.
Kỹ thuật nướng cũng đòi hỏi sự khéo léo. Không được quạt mạnh quá, than bốc lửa, bánh dễ cháy mà không chín. Đòi hỏi người quạt phải khéo tay vừa quạt, vừa phải lật bánh luôn tay để bánh chín vàng rộm đều hai mặt, thỉnh thoảng dừng quạt, uốn chiếc bánh đang chín dần theo hình yên ngựa, từ từ chuyển sang màu vàng ruộm, vừng chín thơm lừng, đó mới là chiếc bánh đẹp, chứng tỏ người quạt bánh khéo tay, có con mắt thẩm mỹ.
Khâu quạt bánh rất quan trọng để bánh không chỉ ngon, mà phải đẹp
Nếu có dịp về đất biển Hậu Lộc, du khách đừng quên dừng chân thưởng thức chiếc bánh đa dân dã, mộc mạc mang theo hương vị mặn mòi của gió biển quê hương và tình cảm của cư dân làng biển xứ Thanh.