Về 'làng Hollywood' ở Ninh Bình
- Văn hóa - Giải trí
- 16:47 - 22/03/2016
Diễn viên quần chúng Nguyễn Thị Khuy (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư).
Khi đoàn làm phim rời Ninh Bình, chúng tôi mới có dịp trở lại huyện Hoa Lư, nơi có tới 40 diễn viên quần chúng tham gia diễn xuất trong bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island”. Việc được cọ xát với các thành viên trong đoàn làm phim Hollywood không chỉ giúp người dân mà cả quan chức ở Ninh Bình thay đổi tư duy làm du lịch.
Ai bảo diễn viên là sướng?
Trung tuần tháng 3, nhiều người dân địa phương không khỏi bùi ngùi khi chia tay đoàn làm phim Kong: Skull Island của hãng phim TiTan. Trong gần 20 ngày làm việc cật lực tại Ninh Bình, đoàn làm phim đến từ Hollywood đã hoàn thiện các cảnh quay tại Tràng An; Tam Cốc - Bích Động và đầm Vân Long. Điều khiến người dân địa phương ấn tượng nhất không phải là những siêu sao điện ảnh, máy móc hiện đại, mà là sức làm việc miệt mài, bền bỉ và chuyên nghiệp của những người đến từ nước Mỹ.
Chị Nguyễn Thị Loan ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư chia sẻ: Là người gắn bó với nghề nông thường phải thức khuya dậy sớm, thế nhưng so với họ mình còn thua xa. Những người làm công tác hậu trường như dựng cảnh, cẩu, máy quay, trang điểm, hóa trang phải thức dậy làm việc từ 2h sáng. Còn các diễn viên, muộn nhất là 3h sáng họ đã có mặt tại phim trường.
Theo chị Loan, sức làm việc của các thành viên trong đoàn thật khủng khiếp. Họ làm hết mình, mệt thì giải lao 5, 10 phút uống nước, ăn nhẹ rồi lại tiếp tục công việc. Chị Jen Conroy - chuyên gia phụ trách dinh dưỡng của đoàn phim làm việc gần như không ngừng nghỉ.
Chị Loan cho biết, trước khi thực hiện các cảnh quay ở Việt Nam, chị Jen Conroy đã có thời gian đến tìm hiểu văn hóa ẩm thực tại từng vùng, đặc biệt là địa điểm thực hiện các cảnh quay. Chính vì thế, chị chuẩn bị các món ăn rất chu đáo, phù hợp với khẩu vị của những người Việt tham gia cùng đoàn làm phim. Ngoài ra, các thành viên trong đoàn cũng rất vui vẻ mời bà con thưởng thức các món ăn họ mang từ Mỹ sang. Trong những ngày ở Ninh Bình, có ngày trời mưa và rất lạnh, song ngày nào họ cũng đến phim trường lúc 2h-3h sáng và tới 18h mới trở về khách sạn.
Anh Nguyễn Ngọc Thiện (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) kể: Qua nhiều khâu lựa chọn khắt khe, anh đã “trúng” vai thổ dân đi săn bắt. Trước khi làm việc, họ cũng bắt mình phải ký hợp đồng cam kết với các điều khoản rất chi tiết. Nếu mình không thực hiện đúng cam kết thì không những không nhận được thù lao mà còn bị phạt gấp 5 lần số tiền họ cam kết trả cho mình.
Theo đó, anh Thiện có mặt tại phim trường lúc 7h sáng và được trả 350.000 đồng/20 phút ghi hình và nếu có mặt tại phim trường lúc 3h sáng sẽ được trả 700.000 đồng/20 phút ghi hình. Công việc không có gì vất vả, nhưng mất nhiều thời gian hóa trang. Có cảnh quay anh Thiện mất 5 - 6 giờ hóa trang, nhưng chỉ ghi hình 15 - 20 phút là xong.
Anh Thiện cho biết, trong quá trình diễn xuất, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chỉ đạo 1 người đứng trước hướng dẫn, khi họ giơ giáo lên thì mình cũng giơ theo, khi họ chạy mình cũng cầm giáo chạy trên những bước thềm của phim trường được dựng sẵn. Cụ thể, nhân vật thổ dân do anh Thiện đảm nhiệm nhìn thấy một vệt máu hình bàn tay khổng lồ của quái thú để lại trên vách đá. Sau đó, những thổ dân vung giáo đuổi theo nhà thám hiểm (nhân vật lạ mặt) trên một chiếc thuyền. Các nhân vật trong phim sẽ khám phá những hòn đảo lạ và ngôi làng của thổ dân. Tại địa điểm này, đoàn làm phim còn thực hiện những cảnh quay những con thuyền rẽ sóng trên sông.
Cùng ăn, cùng diễn với minh tinh
“Diễn viên” Nguyễn Thị Khuy (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) chia sẻ: Mặc dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng chị vẫn cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi của các thành viên đoàn làm phim. Đặc biệt, chị và những diễn viên quần chúng khác rất vinh dự, tự hào khi được ngồi ăn uống cùng họ. Chị Khuy cho biết, các diễn viên Hollywood và thành viên trong đoàn rất quan tâm tới các món ăn Việt.
Chị cũng được Giám đốc sản xuất Alex Garcia cho xem những bức ảnh kỹ xảo giả định sẽ dựng phim về những cảnh quay tại Tràng An, trong đó có hình ảnh Kinh Kong sẽ nhảy từ ngọn núi này qua ngọn núi khác. Ngọn núi có màu xanh là cảnh thật, còn ngọn núi có màu hồng được tạo ra từ kỹ xảo. Và đặc biệt có cả hình ảnh King Kong nhảy xuống ruộng lúa cạnh một con suối để mò cá.
Theo chị Khuy, việc Alex Garcia cho xem các hình ảnh đó cũng là giúp các diễn viên diễn xuất tốt hơn. Khi King Kong xuất hiện, chị sẽ tỏ vẻ giật mình kinh hãi, tiếp đó là các phản ứng bản năng trước hình ảnh của quái thú.
Diễn viên quần chúng Nguyễn Ngọc Thiện (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư).
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, đoàn làm phimKong: Skull Island đến làm việc với Ban Quản lý từ tháng 8/2015. Ban Quản lý đã đưa họ đến các khu vực để tham khảo ghi hình. Tiếp đó, họ tới Tràng An thông qua các kênh du lịch và tự thám hiểm. Ông Mạnh cho rằng, trước khi ghi hình họ nghiên cứu rất kỹ về thời tiết, địa hình, phong tục tập quán cũng như ẩm thực tại các khu vực tác nghiệp. Vì có sự chuẩn bị kỹ càng nên các cảnh quay không có gì thay đổi so với kịch bản.
“Việc trình chiếu bộ phim Kong: Skull Island hứa hẹn sẽ mang lại cho Ninh Bình lượng khách khổng lồ từ quốc tế, giúp Ninh Bình thúc đẩy ngành du lịch”, ông Mạnh nói.
Trò chuyện với chúng tôi, người dân địa phương cho biết họ học được nhiều điều từ đoàn làm phim, từ giờ giấc làm việc đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, nhiều quan chức Ninh Bình cũng phải thán phục giờ giấc làm việc nghiêm túc của họ.
Cụ thể, trong thời gian đoàn làm phim ở Ninh Bình, các phòng ban của UBND tỉnh dù đã hết giờ hành chính nhưng vẫn sáng đèn, khách đến làm việc đều được giải quyết nhanh chóng. Bằng chứng là 18h30 chúng tôi vẫn phỏng vấn được Chủ tịch tỉnh tại phòng làm việc.
Chị Khuy cho biết thêm, tham gia cùng đoàn làm phim, chị cũng học hỏi được ở họ cách ứng xử lịch sự, nhất là cải thiện ý thức bảo vệ môi trường. Bây giờ chị gặp rác vứt bừa bãi là nhặt, gom gọn vào một chỗ để nhân viên môi trường dễ thu dọn. Thực tế quan sát của chúng tôi cho thấy, du khách đến đây cũng đã có ý thức không vứt rác bừa bãi ra môi trường.
Thay đổi từ tư duy đến hành động
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 2014, chỉ có khoảng 4 triệu lượt du khách đến Tràng An, nhưng từ năm 2015, sau khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Tràng An đã thu hút tới 6 triệu lượt khách. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 tới nay, bến thuyền Tràng An luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí một số ngày bến thuyền phải đóng từ 7h sáng. Lượng du khách còn lại phải phân luồng lên chùa Bái Đính, đầu giờ chiều mới lại có thuyền để vãn cảnh Tràng An.
Theo ông Điến, trước đây khi trình chiếu bộ phim Đông Dương, chúng ta đã thu hút được hàng vạn du khách Pháp tới Tam Cốc - Bích Động. Hy vọng khi bộ phim Kong: Skull Island ra mắt, du khách quốc tế sẽ biết nhiều hơn về vẻ đẹp của Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Để thể hiện tình cảm thân thiện, hiếu khách, ngày 13/3, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ với đoàn làm phim. Đoàn làm phim đã bày tỏ sự hài lòng và cảm ơn UBND tỉnh, các ngành chức năng và nhân dân Ninh Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đoàn làm phim hoàn thiện việc ghi hình tại Tràng An; Tam Cốc - Bích Động và đầm Vân Long”, ông Điến nói.
Dự kiến “Kong: Skull Island” sẽ được phát hành vào tháng 3/2017. Phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như: Tom Hiddleston, Brie Larson, Toby Kebbell, John Ortiz, Corey Hawkins, John C. Reilly, Tom Wilkinson, Thomas Mann, John Goodman và Samuel L. Jackson. |
Ngày 17/3 toàn bộ êkip của đoàn làm phim đã di chuyển tới Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh), với 1 máy bay trực thăng, 60 ôtô, 9 container chở êkip giúp việc và các trang thiết bị, đạo cụ nặng hàng chục tấn. Ngày 18/3, đoàn triển khai cảnh quay ở khu vực Cống Lá - Ba Hang; Tùng Gấu, vùng biển Cát Bà, phía Nam Vịnh Hạ Long. Trước đó vào tháng 10/2015, đoàn đã thực hiện các cảnh quay tại Hawaii (Hoa Kỳ). |