THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:59

Vấn nạn nghệ sĩ trầm cảm và tự tử

Những “ngôi sao cô đơn”

Thành viên nhóm nhạc f(x) Sulli ra đi ở tuổi 25 sau một thời gian dài chịu đựng căn bệnh trầm cảm bằng cách tự treo cổ tại nhà riêng. Được biết, trước khi qua đời, nữ ca sĩ đã có nhiều biểu hiện khác thường khi liên tục im lặng, cắn móng tay, rưng rưng và bật khóc ngay trên livestream.

Là đất nước có nền công nghiệp giải trí hàng đầu châu Á, nhưng nhiều năm qua Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ nghệ sĩ tự tử vì trầm cảm thuộc hàng cao nhất khu vực. Tuy nhiên, đó không phải là “chuyện riêng nhà người ta” nữa. Trong showbiz Việt cũng từng có nhiều nghệ sĩ nghĩ đến cái chết do bế tắc trước công việc, cuộc sống, tình yêu, gánh chịu những lời chê bai, soi mói của dư luận và áp lực “giữ hình ảnh”.

Vấn nạn nghệ sĩ trầm cảm và tự tử - Ảnh 1.

      Ca sĩ Sulli quyết định chấm dứt cuộc sống khi mới 25 tuổi do trầm cảm

Sơn Tùng M-TP là nam ca sĩ sở hữu lượng fan hâm mộ lớn nhất nhì showbiz Việt, nhưng cũng là người có lượng anti-fan nhiều không ai bằng. Anh cho biết, từng có một thời gian dài, trước áp lực dư luận và những lời chửi bới cay nghiệt của anti-fan khiến mình không biết phải làm gì và đã có ý định nhảy lầu tự tử. Ca sĩ Hương Tràm, một trong những ngôi sao phải chịu áp lực lớn của việc nổi tiếng sớm cũng liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, mất ngủ. Đến nỗi, mỗi lần bế tắc, cô tự mình bóc da tay đến chảy máu và điều đó khiến cô dễ chịu hơn.

Ca sĩ Thủy Tiên nhiều lần định tìm đến cái chết vì trầm cảm nặng từ quá khứ kinh hoàng bị bạo hành và xâm hại tình dục năm 10 tuổi. Hoa hậu chuyển giới Hương Giang từng lâm vào cảnh “Suốt 20 ngày không ngủ 1 tiếng nào, thường xuyên nghĩ tới cái chết” sau khoảng thời gian thực hiện xong phẫu thuật chuyển giới.

Ca sĩ Bảo Anh từng nhắn tin cho bạn thân để hỏi “Có cái chết nào nhẹ nhàng, bớt đau đớn không?” khi phải đối mặt với những tin đồn ác ý. Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Đan Trường, Văn Mai Hương, Thái Trinh, Ninh Dương Lan Ngọc… đều chia sẻ từng có ý định chấm dứt cuộc sống vì bế tắc, khủng hoảng.

Người đẹp Nam Em đã và đang là trường hợp khiến người hâm mộ phân vân nhất vì những hành động được cho là khác thường. Không chỉ viết những dòng chia sẻ khó hiểu hay đăng tải clip bật nhạc lớn rồi cầm thìa hát hò nhảy múa lên mạng xã hội, Top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam còn thả vô lăng khi lái xe, dành nhiều thời gian massage cho chó, tâm sự với chim và vừa cười vừa khóc. Chính cô cũng thừa nhận mình mắc một chứng rối loạn tâm lý và không làm chủ được cảm xúc, hành vi.

“Nên có mảng điều trị tâm lý dành riêng cho nghệ sĩ”

Theo bác sĩ La Đức Cương (Tổng thư ký Hội tâm thần học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1), bản thân nghệ sĩ thường áp lực giữ hình ảnh nên phải “đeo mặt nạ” và không được sống đúng với tính cách thật của mình, cường độ công việc bận rộn nhưng đôi khi không được phép nghỉ ngơi, khi có vấn đề tâm lý thì họ lại muốn che giấu, sợ tai tiếng nếu bị phát hiện đi điều trị tâm lý tâm thần…

Chính định kiến của xã hội khiến người trầm cảm càng thu mình lại, cảm thấy không được công nhận và bị tách khỏi cộng đồng. Với người của công chúng, áp lực giữ hình ảnh càng khiến bệnh nặng hơn và không có lối thoát.

Sau quãng thời gian vật lộn với chứng trầm cảm, giữa năm 2019, ca sĩ Hương Tràm đã quyết định tạm dừng sự nghiệp để sang Mỹ du học và tìm gặp bác sĩ để điều trị tâm lý. Thời gian gần đây, cô chia sẻ đã lấy lại tinh thần vui vẻ và đang có cuộc sống dễ chịu. Trước Hương Tràm, Hồ Quỳnh Hương cũng bất ngờ tìm đến cuộc sống gần gũi thiên nhiên, ăn chay trường và tạm ngừng sự nghiệp ca hát dù đang ở đỉnh cao của danh vọng. Giờ đây, nữ ca sĩ đã tìm được cho mình một cuộc sống yên bình và mỗi ngày là một ngày vui với cuộc sống mới.

Nhưng không phải ai cũng dũng cảm và may mắn như Hồ Quỳnh Hương hay Hương Tràm. Phần lớn các nghệ sĩ Việt khi bị trầm cảm đều phải loay hoay tự vượt qua hoặc đang chấp nhận “sống chung với lũ”. "Để ngồi được vị trí không ai ngồi, phải chịu được cảm giác không ai chịu được", “hoàng tử V-Pop” Sơn Tùng M-TP đã cay đắng đúc kết khi nhìn lại giai đoạn đầy khủng hoảng của mình.

“Trầm cảm là bệnh do tâm lý gây ra nên quan trọng nhất vẫn là điều trị tâm lý. Nếu không thể đưa họ đến bệnh viện, hãy lắng nghe, chia sẻ, chuyện trò cùng họ. Đó là liệu pháp đôi khi hiệu quả hơn cả thuốc. Chuyện trò sẽ giúp họ giải tỏa, kích hoạt lại hành vi và nhận thức. Cần tuyên truyền để xã hội nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm. Thậm chí, nếu có mảng điều trị tâm lý dành riêng cho nghệ sĩ cũng tốt, bởi đặc trưng cuộc sống, công việc của họ khác người thường”, Tổng thư ký Hội tâm thần học Việt Nam đưa ra lời khuyên.

Dư luận Hàn Quốc nhận định ca sĩ trẻ Sulli tự tử là do sức ép từ nạn “ném đá hội đồng”. Những cái click chuột kéo gần nghệ sĩ đến với công chúng, nhưng cũng chính những click chuột đã khiến bao nghệ sĩ lao đao, thậm chí từ bỏ sự nghiệp, từ bỏ sự sống.

Ngay sau cái chết của ca sĩ Sulli, Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng và hứa sẽ có hành động mạnh mẽ nhằm bảo vệ đời tư của nghệ sĩ trước vấn nạn bạo lực mạng xã hội, bằng sự ra đời của “đạo luật Sulli”. Đánh giá về điều này, luật sư Phạm Danh Huế, Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông cho rằng, đây là hành động thiết thực, phù hợp với đặc trưng văn hóa của xứ sở kim chi, để người Hàn bảo vệ nghệ sĩ, mà cũng là bảo vệ ngành công nghiệp giải trí thuộc hàng đầu thế giới của mình.

“Ở Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp, mọi công dân đều bình đẳng như nhau trước pháp luật nên chưa có điều luật nào dành riêng cho giới nghệ sĩ. Những lùm xùm, ồn ào đời tư mà nhiều nghệ sĩ gặp phải, đôi khi lại do chính họ tự tung ra có mục đích. Bởi vậy, trong khi chờ luật riêng, nghệ sĩ nên ý thức mình là người của công chúng để có cách ứng xử chuẩn mực với người hâm mộ và truyền thông, đặc biệt phải có hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ mình”.

Từng có thời gian điều trị cho Lê Công Tuấn Anh trước khi nam diễn viên qua đời vì tự tử, bác sĩ La Đức Cương nhận định những người nổi tiếng, người thành công có tỷ lệ bị trầm cảm cao gấp nhiều lần so với công chúng. “Có một khái niệm riêng gọi là nhân cách nghệ sĩ, để chỉ những người thuộc nhóm thần kinh yếu, dễ biểu lộ cảm xúc, dễ rối loạn tâm lý dẫn đến khả năng trầm cảm cao hơn so với người bình thường”, ông Cương cho biết.

Vấn nạn nghệ sĩ trầm cảm và tự tử - Ảnh 3.

Bác sĩ La Đức Cương, Tổng thư ký Hội tâm thần học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Theo Diệp Anh/tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh