CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:03

Về xứ Dừa nghe đờn ca tài tử

 

Chuyện tình của chàng trai mù 

Những ngày trước và sau Tết, Đội đờn ca tài tử quê dừa Cồn Phụng (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre) bận bịu liên tục. Là thành viên trong Đội, chàng trai khiếm thị Nguyễn Hoàng Phước, với giọng hát thật ngọt, thật sáng luôn là tâm điểm thu hút du khách. Dù chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng, nhưng bù lại, anh rất sáng dạ và có năng khiếu về âm nhạc. Bất cứ ai trò chuyện với Phước đều lập tức bị cuốn hút bởi nét dí dỏm vô cùng có duyên và sự yêu đời.

Không có điều kiện đi học, Phước đã gắng theo học hết cấp 3 ở Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Bến Tre. Chỉ được học qua về thanh nhạc, nhưng từ nhỏ, Phước đã mê say và thấm giai điệu đờn ca tài tử quê mình. Khi học xong lớp 12, nghe ở đâu có thầy dạy ca tài tử là Phước tìm đến để xin học. Cần mẫn và quyết tâm nhiều năm như thế, đến nay Phước đã trở thành “ngôi sao” của Đội.

Lướt những ngón tay điệu nghệ trên cây ghi ta phím lõm, đôi tay của Phước như ánh mắt sáng và biết nói cứ như thế mà hút người đối diện. Phước cho biết, anh đã tự học và có thể chơi được cả đàn bầu, đàn sến và thổi sáo. Với vốn “tài sản” kha khá như thế, nên chuyện Phước “chiếm lĩnh” được trái tim người phụ nữ mà anh bảo “không nhìn thấy hình dáng ra sao nhưng chỉ cần nghe giọng nói đã muốn say” quả không có gì lạ. Lần đầu gặp nhau cách đây 3 năm, Phước đã “ước gì mình được quen chị này”. Vì Hằng, vợ Phước bây giờ, hơn anh 6 tuổi nên hồi mới quen họ gọi nhau bằng chị - em. Đến một ngày trái tim mách bảo Phước rằng họ phải thuộc về nhau, anh mạnh dạn tỏ tình một cách “khôn ngoan”: “Chị cứ để em thương, chị không cần phải thương lại em đâu”. Hằng im lặng trước đề nghị của Phước khiến anh hồi hộp đến nghẹt thở, nhưng bắt đầu từ đó, Phước nhận được những dấu hiệu tích cực từ Hằng và đám cưới của họ đã diễn ra như mơ sau 5 tháng họ gặp nhau. Hằng bỏ làm ở công ty để gia nhập Đội đờn ca tài tử ở Cồn Phụng. Hàng ngày cô chở chồng đến đây, họ cùng anh em trong Đội mang giai điệu mênh mang của miền quê sông nước phục vụ du khách.

 

Nguyễn Hoàng Phước (đeo kính đen) cùng Đội đờn ca tài tử biểu diễn phục vụ du khách.

 

Những ốc đảo xanh

Thành lập từ năm 2001, Đội đờn ca tài tử quê dừa huyện Châu Thành quy tụ 12 nghệ sỹ từ các nơi trong tỉnh. Cuối năm và sau Tết là mùa du lịch, chương trình ca nhạc của Đội có thể coi là điểm nhấn của hành trình tour miền Tây. Ngồi thư giãn bên ly trà thơm mùi mật ong, nhấm nháp miếng trái cây ngọt lịm và nghe giai điệu đờn ca tài tử miên man… đúng là cảm giác thật dễ chịu ở du khách. Cùng với 4 cồn (Long, Lân, Quy) của tỉnh Bến Tre, Cồn Phụng giống như một ốc đảo xanh nổi bật trên dòng sông Tiền. Vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, Cồn Phụng chỉ rộng khoảng 28 ha, cứ mỗi năm lượng phù sa bồi dày thêm, nên đến nay cồn đã rộng tới 50 ha.

Đến Cồn Phụng mùa nào cũng đầy gió mát, cây trái xanh tươi, những món ăn dân dã đặc trưng của vùng sông nước chẳng bao giờ khan hiếm nên hầu như đảo nhỏ này hiếm khi ế khách. Người nước ngoài luôn ưa thích và tìm đến những vùng có thế mạnh về du lịch sinh thái, vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi ta thấy những “ông bà tây” to lớn ngồi vắt vẻo trên chiếc xe ngựa, hay họ thích thú đạp xe len lỏi trong những con đường quê.

Là thủ phủ của quê dừa, nên ngoài đờn ca tài tử, những sản phẩm từ dừa cũng rất hấp dẫn du khách. Ta có thể xem gọn một công đoạn làm ra kẹo dừa, những chiếc kẹo ngọt thắm từ cơm dừa thơm phức nổi tiếng của Bến Tre. Du khách cũng bị say mê bởi những sản phẩm tinh tế được làm từ thân cây dừa. Thật khó có thể tin, người nghệ nhân miệt vườn lại khéo tay đến thế khi làm ra được chiếc móc khóa, cái thìa, cái nĩa… nhỏ xíu. Người miền Tây cũng biết tận dụng triệt để những gốc dừa già không còn khả năng cho trái để làm ra những vật phẩm phục vụ cuộc sống như chén, bát, đũa, muỗng, đồng hồ… Hơn 20 năm sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, cơ sở của bà Út Hoa hầu như không đủ sức để làm. Khách đến tham quan, ngắm nhìn rồi quay lại đặt hàng, kể cả nguồn khách từ nước ngoài cũng mỗi ngày một đông. Sự nhạy bén và khéo léo của người dân nơi này đã giúp họ có thu nhập, có cuộc sống ổn định từ dừa. Chỉ cần chăm chỉ, người dân ở đây đã có cuộc sống dư giả từ mảnh đất trù phú này.

Nếu muốn khám phá và trải nghiệm nét độc đáo về văn hoá, ẩm thực, tập tục sinh hoạt trong đời sống dân dã của làng quê miền Tây thì Cồn Phụng gần như là sự hội tụ thu nhỏ, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi cuộc sống trên cồn từ sáng tới khuya cứ văng vẳng đâu đó tiếng đờn ca, tiếng sáo…

Nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống chủ yếu bằng nghề nuôi ong lấy mật, nhiều ngôi nhà lợp lá dừa vẫn còn được giữ nguyên, nét chân thật đến hồn nhiên của người dân hầu như không bị pha tạp… Bao nhiêu đó cũng đủ để Cồn Phụng xứng đáng là điểm đến và quay trở lại. 

ĐINH HOA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh