Đất nước càng dân chủ, tiếng nói của báo chí càng quan trọng
- Tây Y
- 14:49 - 11/06/2016
Chiều tối 10/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ đoàn nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ “Mục đích của cuộc gặp gỡ này là thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa báo chí và doanh nghiệp vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước”, đồng thời hoan nghênh Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí – doanh nghiệp hết sức ý nghĩa này.
Đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì sự công khai, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Đây là tiếng nói của công luận, là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh này để phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số nhiệm vụ đối với các nhà báo, cơ quan báo chí: thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực, luôn theo sát từng biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện tốt vai trò cầu nối của báo chí, kịp thời chuyển tải thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng mong muốn báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo, chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, báo chí cần tiếp tục đóng góp để thực hiện thông điệp Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 35 là tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Thông điệp đó cần được chuyển tải mạnh mẽ trong xã hội, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mới, để đến năm 2020, có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.
Báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước. Cho rằng, doanh nghiệp có nhiều mối lo như lo cho người lao động, sản phẩm, phát triển ổn định…, Thủ tướng chia sẻ “đó là những mối lo lớn mà chúng ta cần tôn trọng, làm cho xã hội hiểu, đừng tạo rào cản để doanh nghiệp yên tâm”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn. “Tôi mong rằng thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước chúng ta”.
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).