THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:54

Về làng tỷ phú “4 ngón”

Gà chọi Thổ Hà đang được coi là có nguồn gen khá tốt.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Đến làng Thổ Hà những ngày này người ta dễ bắt gặp những đám đông vòng trong vòng ngoài, tụ tập dưới những tán cây lớn, hay ở sân đình để chứng kiến những trận đá gà đang vào hồi gay cấn. Người ta đua nhau đổ xô về đây để bàn luận, chiêm ngưỡng rồi rầm rầm vỗ tay tán thưởng mỗi khi có con gà nào đấy ra được miếng đánh đẹp. Người dân ở đây mê gà đến quên ăn, quên ngủ và nhất là mỗi khi có gà nơi khác về thách đấu. Bất kể già trẻ lớn bé, trai, gái, mỗi khi nói về gà thì như “lên đồng”, nói say sưa... khó dứt ra được.

“Tin lành đồn xa”, từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định tìm lên, từ Quảng Ninh, Lạng Sơn... tìm đến, thậm chí có năm còn có gà ở các nước như Trung Quốc, Campuchia, Lào cũng “vượt biên” tìm sang để xin đấu và mua bằng được những con gà có nguồn gen tốt nơi đây. Vì vậy, rất nhiều người dân đã đổi đời, có những con gà chỉ chăn nuôi được mấy tháng có người đã trả tới chục triệu đồng. Cá biệt có con được dân mê gà thích, họ trả tới  3.500 USD như con “Hắc kê” nổi tiếng một thời của gia đình anh Hoan ở xóm 3 trong xã. 

“Hồ” được con gà có giá 20 triệu đồng như thế này là cả một kì công.

Anh Nguyễn Đức Quy, người  nuôi gà có tiếng ở làng cho biết: Để “hồ” được một chú gà đá được thì quả là một kỳ công. Đầu tiên phải chọn giống, cả đàn có khi chỉ chọn được một, hai con để “hồ” thành gà chiến, với một chế độ chăm sóc đặc biệt theo công thức riêng của từng người. Nhưng có lẽ để nuôi được một con gà đúng theo sở thích của mình thì chủ gà cũng bận và mệt hệt như…đi cày đồng vậy. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho gà ra sao, tuỳ theo tháng tuổi, cân nặng, mà người nuôi quyết định thực đơn cho gà. Làm sao cho ăn không để gà mập quá, cũng như không thể thiếu chất dinh dưỡng duy trì quá trình huấn luyện sau này. Thông thường, một chú gà chọi từ lúc nở ra đến lúc bước vào giai đoạn huấn luyện thường là 6 tháng. Đây là thời kỳ những lão nông có thể “hồ” thành những chú gà chọi chuyên nghiệp, đưa lên sới và thi đấu được. Giai đoạn này được gọi là “om trường”, đây là thời gian vất vả nhất. Ngày ít nhất ba lần, người chăm gà phải dùng củ nghệ, lá chè xanh đun sôi, vỗ và mát xa cho gà. Làm sao cho da gà được săn chắc và dày nhất để khi vào cuộc, đối phương có mổ hay đá chúng cũng không hề hấn gì.Công đoạn này càng làm được nhiều lần càng tốt, đây cũng là thời kỳ chăm sóc đặc biệt nhất. Thức ăn trong giai đoạn này của gà chủ yếu là thóc và không cho ăn bất cứ món gì khác. Tối đến trước khi đi ngủ, người thì có thể quên mắc màn, chứ gà thì không thể quên được... Vì một nốt muỗi đốt có thể làm hỏng cả thời gian chăm sóc con gà thân yêu của mình.

Nổi danh từ thú nhà nông

Sau giai đoạn “om trường” là đến thời kỳ vần gà. Đây là giai đoạn hàng ngày gà bắt đầu được tập các bài làm quen chuẩn bị đưa đi nghênh chiến. Tiếp theo đến giai đoạn vần đòn, đây là giai đoạn gà được lên sới thi đấu. Vì thế, khi bước đến làng thế nào mọi người cũng được xem những trận đá gà, bởi đây hầu hết là những con gà đang trong quá trình “vần đòn”, được các lão nông đem ra thách đấu.Chính những trận thư hùng để “vần đòn” như thế này, những lão nông biết được những con gà nào có miếng đánh đẹp, đầy uy lực để rồi từ đó họ bổ sung những kinh nghiệm chăm sóc cho gà. Gà được phân chia rất nhiều lối đánh khác nhau, nhưng thông thường có mấy kiểu đánh được người chơi gà quen gọi như Hầu dọc (chuyên đá vào yết hầu), đá Kềng (đá vào hai đầu cánh), đá Mé (đá hai mang tai), đá Rong trâu (đá vào gáy)... Sau đó, những cặp gà này được các chủ gà xem, con nào có cùng lối (cùng kiểu đánh) với gà mình và con nào khác lối (khác kiểu đánh) để lên lịch tổ chức cho gà đi  “vần đòn”.

Trong thời gian gà “vần đòn” chẳng khác gì những cuộc thi đấu thực sự bởi hầu hết những cặp gà đều được chia hồ (mỗi hồ khoảng 15 phút) và bịt cựa để đánh. Thường thì các chủ gà chọn hình thức khoán hồ (9 hồ) để vần gà, theo kinh nghiệm đây là hình thức vần gà tốt nhất để nếu có thi đấu thật thì gà cũng không sợ đòn hay mất sức trước các đối thủ. Vì thường xuyên được vần đòn nên bất cứ một con gà nhà ai có lối đánh hay cũng được mọi người khắp nơi biết đến.

Ban đầu, họ đến xem và đưa ra những lời thách đấu. Vì vậy, nơi đây không hiếm những trận đá gà hay, mọi người từ khắp nơi yêu thích thú chơi tao nhã này đã tìm về để xem. Không chỉ những người mê gà trong nước mà cả những vị khách nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... thường xuyên tìm về để xem và mua gà.

Hầu hết khách hàng về đây đều thích những con gà được bàn tay người dân chăm sóc. Theo họ các lão nông ở đây rất có nghề. Con gà nào được các lão nông chọn thì họ khỏi phải suy nghĩ vì chúng đã được tuyển bởi những con mắt tinh tường. Người dân nơi đây bất kể già trẻ lớn bé đều mê gà, nên nhà nào cũng nuôi gà chọi. Nhiều năm trở lại đây nuôi gà chọi đã trở thành nguồn thu nhập chính của phần đa các gia đình. Nhiều khách nước ngoài cũng tìm đến lùng mua gà, người dân bán với giá cả chục triệu đồng với một gà bình thường và có thể lên đến 70 - 80 triệu đồng với một gà “có tiếng”. Ở Thổ Hà, những con gà được bán với giá từ 10 - 20 triệu đồng giờ không còn là chuyện hiếm. Rất nhiều gia đình nơi đây có những con gà đã được khách nước ngoài trả đến vài chục triệu đồng mà chưa muốn bán. Lịch sử đấu gà ở Thổ Hà còn lưu danh với những con gà  của lão nông Trịnh Xuân Việt hay Trịnh Xuân Lác.

Riêng con gà có tên “Mây” được mệnh danh là “Quỷ kê” của ông Trịnh Xuân Lác, ở xóm 4, đã một thời làm mưa, làm gió khắp 3 miền, rồi giật giải “bách chiến, bách thắng” khi sang Lào, Campuchia. Con gà này có ưu điểm chỉ cần “hồ” là nó dứt điểm hạ gục được đối thủ. Với những cú đá “hầu dọc” nguy hiểm, nó đã được đưa sang Thái Lan để thi đấu với con gà nổi tiếng nhất của nước này. Và nó cũng đã nổi danh, hạ gục đối thủ sau một ngày đêm ròng rã chiến đấu không nghỉ.

Từ một thú chơi rất dân dã để giải trí, người Thổ Hà đã tạo nên một “thương hiệu” mới cho mình. Những chú gà chọi “Made in.. Thổ Hà” đã được nhiều nơi biết đến, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài như một mặt hàng có giá trị cao.

SONG NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh