Văn học hay báo chí đều bắt nguồn từ hiện thực
- Văn hóa - Giải trí
- 20:29 - 21/06/2016
Thực ra văn học và báo chí là hai hoạt động rất khác nhau, mặc dù cùng sử dụng công cụ chung là ngôn ngữ. Văn học là hoạt động nghệ thuật còn báo chí là hoạt động chính trị - xã hội. Vì là hai lĩnh vực khác nhau nên nó cũng nhằm đến những mục đích khác nhau: Báo chí mục đích là đưa thông tin tới người đọc, đưa quan điểm của người làm báo, của tòa soạn báo đến với độc giả. Còn người viết văn thì không phải lúc nào cũng nhằm đến độc giả, mà đôi lúc còn là sự trải nghiệm của bản thân người viết. Nhưng muốn hay không thì tác phẩm văn học, hay báo chí đều phải có người đọc...
* Và đều bắt nguồn từ hiện thực, thưa ông?
- Tất nhiên, văn học hay báo chí đều có cội nguồn từ hiện thực. Nhà văn dù có tưởng tượng giỏi đến mấy cũng đều có nguyên cớ từ hiện thực, nhà báo thì đương nhiên phải bám vào thực tế rồi. Nhưng vì hướng đến những mục đích khác nhau nên việc sử dụng chất liệu từ cuộc sống, vốn sống ở hai thể loại này cũng khác nhau.
Trước hết, nói về nhà văn, thực tế chính là trải nghiệm ban đầu để kích thích tư duy sáng tạo, họ thường vin vào những gợi ý của cuộc sống để từ đó xây dựng hình tượng văn học, xây dựng nhân vật. Chính vì vậy, nhà văn càng có trải nghiệm về cuộc sống phong phú bao nhiêu thì càng có nội lực, trí tưởng tượng và sức sáng tạo mãnh liệt bấy nhiêu. Còn nhà báo, với mục đích phản ánh hiện thực đang diễn ra nên họ phải bám vào hiện thực, chứng cứ từ hiện thực rồi mới chuyển tải được thông tin tới bạn đọc. Chính vì vậy, khi đi thực tế, trong khi nhà báo phải tìm cho được những tài liệu, chứng cứ thì nhà văn có khi chỉ đi để quan sát cuộc sống.
* Thế còn với những người vừa làm văn, vừa làm báo như ông?
- Có một trong những đặc điểm rất lớn của các nhà văn Việt Nam là thường họ vừa làm văn, vừa làm báo. Văn học không phải là một nghề, không ai trả lương cho nhà văn cả, nhà báo mới được gọi là một nghề, được trả lương. Cho nên thẻ nhà báo là thẻ hành nghề, còn thẻ hội viên hội nhà văn không phải là thẻ hành nghề, mà chỉ mang tính danh dự thôi. Không ai chứng nhận cho anh là anh đủ điều kiện làm nhà văn hay không làm nhà văn cả. Do vậy, phần rất lớn số nhà văn ở Việt Nam có tham gia làm báo. Bản thân tôi nếu không làm báo thì là vô nghề nghiệp, túm lại là thất nghiệp (Cười).
Chính vì vậy, nhà văn Việt Nam thường lấy môi trường báo chí và coi đó là nghề nghiệp hợp pháp của mình để sinh sống, rồi từ đấy mới viết văn. Do đóng cả hai vai nên nó lưỡng phân, anh phải biết khi nào anh là nhà văn, khi nào là nhà báo. Nếu anh dùng ngôn ngữ văn học vào báo chí, anh cũng tưởng tượng, cũng bịa chuyện, cũng hư cấu vào báo chí thì hỏng, ngược lại, nếu làm văn mà dùng nhiều quá ngôn ngữ của báo chí cũng không được. Nói chung, nhà văn làm báo có lý thú, nhưng cũng nhiều khó khăn và thách thức, nghề gì cũng có những đòi hỏi riêng của nó. Lượng chữ nghĩa của nhà báo tuy không dùng nhiều nhưng nó lại phải chính xác, nó có quan điểm, mục tiêu rõ ràng, chứ không thể tưởng tượng mông lung như nhà văn được. Tuy nhiên, việc nhà văn tham gia làm báo cũng là thế mạnh, giúp nhà văn có điều kiện tiếp xúc được với hiện thực, quan sát hiện thực một cách tỉnh táo hơn. Cũng một thực tế thôi nhưng với nhà văn làm báo thì có rất nhiều lợi thế. Chẳng hạn, khi đi làm báo, làm phóng sự, điều tra về vụ tham nhũng ở một công ty X nào đó, thì sau khi làm tròn vai trò của nhà báo, những ‘tài nguyên” còn lại, anh nhà văn sẽ cất đi đến lúc nào đó lại moi ra khai quật và biến thành cảm hứng cho việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật.
* Phải chăng nhờ vậy mà người lính Khuất Quang Thụy đã rất thành công với những tác phẩm viết về chiến tranh?
- Hiện tôi đã viết hơn chục tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn nhưng chưa một tác phẩm nào ra khỏi trường hoạt động của tôi trong thời chiến cũng như trong thời bình. Viết gì thì viết nhưng nó đều xoay quanh những trải nghiệm cuộc sống của mình. Nhất là những tác phẩm chiến tranh, chủ yếu tôi viết về không gian chiến tranh mà mình từng trải qua, những sự kiện chiến tranh mình từng chứng kiến, những người bạn chiến tranh đã cùng mình đồng hành trong cuộc chiến, một lúc nào đó họ đã trở thành hình mẫu trong những nhân vật của tôi cả. Cho nên, có thể nói, với một nhà văn viết thì vốn sống rất quan trọng và chi phối rất lớn. Mặc dù nó không quyết định tài năng của người viết và thành công của tác phẩm nhưng nó là sự khởi đầu, là sự gợi ý, tạo cảm hứng và tạo nên ý thức, nghĩa vụ của nhà văn đối với cuộc sống.
* Nhưng với sự phát triển của internet, thế giới “phẳng” hơn, đôi khi việc tìm hiểu thực tiễn không còn quan trọng nữa, khi người có thể tìm mọi thông tin trên mạng. Từ đó hình thành những nhà văn, nhà báo salon, ngồi phòng lạnh, lướt mạng để lấy thông tin?
- Thông tin đã được đưa lên báo chí, lên internet cũng là thông tin, nhưng muốn hay không nó vẫn là thông tin thứ cấp, được truyền tải qua phương tiện khác thì nó đã qua lăng kính khác, chứ không phải thứ thông tin nguyên bản ban đầu. Thông tin lấy qua mạng một là độ tin cậy đã mất đi rất nhiều, thứ hai là nó lạnh lùng, nó không có tình cảm, không có sự trải nghiệm của chính người trong cuộc. Thông tin có thể truyền tải qua mạng nhưng thái độ và tình cảm, cảm xúc của người viết thì không thể truyền tải qua mạng. Cho nên thông tin khai thác qua những con đường khác ấy không thể thay thế thực tế mà nhà báo phải trải nghiệm.
Điều đó lý giải cho chúng ta hiểu vì sao mặc dù như bạn nói thế giới phẳng, người ta có thể tìm mọi thứ trên mạng, ngồi một chỗ có thể biết tất cả mọi chuyện diễn ra trên thế giới, nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm nhà báo đang lao vào khói lửa, đang lao vào những điểm nóng nhất của thế giới để trực tiếp trải nghiệm, quan sát bằng đôi mắt của mình để cho ra những bài báo xúc động bao con tim của hàng triệu độc giả. Hay chẳng hạn, ngồi đây ta có thể biết rằng có hàng nghìn người di cư đã chết trên biển Địa Trung Hải. Thông tin là đầy đủ, dù ngồi đây hay đến đấy thì con số người chết vẫn thế. Nhưng khi đến tận nơi, chứng kiến cảnh những em bé, những người phụ nữ chết trên bãi biển thì tình cảm của người viết sẽ khác, xúc cảm hoàn toàn khác, và cái đó sẽ tạo nên động lực thôi thúc các nhà báo, thôi thúc lương tâm của người làm báo khiến người ta phải lên tiếng...
* Thế còn với nhà văn, vì văn chương được phép sáng tạo, được phép tưởng tượng nên nhà văn chỉ cần lướt mạng lấy thông tin và phát huy trí tưởng tượng có được không?
- Đã có rất nhiều người viết kiểu đó rồi, họ cũng tìm hiểu thông tin rồi trông chờ vào sức mạnh của trí tưởng tượng để dựng lên một thế giới mà người ta không chứng kiến. Những sản phẩm văn học như thế cũng đã có nhưng tôi đảm bảo với bạn là những tác phẩm đó không bao giờ đạt đến tầm cao của sự sáng tạo, nó không đủ sức để lay động người đọc. Bởi người đọc, nói cho cùng, họ cũng mẫn cảm y như người viết. Khi đọc, họ cũng sẽ biết cái gì là rung cảm thật của tác giả, cái gì là “thương vay khóc mướn”, cái gì anh nhìn bằng mắt thật, là trải nghiệm của anh đối với cuộc sống, cái gì anh mượn thông tin từ mạng internet. Tất nhiên bây giờ không thể đòi hỏi người viết phải có mặt 100% trực tiếp ở chiến hào, ở nhà máy nhưng anh phải tới được đó, phải có được rung động thật, có chứng kiến thật thì mới có ngôn ngữ, hình tượng thật được.
* Nhưng công nghệ làm văn, làm báo hiện nay đòi hỏi phải rất nhanh, nhiều nhà văn, nhà báo vẫn “sòn sòn như vịt đẻ trứng” đấy thôi?
- Bạn biết công nghệ chưng cất rượu rồi phải không? Người ta có thể thả một viên hóa chất vào nước và sẽ cho ra đời một sản phẩm có mùi vị như rượu, nhưng nó vẫn không phải là rượu. Còn rượu thật được chắt chiu từ những hạt gạo, khi nấu cần trải qua một quá trình chưng cất thì nó sẽ tạo ra một thứ rượu không thể thay thế được.
Nhà văn Khuất Quang Thụy ,sinh năm 1950, tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Năm 1967, ông nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320, tại các mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên. Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường viết văn Nguyễn Du (khoá I). Tốt nghiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy về Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt trải qua các chức vụ Biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi rồi Phó Tổng biên tập. Hiện ông là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ. Các tác phẩm chính của ông: “Trong cơn gió lốc”; “Trước ngưỡng cửa bình minh”; “Người ở bến Phù Vân” ; “Không phải trò đùa”; “Giữa ba ngôi Chúa”; “Góc tăm tối cuối cùng”; “Người đẹp xứ Đoài”; “Đối chiến”... Khuất Quang Thụy đã được nhận các giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007, cho cụm 3 tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”, Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “ Không phải trò đùa”; năm 2004 với tiểu thuyết “Những bức tường lửa”... |