CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 06:06

Khám phá làng thổ cẩm Châu Giang

 

Đặc sắc thổ cẩm người Chăm

Về An Giang khám phá làng thổ cẩm Châu GiangDệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ Chăm An Giang.

Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm nổi tiếng tại ấp Phum Xoài (xã Châu Phong,thị xã Tân Châu). Nơi đây được biết đến nghề thổ cẩm không những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hoá Chăm với các đường nét lạ độc đáo với nhiều loại sản phẩm thổ cẩm đa dạng như:

Sà rông, khăn choàng, nón, áo khoác và các mặt hàng có tính chất đặc trưng của người Chăm Nam bộ. Thổ cẩm Châu Giang là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thổ cẩm Châu Giang nét đặc sắc văn hoá Chăm An Giang.Thổ cẩm Châu Giang nét đặc sắc văn hoá Chăm An Giang.

Bước vào làng Chăm là bạn đã lạc vào một thế giới khác. Thấp thoáng bên song cửa sổ là những cô gái đang ngồi quay tơ hay đang ngồi dệt thổ cẩm.

Phụ nữ Chăm rất đẹp lại luôn mặc trang phục truyền thống nên thấy họ càng thêm huyền bí. Xưa, phụ nữ Chăm còn bị cấm cung. Nay tục này đã bỏ nhưng người phụ nữ vẫn choàng trên đầu chiếc khăn sặc sỡ, làm tôn thêm nét duyên dáng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống dệt thổ cẩm và thêu may, nên ngay từ năm 10 tuổi, Mariyah (dân tộc Chăm) chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly đã bắt đầu ngồi vào khung cửi, se sợi, suốt chỉ, nhuộm vải cùng cha mẹ, 20 tuổi, chị là một thợ lành nghề nổi danh trong ấp Phum Soài. Với loại khung dệt mắc đủ 18 go, một thợ giỏi như Mariyah mỗi ngày có thể dệt 2m thổ cẩm.

Về An Giang khám phá làng thổ cẩm Châu GiangMariyah (dân tộc Chăm) ở ấp Phũm Soài, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly bên khung dệt thổ cẩm với trang phục truyền thống.

Chị Mariya, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly có 7 khung dệt, cho biết: “Có một thời gian thổ cẩm Chăm ở đây tưởng chừng như mai một do thiếu nguyên vật liệu và gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhưng đây là nghề do ông cha truyền lại nên chúng tôi đã rất cố gắng gìn giữ. Thời gian  qua, tôi đã tổ chức dạy nghề cho gần 30 học viên là con em đồng bào dân tộc Chăm và hiện tại ngoài công việc đồng áng, mỗi người thu được khoảng 50.000 đồng/ngày từ việc dệt thổ cẩm, đây là khoản thu nhập không cao nhưng đã giúp phụ nữ đồng bào dân tộc Chăm cải thiện đời sống gia đình”.

Dù đã hòa nhập cuộc sống hiện đại, nhưng phụ nữ Chăm An Giang vẫn trung thành với cái thần và độc đáo nhất trong nữ phục chính là chiếc xà – rông truyền thống mà hình ảnh đặc trưng là áo dài quá gối, rộng, tay bít tà, cổ hình trái tim, nhưng họ đã nâng chiếc áo cổ xưa lên tầm cao mới bằng nghệ thuật dệt hoa văn chìm (patyh) rất độc đáo, với sự hội tụ của thế giới sắc màu hoa văn, đường nét.

Về An Giang khám phá làng thổ cẩm Châu Giang

Chị Se Mak (dân tộc Chăm) ở ấp Phũm Soài, đang may trang phục truyền thống.

Chị Se Mak, ở ấp Phum Xoài cho rằng: “Xã hội tiến bộ mình không thể dừng lại, nhưng những gì thuộc về truyền thống cũng phải biết giữ lại chứ”.

Với dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng ngần, chị Se Mak mang vẻ đẹp đặc trưng của con gái Chăm vùng sông nước Nam bộ. Trông chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi, chị nói: “Công việc khiến tôi trẻ ra. Tôi sẽ dùng sức trẻ để khôi phục và tiếp thêm sức mạnh cho những giá trị truyền thống nghề dệt thổ cẩm…”.

Dệt thổ cẩm Châu Giang thời hội nhập

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang đã có từ rất lâu đời. Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Ngày nay, sản phẩm thổ cẩm đã có mặt trên thị trường, thậm chí còn được người tiêu dùng ở các thành phố lớn yêu thích.

Nhưng không phải lúc nào người tiêu dùng ở thành phố cũng có thể mua được thổ cẩm của người Chăm. Vì nhiều sản phẩm thổ cẩm đang bán ở các thành phố được dệt bằng các thiết bị công nghiệp nên chất lượng kém, chỉ dùng một hai lần đã có hiện tượng xô vải, bạc màu...

Hiện nay, thổ cẩm Chăm được nhiều du khách ưa chuộng. Nhiều khách sạn lớn ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang... sử dụng thổ cẩm như một món hàng sang trọng treo ở vị trí trang trọng trên vách phòng lễ tân, nhà hàng và phòng nghỉ cao cấp.

Về An Giang khám phá làng thổ cẩm Châu GiangKhách du lịch khám phá làng thổ cẩm Châu Giang ở An Giang.

Thổ cẩm của người Chăm Châu Giang với những hoạ tiết hoa văn phong phú, độc đáo đã chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nhưng hiện nay, nghề dệt thổ cẩm được phục hồi nhưng do các khung dệt chưa được cải tiến nên để dệt được một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều thời gian.

Mỗi một chiếc túi xách, ba lô giá giao động từ 35.000 – 55.000 đồng/chiếc; ví, bóp: 10.000 – 20.000 đồng/chiếc; khăn trải bàn: 130.000 đến 300.000 đồng/chiếc; xà rông: 150.000 – 300.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ đi các khoản chi phí nguyên liệu, mỗi người chỉ có thu nhập được khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/tháng.

Do vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống chỉ giúp cho chị em kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Mặt khác, giá tơ tằm trong nước hiện nay cao gấp 5 lần so với giá sợi polyeste, coton nên làng thổ cẩm Châu Phong đang gặp nhiều khó khăn.

Về An Giang khám phá làng thổ cẩm Châu GiangChị Ay Sah, chủ một quầy hàng thổ cẩm Châu Giang đang giới thiệu sản phẩm với du khách.

Chị Ay Sah chủ một quầy hàng lưu niệm ở làng Chăm cho biết: “Tôi làm du lịch ở đây đã gần 20 năm rồi, tôi thấy du khách rất thích mua những sản phẩm dệt của người Chăm nhưng họ sợ hàng nhái, hàng lấy từ nơi khác về. Vì thế mà chúng tôi bố trí những khung dệt ở ngay quầy hàng, có người ngồi dệt thường xuyên thì họ tin và mua hàng mà không ngại, sản phẩm dệt ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”.

Ngoài ra, trong sâu thẳm lòng mình, những người thợ dệt tâm huyết đều mong muốn trong tương lai gần, An Giang quy hoạch vùng trồng cây đay, gai, bông,... để chị em có nguyên liệu dệt nên được những sản phẩm thổ cẩm có giá trị hơn…

Phương Nghi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh