Về Vĩnh Long đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội
- Văn hóa - Giải trí
- 15:01 - 02/05/2023
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Hát bội là nghệ thuật sân khấu độc đáo, có mặt ở nước ta từ rất sớm, tồn tại đến nay hàng trăm năm. Hát bội được truyền từ Bắc (Đàng ngoài) đến miền Trung (Đàng trong) vào thế kỷ thứ XVII. Người có công đầu phát triển sân khấu tuồng ở Đàng trong là Đào Duy Từ. Hát bội truyền vào Nam bộ khoảng thế kỷ XVIII, XIX. Ngay từ khi có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long, hát bội gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hoá đình làng. Đình là trung tâm văn hoá cộng đồng của làng. Ở mỗi đình, ngoài gian chính điện để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, gian võ quy thì nhất thiết phải có gian võ ca. Gian võ ca thiết kế, bày trí như một rạp hát có sân khấu và khán đài dành cho khán giả. Trong các kỳ lễ hội, hát bội được trình diễn để dâng cúng Thần thành Hoàng bổn cảnh sau là giúp vui cho bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại, loại hình nghệ thuật này đang dần vắng bóng trên sân khấu, bởi lẽ thiếu người xem và thiếu cả người diễn. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa hát bội diễn ở nhà văn hóa để duy trì và phục dựng. Song điều đặc biệt của loại hình này, là không thể rời xa võ ca đình thần và chỉ có thể diễn ở đình thần (ngôi đình làng thờ thần thành hoàng) mới thể hiện hết cái hồn của một loại hình nghệ thuật. Vì thế việc giữ gìn và đưa hát bội vào làm sản phẩm du lịch của Vĩnh Long, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa là điểm nhấn níu chân du khách trong và ngoài nước.
Điểm đặc sắc của sản phẩm du lịch này không chỉ ở chỗ lời ca tiếng hát, mà còn cả sự cộng hưởng khi du khách được phiêu bồng xuôi dòng Cổ Chiên, những đêm tối ánh trăng soi rọi xuống dòng nước óng ánh, gió thổi hương hoa bưởi, hoa xoài, mùi ổi chín ngoài vườn hòa quyện tạo nên không gian yên bình hiếm có. Trên tàu, du khách ngồi thưởng thức tách trà nóng, nhâm nhi bánh, kẹo, mứt, trái cây đặc sản của xứ Cù lao An Bình và lắng nghe những câu chuyện về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật hát bội và ý nghĩa của đốt đuốc trong lễ Kỳ Yên ở Vĩnh Long.
Tôi nhớ hồi còn bé (lúc đó khoảng 5 - 7 tuổi), quê ở Bình Định - vùng truyền thống về hát bội. Mỗi khi có loa rao đoàn hát về xã diễn, tối đó mẹ tôi cùng các cô, bác đưa con cái đi xem. Trên đường quê nghèo không có ánh điện, các cô đốt đuốc lá dừa hoặc cầm đèn dầu để soi đường đi tới nơi diễn. Lúc đó sân khấu chỉ là bãi đất trống, đoàn hát về dựng rạp và trang trí. Trong tiếng trống kèm tiếng hát kết hợp với phục trang của các nghệ sĩ tôi thấy mà sợ. Nhưng mẹ tôi cũng như các cô, dì khen rối rít là hát rất hay. Sau bao nhiêu năm, giờ tôi mới biết cảm nhận được tính đặc sắc về loại hình nghệ thuật này. Nhưng ngày nay, hát bội khác hơn hát bội ngày xưa ở quê tôi đôi chút.
Chị Hoàng Mai, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh lần đầu tham gia trải nghiệm chia sẻ, lúc trẻ tôi hay đi xem ca nhạc, có lúc theo mẹ xem cải lương, nhưng chưa lần nào được xem hát bội. Lần đầu tiên được trải nghiệm cầm đuốc lá dừa, mò mẫm trên con đường nhỏ hẹp tối om, xung quanh cóc nhái kêu òm ọp nghe sờ sợ, nhưng cũng thấy thú vị và hào hứng. Dọc đường đi tôi nghe nhiều cô, chú nhắc chuyện ngày xưa, rồi kể những lần xem hát, làm tôi tò mò về loại hình nghệ thuật này.
“Đến nơi, lúc đầu tôi hơi bỡ ngỡ nhưng xem một hồi cũng bị cuốn hút bởi câu chuyện, lối truyền đạt của các nghệ sĩ và cách hóa trang của các nhân vật. Tôi nghĩ loại hình nghệ thuật này cần được nhân rộng, bảo tồn để con cháu thế hệ sau trải nghiệm”, chị Mai nói.
Theo ông Nguyễn Khắc Khoan, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long, đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội là sản phẩm du lịch mới lạ, tạo ra trong không gian văn hóa đình làng Nam bộ khiến nhiều du khách tò mò thích thú trải nghiệm. Đây cũng là dịp để tìm lại giá trị văn hóa nghệ thuật trong không gian văn hóa đình làng Nam bộ xưa, cũng là cơ hội cho giới trẻ biết được giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta để lại, nhớ về một thời các bậc tiền nhân đi mở cõi. Đối với người trẻ là một sự trải nghiệm quý giá, kỷ niệm đẹp dưới mái đình làng.
“Tỉnh đang xây dựng hát bội trở thành điểm nhấn đặc trưng cho du lịch Vĩnh Long. Để quảng bá loại hình văn hóa phi vật thể, nghệ thuật hát bội đến với du khách, trung tâm đang nỗ lực kết nối tour tuyến với các đơn vị lữ hành để du khách có thể trải nghiệm sản phẩm độc đáo này”, ông Khoan thông tin.
Ðưa nghệ thuật hát bội ra thế giới
Những tiếng vỗ tay vang lên từng đợt từ đám đông đứng ngồi quanh sân khấu dựng trước ngôi đình làng ở xã Vĩnh An, huyện Mang Thít. Trong tiếng nhạc cổ rộn ràng, tiếng thanh la, tiếng trống dồn vang, một vị tướng và một nữ tướng đang "giao chiến" trên sân khấu, cả hai mặc giáp trụ màu sắc rực rỡ, tay cầm cây giáo dài… là buổi diễn của gánh hát bội tài tử Ðồng Thinh tỉnh Vĩnh Long.
Trước cổng đình các bô lão với trang phục áo dài, khăn đóng đón tiếp và được xem trình diễn đốt đèn măng sông. Sau khi đến đình thần, khán giả thắp nén hương tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân mở cõi về vùng đất phương Nam và cầu mong sự bình an cho gia đình, trò chuyện với bà con nơi đây, cùng giao lưu và trao đổi những câu chuyện kể về tình đất và tình người, trước khi xem hát bội.
Vào trong đình, khán giả sẽ được ngồi chiếc ghế gỗ cùng chiếc quạt mo cau trên tay với câu thơ “Cho tôi một giờ trả bạn trăm năm” thể hiện tấm lòng mến khách của người Vĩnh Long và thưởng thức vở tuồng “Câu thơ dũng tướng” do gánh hát bội Đồng Thinh biểu diễn. Các vở diễn trong những tuồng hát bội thường là những câu chuyện kinh điển về một thuở đi mở cõi, các vị anh hùng đấu tranh bảo vệ đất nước, tình yêu xóm làng, tình yêu đất nước... được các nghệ nhân ca diễn xuất thần. Từ đôi mắt, gương mặt, điệu bộ hòa cùng tiếng trống chầu dưới mái đình làng, sự chuẩn bị cầu kỳ từ trang điểm, trang phục, dàn dựng sân khấu cho đến âm thanh nhạc cụ… tạo ra một không gian xưa, những hoài niệm về ngày ấu thơ theo chân bà, mẹ đi xem hát bội.
Không chỉ được xem hát bội, điều vô cùng thích thú là khán giả còn được học cách biểu diễn, tìm hiểu và trải nghiệm các động tác ngay trên sân khấu. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú và phấn khởi. Hát bội là nghệ thuật kết hợp của ca, kịch và các động tác biểu diễn. Với đặc trưng là tính ước lệ để chuyển tải các tuồng tích, người dân Nam bộ đã dựa vào những tích xưa để lồng vào đó các câu chuyện mang tính nhân văn, đạo đức, đề cao giá trị làm người như: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, bài trừ cái xấu. Với một cây roi có gắn chùm lông tượng trưng cho con ngựa, khán giả sẽ được học cách cho ngựa chạy phi nước đại, phi nước kiệu… hay các động tác đánh võ, múa thương… nhìn tưởng đơn giản nhưng thực ra khá phức tạp, mà để biểu diễn đẹp mắt và thành thục trên sân khấu đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập luyện kỳ công.
Được biết, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) đã đề cử tour “Về Vĩnh Long đốt đuốc lá dừa đi coi hát bội” vào top 100 tour du lịch độc đáo, trải nghiệm thú vị tại Việt Nam.