THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:19

Vẫn mở phiên tòa dù bác sĩ Hoàng Công Lương nhập viện

 

Bị cáo Hoàng Công Lương. Ảnh: TP

 

Chiều 7-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Đặng Minh Khoa, thành viên HĐXX vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đã nhận được đơn đề nghị của gia đình bị cáo Hoàng Công Lương về việc xin vắng mặt vì lý do phải nhập viện.

HĐXX sẽ xem xét hoãn hay không

Tuy nhiên, theo thẩm phán Khoa, đến thời điểm hiện tại, HĐXX vẫn chưa đưa ra quyết định có chấp nhận đề nghị trên hay không. Phiên tòa vẫn sẽ được mở vào sáng nay (8-1) theo dự kiến. Tại tòa, HĐXX sẽ xem xét và thống nhất để đưa ra quyết định cuối cùng có hoãn hay xử vắng mặt.

Luật sư (LS) Ngô Thị Thu Hằng (một trong 10 LS bào chữa cho Hoàng Công Lương) cho biết chưa nhận được thông báo gì từ phía TAND TP Hòa Bình, các LS vẫn sẽ tới tham dự phiên tòa như bình thường. “Chúng tôi sẽ động viên Lương cố gắng nhất có thể để đến tòa theo giấy triệu tập” - LS Hằng nói.

Trước đó, chị Đinh Thị Huyền Như (vợ bị cáo Lương) đã gửi đơn đề nghị xin tòa cho chồng mình vắng mặt. Theo đơn, ngày 23-12-2018, bị cáo Lương phải nhập viện cấp cứu vì hoảng loạn, sốc tâm lý. Ngày 25-12-2018, bị cáo được chuyển xuống BV Bạch Mai, làm các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả xác định bị rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm.

Đến ngày 30-12-2018, Lương tiếp tục phải nhập viện cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho đến nay vẫn chưa cải thiện bệnh tình và đang điều trị nội trú.

“Kính mong quý tòa xem xét hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe của chồng tôi không thể bảo đảm có mặt tại phiên tòa vào ngày 8-1 theo triệu tập. Tôi kính mong quý tòa xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về việc vắng mặt của chồng tôi. Khi nào chồng tôi đủ điều kiện sức khỏe và tâm lý ổn định cho phép để ra viện, gia đình sẽ đưa đến tòa để tham gia phiên tòa theo quy định” - vợ bị cáo Lương viết trong đơn.

Hai cáo trạng có gì khác nhau?

Hoàng Công Lương cùng sáu bị cáo khác phải hầu tòa để làm rõ trách nhiệm trong sự cố chạy thận khiến chín người tử vong. Trong số này, Lương bị truy tố về tội vô ý làm chết người, thay vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như phiên tòa hồi tháng 6-2017.

Như vậy, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã ba lần thay đổi tội danh đề nghị truy tố với Lương, còn VKSND tỉnh Hòa Bình đã hai lần thay đổi tội danh truy tố với bị cáo này.

Cụ thể, ở cáo trạng lần thứ nhất, VKSND tỉnh Hòa Bình xác định Lương là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản, được trưởng khoa giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại Đơn nguyên thận nhân tạo.

Ngày 20-4-2017, Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28-5-2017. Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của trưởng khoa.

Tuy nhiên, ngày 29-5-2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thoại thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa mà vẫn ra y lệnh để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của Lương phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại cáo trạng mới đây nhất, VKS xác định ngày 29-5-2017, Lương là bác sĩ (BS) duy nhất trong ba BS được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Đồng thời, chính y lệnh lọc máu chạy thận của bị can cũng như việc ký xác nhận vào y lệnh của hai BS còn lại có hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân. Do vậy, Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29-5-2017.

Tuy nhiên, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói mà chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống nước RO số 2 để đưa vào sử dụng, Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của hai BS khác đối với 18 bệnh nhân.

Việc này dẫn đến nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của Lương phạm tội vô ý làm chết người.

Khả năng hoãn xử cao

Các trường hợp hoãn phiên tòa được quy định tại Điều 297 BLTTHS 2015. Theo đó, bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử, nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, ngược lại không vì những lý do này thì sẽ bị áp giải.

Nếu bị cáo đã được giao giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa với lý do bị ốm, tùy từng trường hợp mà tòa án có các quyết định khác nhau. Trường hợp đúng là bị cáo ốm (có bệnh án, có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh…) và sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử (như phạm tội quả tang, chứng cứ đã đầy đủ, rõ ràng…), tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo có trở ngại cho việc xét xử (cần đối chất, cần kiểm tra một số tình tiết nào đó của vụ án…) thì tòa án phải hoãn phiên tòa.

Nếu gia đình bị cáo thông báo cho tòa án về việc bị cáo bị ốm nhưng không có căn cứ chứng minh thì sự vắng mặt là không có lý do chính đáng và bị cáo sẽ bị áp giải. Tuy nhiên, trong trường hợp vắng mặt bị cáo không trở ngại cho việc xét xử thì tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt. Theo tôi, vụ án này đang được dư luận rất quan tâm và liên quan đến nhiều người, do đó việc xét xử cần phải có mặt bị cáo Lương.

LS DIỆP NĂNG BÌNH, Đoàn LS TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh