Độc đáo Lễ "Sớt bát" của người Khmer An Giang
- Văn hóa - Giải trí
- 15:50 - 05/01/2015
Năm nay chùa Sà - Rách, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên được vinh dự chọn tổ chức đại lễ. Đây là một ngôi chùa lớn, khá đẹp, phía trước có hồ nước trồng hoa súng, in bóng các Stupa.
Phần quan trọng trong đại lễ này là nghi thức "Sớt bát". Trong nghi lễ này, bà con Khmer xếp hàng 2 bên đường dùng muỗng múc cơm của mình (nấu ở nhà đem đến) sớt vô bát của các sư. Các sư xếp hàng đi quanh chùa, tay cầm bát đựng cơm và đọc kinh cầu nguyện. Ý nghĩa của việc làm này đối với người Khmer là xin phước lành cho mình và gia đình. Các Sư nhận cơm là đã ban phước cho họ.
Năm nay chùa Sà - Rách đón hơn 260 nhà sư Khmer từ các ngôi chùa ở Tri Tôn, Tịnh Biên về dự. Hàng vạn bà con người Khmer đã đến chùa. Bà con dùng gạo thật ngon nấu cơm, chế biến các món thịt kho, đồ xào, làm các loại bánh bò, bánh tét, bánh ít, nấu xôi, nấu chè... đem đến cúng chùa.
Cũng có người chỉ đem đến dâng chùa 1 nải chuối, một rổ khoai... Những người phụ nữ sẽ phân loại thức ăn rồi chia vào các mâm. Các ông Cả sẽ được dọn riêng với các món ăn ngon nhất sau đó đến các ông Lục. Cuối cùng tất cả thức ăn còn lại sẽ chia cho những người đến cúng chùa.
Các phần cơm đã chuẩn bị cho nghi thức "Sớt Bát"
Bắt đầu lễ "Sớt Bát", đoàn nhà sư xếp hàng đi quanh chùa. Dẫn đầu đoàn nhà sư là hòa thượng trụ trì lớn nhất ở các chùa Khmer.
Bà con Khmer múc những muỗng cơm của mình vào bát của vị sư trụ trì. Các vị sư vừa đi vừa dọc kinh, bà con cũng vừa "Sớt bát " vừa đọc kinh rất thành kính.
Tiếp theo là sư Cả của các chùa Khmer. Sau cùng là hơn 200 ông Lục.
Lễ "Sớt bát" ngoài việc tưởng niệm, thể hiện sự tôn kính các vị hòa thượng, sư Cả đã quy tiên, còn thể hiện sự chia sẻ với mọi người, cầu mong ai cũng được cơm no áo ấm. Đó là nét văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ.