THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:13

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết

Dự và chỉ đạo Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Thanh Tịnh cung với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học về Luật Báo chí 2016.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Sau 5 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo

Trước thực tiễn của việc sửa đổi Luật Báo chí 2016, Hội thảo đi sâu vào các vấn đề chính: Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí; phân tích, dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển báo chí hiện đại, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Hội thảo cũng đề xuất giải pháp, cơ chế, phương thức thi hành Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và giữ gìn sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Theo TS Phan Văn Kiên, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay. Tuy nhiên, trong Luật hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay. Chẳng hạn như, có nên phân cấp “Thẻ nhà báo” và “Thẻ phóng viên” hay không; hoặc nên bổ sung vấn đề nếu đăng sai trên báo in với mức độ nghiêm trọng, dù đã đăng cải chính xin lỗi, còn cần thu hồi số báo đã phát hành để tránh những thiệt hại về mặt thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. "Tôi rất mong hội thảo sẽ là dịp để chúng ta được lắng nghe những ý kiến chất lượng, góp ý cho câu chuyện sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nói riêng nhưng về bản chất là đưa ra những quan điểm, tầm nhìn và kế hoạch để chúng ta làm những câu chuyện dài hơi và khó khăn hơn nữa. Những ý kiến đóng góp quý báu từ những cơ quan, đại biểu, chuyên gia có mặt tại hội nghị sẽ được Bộ Thông tin Truyền thông tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc để trên cơ sở đó lập đề nghị trình Chính phủ xin ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi trong Luật Báo chí 2016", ông Lâm nói.

Nói về vấn đề sửa Luật Báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016. Trên cơ sở kết quả của hội thảo và quá trình nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Báo chí 2016, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua về công tác báo chí để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; xây dựng kế hoạch toàn diện, chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung Luật, báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật và thực hiện quy trình theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ, thời hạn được giao.

c339795a0ab9a43106a51c3296dd1f9f

Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định: "Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quả nlý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc."

Với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu, Hội thảo đã tập trung đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí, gợi mở những nhóm vấn đề cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh