THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:16

Về làng sản xuất “công văn” gửi Thánh

Về nơi sản xuất vàng mãThôn Đạo Tú khang trang như thành phố là nhờ sản xuất vàng mã.   

Thủ phủ hàng mã

Thôn Đạo Tú nhộn nhịp y như một con phố nơi thị thành với nhà cao cửa rộng san sát, người - xe lưu thông dày đặc. Nếu khác phố thì nơi đây chỉ khác ở chỗ ô tô đến và mang đi toàn đồ hàng mã. Và thay vì gọi xóm, người ta gọi trục đường chính là phố hàng mã, phố đồ của cõi âm.

Trăm nhà, trăm cửa hàng. Thật không ngoa lắm nếu nói nơi đây nhà nhà làm hàng mã, người người làm hàng mã. Tuy vậy, mỗi cửa hàng lại chuyên một mặt hàng khác nhau, có nhà chuyên làm ngựa, có nhà chuyên làm ô tô, có nhà chuyên làm vàng mã, tào quan, tiền vàng, giấy sớ,... Nào nhà lầu, xe hơi, ngựa, nón, giầy, dép, tiền, vàng,... tất cả đều bằng giấy.

Vào cửa hàng chuyên bán vàng mã tên Lập Hương, tôi được ông chủ tên Lập chia sẻ: “Công việc chính của chúng tôi là làm ruộng. Tuy vậy, ruộng chỉ có 2 sào, làm vài ngày là xong. Là công việc phụ nhưng lại là nguồn thu nhập chính của tất cả bà con ở đây. Đúng là làng này đã phất hẳn lên nhờ làm vàng mã. “Riêng nhà tôi, tôi chuyên làm tào quan, giấy vàng. Nếu nhập hàng về bán thì chẳng ăn thua. Ngược lại, tôi đầu tư mua máy in, mua giấy và thuê người làm. Lời lãi cao hơn, khách hàng tìm đến mình cũng nhiều hơn,...”.

Mang bí quyết làm giàu của Lập, tôi đến cửa hàng vàng mã Hải Hiền. Cũng như Lập, đôi vợ chồng trẻ Hải - Hiền có một cơ ngơi giá hàng tỉ đồng. Để có cơ ngơi đó, anh chị đã đầu tư máy in, làm nhà xưởng để in sớ, phù và chỉ chuyên về loại này. Chị Hiền cho biết: “Sớ thì có nhiều loại, nào giải hạn, cầu sao, thậm chí in các lá phù với nhiều màu sắc khác nhau, khách đến muốn mua loại nào cũng có. Khuôn in thì có sẵn rồi, cứ thế mà in thôi, ngày nào chúng tôi cũng in”.

Về nơi sản xuất vàng mã

Một kho vàng mã rộng cả trăm mét vuông.

Ngồi trò chuyện với anh Hải, chị Hiền được ít phút, tôi đã phải nhường lối cho khách vào mua sớ. Vị khách mua sớ đến lấy “hàng” để mang lên chùa Tây Thiên ở Vĩnh Phúc. Được biết, anh là người mà các chùa, các đại lý hàng mã gửi gắm niềm tin, khi nào cần “hàng” và “hàng” gì, chỉ cần nhấc điện thoại, anh này cho người gom rồi cho ô tô chở đến luôn. Hôm nay anh đến lấy sớ, chủ yếu là các lá sớ cầu may, cầu tài, và giải hạn, cùng với đó là một số lá phù đã in sẵn cho dịp cúng rằm tháng riêng.

Rồi nhiều cửa hàng khác, cửa hàng nào cũng tấp nập người vào, người ra. Nhìn các bà chủ trở tay sổ ghi, buông cúc áo khoác rồi đưa vạt áo thấm mồ hôi giữa trời lạnh cũng đủ minh chứng cho họ bận rộn như thế nào. Có nhiều ô tô đến từ các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nam Định,... đến lấy “hàng”. Thậm chí bưu điện nhỏ nơi đây cũng thành điểm chuyển phát các tờ sớ vào miền Nam.

Làm không kịp để bán

Đúng như ông Nguyễn Ngọc Chiêu, Trưởng thôn Đạo Tú nói, có nhiều hộ chọn cách làm thủ công, nhiều hộ đã đầu tư sắm máy in, xây dựng nhà xưởng với quy mô được xem là lớn.

Để hiểu hơn về công nghệ in hàng mã, tôi đã tìm đến xưởng in Bắc Dịu của ông chủ trẻ Nguyễn Ngọc Đông. Không lấy làm tự hào về cơ ngơi của mình, song Đông vẫn tự hào công việc này đã mang lại cho anh thu nhập khá ổn định.

Về nơi sản xuất vàng mã

Anh Nguyễn Ngọc Đông, chủ một xưởng làm và bán giấy ở thủ phủ vàng mã.

Đông cho biết: “Tôi nhận ra rằng, kinh tế càng ngày càng phát triển, người ta càng hướng cái tâm của mình đến cõi âm mà ta hay nói là ông bà, tổ tiên. Và cách để họ thể hiện chính là việc “sắm sửa” đốt cho cõi âm. Nếu như có hộ chọn làm nhà, có hộ chọn làm đền, làm tiền, vàng,... thì tôi chọn làm quần áo. Bên cạnh đó, tôi còn mua máy móc về làm giấy, bán giấy chuyên dụng làm đồ hàng mã”.

Cũng theo Đông, hàng tháng anh phải lên khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) mua giấy thô về, có những tháng nhiều đơn hàng, phải làm tăng tốc, mà mỗi chuyến như vậy anh lấy cả ô tô với vốn bỏ ra khoảng 30 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi năm anh bỏ ra khoảng 300 triệu đồng tiền vốn để mua giấy thô. Số giấy mua về, anh đem gia công, nhuộm bằng công nghệ của riêng mình rồi bán lại theo đơn đặt hàng.

Nói rồi anh đưa tôi đi xem xưởng in đồ vàng mã của mình, đúng là những cổ máy to, đồ sộ, chắc chắn và hiện đại. Chỉ tính riêng 3 cỗ máy to trong xưởng của Đông cũng có giá trên 300 triệu đồng, ngoài ra các máy cắt giấy, đồ nhuộm khác cũng có giá hàng chục triệu đồng. Qua đó mới thấy máy móc in và làm vàng mã tưởng như đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào.

Cũng như Đông, nhà anh Hải, nhà chị Hằng, nhà anh Lập, và nhiều nhà khác cũng có xưởng in. Riêng nhà chị Hằng lại chuyên in tiền vàng âm phủ, từ đô la, tiền việt, đến sớ, phù bằng chữ nho, chữ việt với cổ máy in có giá hàng trăm triệu đồng.

Về nơi sản xuất vàng mãSau giờ làm việc ở cơ quan, nhiều người còn giúp gia đình kiếm thêm thu nhập từ làm vàng mã.

Với công suất như vậy, mỗi năm người ta đã đốt đi bao nhiêu tấn giấy? Tôi cũng đã đi tìm lời giải nhưng đáp án chung mà tôi nhận được là “không xác định được bao nhiêu tấn, bởi sản xuất liên tục, quanh năm”. Mà nói vui như Đông, “sớ hay vàng mã là thứ để không thiu, nắng không ôi, mưa không mốc nên không sợ ế, nay bán không hết thì mai bán, đầu năm không bán được thì cuối năm sẽ bán, nhưng có khi làm không kịp để bán”.

Khát vọng một làng nghề

Công việc làm vàng mã đã tạo ra việc làm cho khá nhiều lao động. Về thiên đường vàng mã, tôi có dịp trò chuyện với một giáo viên. Công việc chính của anh là đứng trên bục giảng. Nhưng nói như anh, nghề giáo nghèo, bắt buộc phải làm thêm. Lúc nhàn rỗi, anh giúp mẹ, chị gái tô vẽ lên các đồ hàng mã. Nhà anh làm đền thờ - bằng hàng mã cho các cô đồng cậu bóng nên cũng được xem là không ngơi tay. Tuy mỗi cái bán ra được 80.000 đồng nhưng đều đều cũng mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Về nơi sản xuất vàng mã

Những lá sớ, phù được in tại các xưởng ở Đạo Tú.

Hoặc như chị Hiền, chị Sê mà tôi gặp cũng vậy, ngoài cấy lúa, họ sang làng Đạo Tú làm thuê cũng đã được hơn chục năm, họ được trả lương theo 2 hình thức là khoán và công nhật, tính ra mỗi tháng họ cũng có thể thu được từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng.

Còn anh Lập, anh Hải, luôn phải thuê ít nhất 5 người làm, hoặc như anh Đông có gần chục công nhân, trong đó có 5 công nhân nam làm cố định với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng và khoảng 5 công nhân nữ làm theo công nhật cũng có thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, người dân Đạo Tú đã sẵn sàng cho việc xây dựng làng nghề. Theo ghi nhận của chúng tôi thì họ đang mong chờ được quy hoạch thành làng nghề, để xây dựng các xưởng in, mở rộng quy mô, thuê công nhân làm việc với tính chất chuyên nghiệp hơn, vừa nhằm nâng cao chất lượng công việc, vừa bảo đảm về môi trường và nhiều yếu tố thuận lợi khác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chiêu, ở thôn Đạo Tú hiện có 100% hộ làm vàng mã, dân bắt đầu làm vàng mã từ vài chục năm nay. Nhiều hộ xây được nhà lầu, sắm được xe hơi là nhờ công việc này. Công việc này tuy không vất vả nhưng lại đòi hỏi tính kiên trì trong công việc.

Việc đều, thu nhập khá ổn định. Già - trẻ, gái - trai đều làm được nên đã giải quyết được công ăn việc làm cho khá nhiều lao động, một số lao động lân cận cũng tìm về làm thuê nên giảm thiểu được nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

Văn Nghĩa

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh