CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:49

Vận hành hồ chứa thủy điện phải bảo đảm an toàn cho khu vực hạ du

 

Cho ý kiến về Dự án Luật Thủy lợi, nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp truyền thống là trồng lúa nước nhưng cũng là quốc gia chịu tác động trực tiếp của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; hạn hán, xâm nhập mặn; mưa, bão ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Do vậy việc ban hành Luật thủy lợi là cần thiết nhằm phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác, tiêu nước, chống ngập lụt góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên, có ý kiến nêu, do hoạt động thủy lợi liên quan đến nhiều quy định trong pháp luật hiện hành, như: Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Giao thông đường thủy nội địa …nên ban soạn thảo cần làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Thủy lợi để bảo đảm việc quản lý hoạt động thủy lợi được toàn diện, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành; đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật Thủy lợi phải thể hiện được mối liên kết với ngành, lĩnh vực khác, như: thủy điện, giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái… trong phạm vi công trình thủy lợi.

 

Các đại biểu lưu ý đến vấn đề an toàn hồ chứa thủy điện

Cơ bản đồng tình với chính sách trong hoạt động thủy lợi như trong dự thảo luật, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng dự thảo luật vẫn “khuyết” quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý khai thác công trình thủy lợi gây ra. Thời gian qua, quy trình xả lũ tại các địa phương gây thiệt hại lớn, do vậy cần phải quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho từng chủ thể và mức bồi thường cụ thể đối với những trường hợp gây thiệt hại. 

Một số đại biểu cũng tỏ ra lo ngại về việc vận hành đập thủy điện. Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng việc chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện phải bảo đảm an toàn cho khu vực hạ du. 
Theo đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang), việc vận hành các hồ đập có liên quan tới đời sống dân sinh. Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể biết được lượng nước trong hồ là bao nhiêu, khi xả ra biết được quy mô tác động thế nào. Chính phủ phải quy định rõ việc vận hành đập an toàn, quy định không rõ sẽ không ai có trách nhiệm và không có cách nào để đánh giá. Cần quy định đánh giá quy mô tác động của từng công trình và tác động đối với xung quanh khi xảy ra sự cố, từ đó, trong quy trình về vận hành đập có quy định như ở mức nào có cảnh báo nào, thông báo cho ai, trong thời gian bao lâu, phải có giám sát, theo dõi, phục vụ lợi ích của cả người vận hành đập và dân cư, các hoạt động sản xuất xung quanh.

Đồng tình với cơ chế chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ nhằm nâng cao ý thức sử dụng công trình thủy lợi, nhiều đại biểu đề nghị trong chính sách giá dịch vụ thủy lợi cần phải bổ sung quy định chính sách giá dịch vụ, nguyên tắc định giá cụ thể hơn. 

Một số đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật cần quy định việc xã hội hóa theo hướng: đối với công trình thủy lợi quy mô nhỏ, thủy lợi nội đồng, người sử dụng dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng, trong từng trường hợp cụ thể.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh