THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Về xứ Thanh để du hành trên sông Mã

Nơi sơn thủy hữu tình

Không hiền hòa, thơ mộng như sông Hương, chẳng náo nhiệt, tráng lệ giống sông Hàn hay sông Sài Gòn, sông Mã vẫn giữ riêng cho mình một nét đẹp riêng và sâu lắng. Đó là vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ phía thượng nguồn và một mạch nguồn văn hóa đã lắng đọng từ chiều sâu quá khứ lịch sử vùng đất phía hạ du. Trước kia, dòng sông là kế sinh nhai của người dân sống dọc hai bên bờ bằng các nghề chài lưới, trồng trọt... Còn hiện nay, hạ lưu sông Mã còn trở thành điểm đến cho các tuyến du hành sông nước thú vị.

Du hành trên sông Mã - Ảnh 1.

Du hành trên sông Mã – Một trong những tua du lịch mới mẻ, hấp dẫn du khách

Năm 2015, gắn với sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã công bố tuyến du lịch "Ngược xuôi sông Mã". Đây là sản phẩm du lịch kết hợp cả đường thủy và đường bộ, cũng như có sự tích hợp nhiều loại hình, bao gồm du lịch tâm linh tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa; du lịch tham quan ngắm cảnh, vui chơi giải trí; du lịch tìm hiểu làng nghề; du lịch tìm hiểu di tích khảo cổ. Qua đó, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và mới mẻ…

Nhắc đến dòng sông Mã sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến địa danh Hàm Rồng. Cây cầu Hàm Rồng bắc qua dòng sông Mã gắn liền với những biến cố, thăng trầm lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Nơi đây được xem là "yết hầu" của "con đường huyết mạch" một thời, là niềm tự hào cho cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt. Chính vì điều đó, với mục đích ngăn chặn sự chi viện cho miền Mam ruột thịt, hàng nghìn tấn bom đạn đã được  không quân Mỹ thả xuống nơi đây. Cầu Hàm Rồng – Sông Mã trở thành điểm bắn phá ác liệt nhất những năm kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, từng tấc đất, cây cỏ, ngọn núi, con sông… đều ghi dấu những chiến công của quân và dân Thanh Hóa. Hiện nay, khu vực này đã được quy hoạch xây dựng thành Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) bao gồm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng và công trình văn hóa tâm linh như: cầu Hàm Rồng, núi Hàm Rồng, động Tiên Sơn, động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, làng cổ Đông Sơn...

Du hành trên sông Mã - Ảnh 2.

Cầu Hàm Rồng bắc qua dòng sông Mã nhìn từ trên cao

Từ bến thuyền trên sông Mã nằm ngay dưới chân cầu Hàm Rồng, theo con đường tản bộ, du khách có thể lên núi Hàm Rồng ngắm động Long Quang và động Tiên Sơn với vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Động Long Quang còn có tên gọi là động Mắt Rồng do phía trên động có hai cửa hai bên, được ví như hai mắt của con rồng. Không gian bên ngoài động rất thoáng đãng. Đứng từ cửa động có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Thanh Hóa ẩn hiện giữa núi non trùng điệp và dòng sông Mã uốn lượn như đang ôm ấp núi Rồng. Với phong cảnh nên thơ, trữ tình, động Long Quang đã lôi cuốn nhiều thi nhân, mặc khách đến vãn cảnh như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh… Trên những bức tường đá bên trong động hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ chữ Hán từ thời Hậu Lê ca ngợi thắng cảnh núi Rồng, sông Mã…

Du hành trên sông Mã - Ảnh 3.

Bình minh trên dòng sông Mã

Nằm trên đồi Cánh Tiên trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền là nơi quần tụ của linh hồn các anh hùng liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, hùng khí xứ Thanh, vì vậy mà công trình được xây dựng bề thế, có vị trí trang trọng nhất, chi phối toàn bộ cảnh quan tổng thể.

Tọa lạc trên đồi C4, nơi trận địa pháo năm xưa là Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng. Thiền viện nằm yên ắng, thanh tịnh trên ngọn đồi cao bên bờ Sông Mã, lại được bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải. Đường lên thiền viện uốn lượn quanh co, càng lên cao con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Dưới chân núi, hết thảy mọi sinh hoạt đời thường, mọi quang cảnh thế tục… bỗng như lùi vào một cõi xa xăm, nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa vang vọng...

Một điểm không thể không nhắc tới  trong quần thể khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là Làng cổ Đông Sơn - ngôi làng chiến đấu trong kháng chiến. Hiện nay ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổng làng, đình làng truyền thống cùng 13 ngôi nhà cổ với những bức tường rêu phong nằm ven những con đường lát gạch, đá ngoằn ngoèo theo sườn núi. Đặc biệt, những chứng cứ văn hóa vật chất được phát hiện từ lòng đất của làng cổ Đông Sơn như những bộ nông cụ, các loại vũ khí, đồ gốm, đồ trang sức đến những chiếc trống đồng có hoa văn tinh xảo... đã cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp có vị thế trong khu vực. Đầu thế kỷ 20, Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới là Văn hóa Đông Sơn và trống đồng Đông Sơn trở thành biểu tượng cho tài năng, trí sáng tạo của người Việt cổ trong buổi đầu tạo dựng văn minh của nhân loại…

Bồng bềnh một miền sông nước

Nếu lựa chọn con đường thủy, du khách có thể đi thuyền bồng bềnh trên sông nước, ngắm phong cảnh, thưởng thức những sản vật mà dòng sông mang lại. Chuyến hành trình được khởi hành từ sáng sớm, sau khi rời bến thuyền nơi chân cầu Hàm Rồng, từ trên du thuyền, du khách có thể quan sát được sự mênh mang dài rộng của dòng sông và phong cảnh hai bên bờ. Nếu ngược về phía thượng nguồn, du thuyền tiến dần đến Ngã Ba Đầu hay còn gọi là Ngã Ba Giàng, nổi tiếng với Bàn A Thập cảnh, hội tụ 10 cảnh đẹp của xứ Thanh. Nơi đây, hai bên bờ sông đều có những ngôi đền, chùa nổi tiếng linh thiêng. Đây cũng là nơi dòng sông Chu hợp lưu với sông Mã sau khi rong ruổi một hành trình dài từ đất nước Lào và chảy vào xứ Thanh.

Du hành trên sông Mã - Ảnh 4.

Du hành trên sông Mã – Một trong những tua du lịch mới mẻ, hấp dẫn du khách

Qua Ngã Ba Đầu nơi sông Chu và sông Mã hợp lưu, du thuyền tiến gần đến ngã Ba Bông. Dòng sông Mã bắt nguồn từ Sơn La, xuyên qua đất bạn Lào về Thanh Hóa, đến giữa huyện Vĩnh Lộc thì hợp lưu với sông Bưởi. Đến cuối huyện, tại Ngã Ba Bông, sông Mã chia tách thành 2 nhánh, nhánh nhỏ gọi là sông Lèn, nhánh lớn xuôi về ngã Ba Đầu, rồi sau đó chia tách thành hai dòng đổ ra biển qua cửa Lạch Trường và Lạch Hới. Ngã Ba Bông là nơi "một con gà gáy 6 huyện cùng nghe", vì vùng tụ thủy này là địa điểm tiếp giáp giữa các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định. Đến đây, du khách sẽ rời  thuyền, lên bờ để dâng hương đền Cô Bơ. Đền Cô Bơ là địa danh nổi tiếng thờ hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh, đây là nét đặc trưng của tục thờ Đạo Mẫu ở xứ Thanh. Khách thăm đền vừa dâng hương, vãn cảnh, vừa xem các thanh đồng nhập giá…

Rời đền Cô Bơ, cũng là lúc thuyền bắt đầu xuôi dòng, lúc này khách du lịch có dịp được thưởng thức những món ăn đậm chất xứ Thanh với tôm sông, cá sông, rau má, nem chua…Sau bữa trưa, thuyền cập bến bên tả, du khách có thể dâng hương vãn cảnh chùa Sùng Nghiêm, đền - nghè Yên Vực. Đây là quần thể di tích tâm linh tọa lạc trên đất làng Yên Vực, thuộc phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Rời cụm di tích Yên Vực, thuyền qua bến Hàm Rồng, rồi tiếp tục xuôi dòng về thăm Cửa Hới - Sầm Sơn. Đến cảng Hới, thuyền cập bờ để du khách lên chơi, mua hải sản của các tàu đánh bắt vừa chở về còn tươi roi rói. Khu vực cảng Hới cũng là di tích nơi đón đồng bào, học sinh miền Nam tập kết hơn 60 năm trước. Nếu thuyền đi tiếp ra cửa biển, ven bờ phía đông là TP Sầm Sơn trẻ trung hiện đại, với khu du lịch FLC tráng lệ. Từ cảng Hới, thuyền ngược về bến Hàm Rồng, kết thúc chuyến hành trình ngược xuôi sông Mã…

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, như cầu tàu, bến tàu, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại tất cả các bến du lịch dọc hai bờ sông Mã. Đồng thời, đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, danh thắng, các di sản văn hóa phi vật thể, nhằm làm tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm…Nhờ đó, sông Mã đang mang đến cho du khách thêm một sự lựa chọn không thể bỏ qua nếu muốn trải nghiệm vẻ đẹp sông nước, cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa vùng đất xứ Thanh.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh