THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:56

Văn hóa và sáng tạo trong hoạt động báo chí

Văn hóa phải trở thành tấm gương soi chiếu trong hoạt động báo chí

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, nét văn hóa báo chí đầu tiên là phải tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, có định hướng rõ ràng trong việc khai thác thông tin đúng đắn, tin cậy, không sa đà vào khai thác thông tin giật gân, câu khách.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Một bộ phận không nhỏ báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Bản sắc của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí không được coi trọng, hình ảnh của tờ báo mờ nhạt trong lòng bạn đọc… Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết.

Nhấn mạnh khía cạnh văn hóa trong hoạt động báo chí, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: Mỗi khi viết, người làm báo phải xác định luôn khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, tuyệt đối không chạy theo những thông tin thiếu chính xác. Người làm báo phải nhận thức rõ từng câu chữ mình viết ra nếu không chính xác có thể gây dư luận xấu cho xã hội; thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của rất nhiều người. Lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, nêu cao các giá trị văn hóa là những gì người làm báo phải theo đuổi đến cùng trong quá trình làm nghề. Trong việc làm báo, văn hóa, đạo đức và luật pháp phải luôn đi cùng nhau, trở thành tấm gương soi chiếu cho mỗi nhà báo.

Với số lượng nhà báo, phóng viên đông đảo, tác nghiệp trên khắp đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí đặt ra yêu cầu cao về đạo đức, văn hóa của nhà báo. Nhà báo Tạ Bích Loan, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ: “Trên cơ sở Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng Bản quy tắc tác nghiệp của VTV phù hợp với đặc thù của truyền hình và thực tế tác nghiệp. Bản quy tắc với 8 nguyên tắc tác nghiệp, đã trở thành cẩm nang đạo đức nghề nghiệp, công cụ tham chiếu trong quá trình tác nghiệp dành cho các hội viên, nhà báo của VTV”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải A - Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 cho Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. “Tử tế với nghề để nghề còn nuôi mình mãi” luôn là phương châm trong hoạt động báo chí của Đỗ Doãn Hoàng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải A - Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 cho Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. “Tử tế với nghề để nghề còn nuôi mình mãi” luôn là phương châm trong hoạt động báo chí của Đỗ Doãn Hoàng.

Còn cá nhân nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) thì quan niệm: “Một nhà báo có văn hóa trước hết phải có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, công tâm, trách nhiệm, vì cộng đồng, không bẻ cong ngòi bút, không đánh mất mình trước bất kỳ cám dỗ nào. Bản lĩnh và sự kiên định đối với sự trong sạch của ngòi bút là hết sức quan trọng; Ứng xử văn minh, tôn trọng; Thực tâm, minh bạch trong suy nghĩ, hành động”.

“Khi bạn tử tế với nghề, bạn giữ một văn hóa, đạo đức trong tác nghiệp và trong ứng xử báo chí thì nghề còn nuôi bạn mãi. Đó là một sự lựa chọn thông minh để giữ được tất cả mọi thứ” - Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.

Văn hóa thúc đẩy sáng tạo trong hoạt động báo chí

Văn hóa và sáng tạo trong hoạt động báo chí luôn song hành cùng nhau, văn hóa thúc đẩy sáng tạo, tạo ra những ý tưởng mới, phương pháp tiếp cận mới và các sản phẩm truyền thông độc đáo.

Hội báo toàn quốc là dịp để các cơ quan báo chí trưng bày các tác phẩm báo chí của mình thể hiện sức lao động, sáng tạo và nét văn hóa riêng. Ảnh: CC

Hội báo toàn quốc là dịp để các cơ quan báo chí trưng bày các tác phẩm báo chí của mình thể hiện sức lao động, sáng tạo và nét văn hóa riêng. Ảnh: CC

Tiêu biểu trong việc gắn kết giữa văn hóa và sáng tạo có thể kể đến Báo Nông thôn ngày nay/Dân việt khi đưa ra 5 tiêu chí “5 CÓ’ và “5 KHÔNG”:

5 CÓ:

1. Có lối sống văn minh, lành mạnh, ứng xử có văn hóa với bạn đọc, đồng nghiệp.

2. Có tính chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết trong công việc.

3. Có trách nhiệm, theo đuổi đến cùng những công việc được giao.

4. Có ý thức giữ bí mật thông tin, kế hoạch của cơ quan.

5. Có tinh thần tự hào và bảo vệ thương hiệu, uy tín của tờ báo.

5 KHÔNG:

1. Không nhận bất cứ quà tặng vật chất nào trong quá trình tác nghiệp.

2. Không lợi dụng tư cách nhà báo để giải quyết, xử lý chuyện cá nhân.

3. Không được phép đưa thông tin một chiều dù với bất cứ mục đích gì.

4. Không phát ngôn trên mạng xã hội trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; quy định của cơ quan.

5. Không bao giờ nói không thể trước bất cứ đề tài được giao.

Trong những năm gần đây, Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã có những đổi mới, phát triển không ngừng nhưng luôn giữ gìn, phát huy được văn hóa của tòa soạn. Đặc biệt, trong hành trình phát triển tờ báo luôn giữ được bản sắc với mục tiêu nhân văn là “phụng sự nông dân Việt Nam”, tạo nên dấu ấn của một tập thể đoàn kết, từ ban biên tập đến mỗi người cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn... Đó chính là nét văn hóa của cơ quan báo chí.

Được biết, hiện nay không chỉ Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt mà các báo lớn và uy tín như: Vnexpress, Tuổi trẻ, Thanh Niên… đều đang có cùng chung chí hướng trong việc tạo ra nguyên tắc ứng xử và tác nghiệp, tạo nên phông văn hóa và bản sắc riêng của tòa soạn, tạo được sự tin tưởng nơi độc giả.

Theo TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Chủ tịch Hội Truyền thông số: Sự kết hợp giữa văn hóa và sáng tạo trong hoạt động báo chí mang lại nhiều lợi ích. Với văn hóa đa dạng, mỗi tòa soạn có thể phát triển một phong cách và danh tiếng riêng, tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho người dùng. Các cơ quan báo chí cũng có thể khám phá những góc nhìn mới, tạo ra những tác phẩm sáng tạo và không ngại thử nghiệm những hình thức truyền thông mới sử dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo nhằm mang đến trải nghiệm tương tác và hấp dẫn cho độc giả.

Mô hình “Tòa soạn hội tụ” đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy chất lượng chuyên môn của các cơ quan báo chí, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của độc giả. Ảnh chụp tại tòa soạn hội tụ Báo Vnexpress.

Mô hình “Tòa soạn hội tụ” đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy chất lượng chuyên môn của các cơ quan báo chí, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của độc giả. Ảnh chụp tại tòa soạn hội tụ Báo Vnexpress.

Đi đầu về sự sáng tạo trong hoạt động báo chí có thể kể đến cách xây dựng và vận hành mô hình “Tòa soạn hội tụ” của Vnexpress. Với những sự kiện nóng, các tin, bài lớn, các tác phẩm báo chí của tờ báo luôn được trình bày dưới dạng đa phương tiện kết hợp cả chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa hay liên kết “nhúng”, liên kết bên ngoài đến các bài báo, trang video, audio trực tuyến… Qua đó, bổ trợ hiệu quả và thể hiện được chiều sâu nội dung thông tin.

Một cơ quan báo chí khác đi đầu trong chuyển đổi số và sáng tạo báo chí là Vietnamplus, thông qua việc triển khai những sản phẩm báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ, chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước. Trong 15 năm qua, VietnamPlus đã cho ra đời nhiều sản phẩm báo chí mới, đi tiên phong, thậm chí là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam, như: Phiên bản đọc báo đa ngôn ngữ trên mạng viễn thông đầu tiên tại Việt Nam (tháng 1/2010), thử nghiệm thông tin đồ họa (năm 2010), sản xuất bản tin bằng âm nhạc (RapNews - từ tháng 11/2013), đưa tin tức vào trò chơi (News Game); thu phí báo chí (6/2018); Chatbot (2018), Bản tin âm thanh (Podcast - 1/2020)…

Chính sự sáng tạo của các cơ quan báo chí đã góp phần tăng lượng view, tăng uy tín và thương hiệu, từ đó tăng nguồn thu cho tòa soạn thông qua nhiều hình thức khác nhau, giúp tờ báo có nguồn lực để đầu tư cho công nghệ, nội dung, con người để ngày càng phát triển bền vững hơn.

Có thể nói, trong xu thế báo chí hiện đại ngày nay, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa báo chí gắn với sự sáng tạo không ngừng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thích ứng kịp thời với bối cảnh chuyển đổi số.

Nhận thức sâu sắc việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Điều này tạo nên nét đẹp văn hóa cho không chỉ người làm báo mà cả cơ quan báo chí.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh