Vào đại học không còn là ưu tiên của nhiều học sinh trường miền núi
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:35 - 30/05/2019
Chênh lệch giữa các trường miền núi và miền xuôi
Thống kê tại một số trường THPT trên địa bàn Thanh Hóa cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực miền núi và miền xuôi trong tỷ lệ đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia lấy kết quả xét tốt nghiệp (XTN) THPT và xét tuyển đại học (XTĐH), cao đẳng (CĐ).
Ghi nhận tại Trường THPT Cầm Bá Thước (huyện Thường Xuân) là trường ở khu vực miền núi của Thanh Hóa cho thấy, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhà trường có tổng 369 học sinh ĐKDT.
Trong đó, 206 học sinh ĐKDT lấy kết quả XTN; 163 học sinh ĐKDT lấy kết quả XTĐH, CĐ.
Nếu như kỳ thi THPT quốc gia 2018, tỷ lệ học sinh ĐKDT lấy kết quả XTN của nhà trường là hơn 36% thì năm nay, con số thí sinh ĐKDT để XTN là gần 56%.
Thầy Lê Khả Long, Hiệu trưởng Trường THPT Cầm Bá Thước cho biết, xu hướng vào ĐH, CĐ không còn là ưu tiên của nhiều học sinh nhà trường. Trước thực trạng nhiều sinh viên ĐH tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm, hiện nhiều học sinh nhà trường sau khi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng theo học nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc kiếm việc làm để có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình ngay.
Thời gian qua, nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, làm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ năm lớp 10. Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên, các trung tâm giới thiệu việc làm về trường tư vấn, giới thiệu cho học sinh ngay từ năm đầu cấp.
“Người dân vẫn muốn con em đi học ĐH, CĐ nhưng nhiều em ra trường không xin được việc làm. Qua thực tế của nhà trường, chỉ những em có học lực khá, giỏi trở lên mới có nguyện vọng thi lấy kết quả XTĐH, CĐ; còn lại, các em thi để có tấm bằng tốt nghiệp rồi đi học nghề...”, thầy Long cho biết.
Học sinh khối 12 đang "chạy nước rút" trước kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Đó cũng là thực tế của Trường THPT Mường Lát, huyện vùng cao biên giới Mường Lát.
Thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát thông tin, nhà trường có 211 học sinh ĐKDT, trong đó chỉ có 58 em ĐKDT lấy kết quả XTĐH, còn lại là lấy kết quả XTN.
“Chủ yếu các em thi lấy kết quả XTN sau đó đi học nghề. Bởi vì do chất lượng của các em còn yếu, chưa đủ tự tin để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH; xu hướng của các em học xong là đi học nghề và đi làm công nhân.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thực trạng học ĐH ra không có việc làm, cụ thể trong thời gian qua, số đi học cử tuyển về, bố trí được công việc là rất khó nên tác động đến tâm lý các em không nhỏ”, thầy Văn cho biết.
Từ thực tế đó, trên cơ sở năng lực của học sinh, nhà trường đã định hướng cho các em theo học nghề để sớm tìm được việc làm, phù hợp với đặc điểm tại địa phương và điều kiện gia đình.
Tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp tại các trường miền núi chiếm hơn 50% so với xét tuyển đại học.
Trong khi đó, tại các trường ở khu vực miền xuôi, tỷ lệ ĐKDT THPT quốc gia để lấy kết quả XTN và XTĐH ngược lại hoàn toàn.
Ghi nhận tại Trường THPT Đào Duy Từ, TP. Thanh Hóa cho thấy, kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhà trường có 510 học sinh ĐKDT, 100% học sinh đều có nguyện vọng XTĐH, CĐ.
Theo thầy Trần Như Chuyên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, sở dĩ như vậy là do chất lượng đầu vào của nhà trường luôn ở tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa. Đây là tỷ lệ luôn chiếm ưu thế của nhà trường những năm qua.
Còn Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương) có 566 thí sinh ĐKDT, trong đó tỷ lệ ĐKDT để lấy kết quả XTN chỉ có 90 học sinh (chiếm 20%); còn lại 80% học sinh ĐKDT thi lấy kết quả XTĐH.
Theo thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 thì tỷ lệ này ổn định so với các năm học trước đây.
“Nhà trường hướng rất rõ cho các em, đưa thông tin của các trường ĐH, CĐ và học nghề cho các nhóm học sinh, ví dụ như nhóm theo học kinh tế, kỹ thuật, chuyên ngành... Sau đó, tuyên truyền cho các em nắm rõ, đặc biệt là nhóm vừa đi du học nước ngoài, vừa làm", thầy Dỵ cho biết.
Con đường lựa chọn nên theo sở thích
Trên thực tế, không phải hoàn toàn những học sinh có học lực trung bình mới chọn thi THPT quốc gia để lấy kết quả XTN mà có cả những học sinh có học lực khá, giỏi ĐKDT chỉ để lấy kết quả XTN thay vì XTĐH.
Em Lương Thị Thanh (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Cầm Bá Thước) là một trong những trường hợp như vậy.
“Em thấy mình cũng có khả năng thi vào ĐH nhưng xét thấy đầu ra và điều kiện gia đình còn khó khăn nên em chọn thi để lấy kết quả XTN. Sở thích của em là viết truyện. Sau khi tốt nghiệp, em có dự định đi học ngoại ngữ”, Thanh chia sẻ.
Thời gian qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp được các nhà trường quan tâm.
“Ngay từ đầu năm học lớp 12, em đã có định hướng cho mình. Em thích làm cái gì em muốn và điều đó tốt cho em. Bạn bè cũng rất ủng hộ em, lúc đầu em nói ra, gia đình không ủng hộ lắm. Nhưng sau đó, bố mẹ cũng hiểu và tôn trọng lựa chọn của em”, Thanh chia sẻ thêm.
Theo Thanh, lúc đầu em hơi phân vân về con đường mình lựa chọn sẽ chông gai hơn. Tuy nhiên, quan điểm của Thanh, trước hết là tự mình phải học hỏi. “Em nghĩ mình tự làm rồi giới thiệu đến mọi người, rồi mọi người yêu thích thôi. Vào ĐH chỉ thi đỗ và đi học thôi, còn tương lai như thế nào thì chưa rõ”, Thanh suy nghĩ.
“Nhiều bạn muốn chọn con đường vào ĐH theo sở thích và theo nguyện vọng của gia đình. Thậm chí, một số gia đình ép con chọn trường này, trường kia. Với em, nên lựa chọn theo sở thích để sau này tốt cho công việc của mình”, Thanh nêu quan điểm.
Nói về lựa chọn của học sinh, cô Lê Thị Hồng Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 cho biết, ai cũng mong muốn học trò của mình đi theo con đường thuận lợi nhất.
“Có lần đi chợ, tôi gặp lại học trò cũ từng đậu ĐH đang bán rau ở chợ. Đó là học sinh đã học phổ thông cách đây hàng chục năm và mất thêm nhiều năm học ĐH rồi ra trường nhưng vẫn thất nghiệp. Nói vậy để thấy rằng, giữa thực tế và lý thuyết còn có độ vênh”, cô Vân chia sẻ.
Từ đó, cô Vân có suy nghĩ về cách định hướng và tư vấn cho học sinh trước tiên là thực tế gia đình, rồi năng lực và nhu cầu xã hội.
Theo cô Vân, đặc biệt là khối xã hội, thực tế nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm. Chưa kể, quá trình theo học phải tiêu tốn bao nhiêu tiền của gia đình. Các em phải biết bản thân mình muốn gì, cần gì...
Câu chuyện về sự lựa chọn của cá nhân em Lương Thị Thanh cũng là một xu hướng đặt ra đối với không ít học sinh trước ngưỡng cửa tương lai của mình...