Vận động học sinh vùng cao trở lại lớp học sau Tết
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:12 - 17/02/2019
Thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lang Thíp (Yên Bái) đưa các em ra lớp học. - Ảnh: TTXVN.
Hiện tại, có 594 học sinh cấp tiểu học và THCS ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận) không đến lớp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khiến ngành giáo dục và chính quyền địa phương rất lúng túng trong việc vận động học sinh quay trở lại trường học.
Việc các em bỏ học không chỉ do bạn bè lôi kéo đi làm thuê kiếm tiền, mà còn do nhận thức của nhiều phụ huynh học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Bác Ái chưa cao. Nhiều phụ huynh cho biết, đã có nhiều cháu học xong lớp 12 nhưng không tìm được việc làm, phải quay về nhà làm rẫy kiếm sống, nên họ sẵn sàng để con em đi học nghề hoặc làm rẫy sớm hơn tuổi lao động vẫn tốt hơn.
Việc hàng trăm học sinh bỏ học, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy và học tập, nhiều giáo viên cho biết, do nghỉ học quá nhiều ngày, nên khi quay trở lại lớp học, khả năng tiếp thu bài của các em rất chậm. Từ đó, tỏ ra chán nản và dần bỏ học luôn.
Báo Nhân Dân dẫn lời Phó trưởng Phòng phụ trách giáo dục và đào tạo huyện Bác Ái Đặng Ngọc Hải cho biết, với mục tiêu "không để học sinh đã bỏ học rồi mới đi vận động trở lại trường" như những năm trước đây, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND huyện Bác Ái chỉ đạo đơn vị, các trường học và UBND các xã cùng phối hợp rà soát, lập danh sách các em có nguy cơ bỏ học sau kỳ nghỉ Tết, để triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động, khen thưởng kịp thời, nhằm động viên tinh thần hiếu học cũng như nhắc nhở, phê bình những trường hợp gia đình có điều kiện nhưng không cho con đến trường...
Theo đó, trước Tết, tất cả trường học đều tổ chức những hoạt động vui chơi, sinh hoạt phong phú, thu hút học sinh tham gia; phân loại học sinh bỏ học theo bốn nhóm, gồm: nhóm học sinh bỏ học vì học lực yếu kém; bỏ học vì chán học; bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và nhóm học sinh có nguy cơ bỏ học, để xác định nguyên nhân, đề xuất hỗ trợ cho từng nhóm học sinh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các xã thành lập các "Tổ vận động chống học sinh bỏ học", phối hợp các trường học, nắm bắt danh sách học sinh nghỉ học để kịp thời vận động các em đến trường.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi Huỳnh Lê Kim Thoa, nói: "Cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi lại vất vả đi vận động học sinh đến trường. Chuyện giáo viên băng rừng hàng chục cây số để vận động các em bỏ rẫy quay lại trường học chữ ngày càng tăng, nhưng tình trạng bỏ học giữa chừng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm".
Các trường học đang nỗ lực phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em trở lại trường, nếu tỷ lệ học sinh chưa đi học sau kỳ nghỉ Tết không được chấn chỉnh kịp thời, thì huyện Bác Ái khó hoàn thành việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo mục tiêu đã đề ra.
Trong một diễn biến liên quan khác, dù ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên tình trạng học sinh các huyện vùng cao Quảng Ngãi nghỉ học kéo dài, đi học không đều sau thời gian nghỉ Tết vẫn còn diễn ra.
Tính đến ngày 13/2, vẫn còn khoảng 500 học sinh huyện miền núi Sơn Tây vẫn chưa đến lớp. Đây là những học sinh theo cha mẹ đi xa chưa quay về địa phương, một số học sinh nghỉ học vào rừng hái đót kiếm thêm thu nhập. Tại huyện miền núi Tây Trà, tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài sau Tết cũng tái diễn. Theo thống kê có trên 300 học sinh chưa đến lớp trong tuần học đầu tiên sau Tết, giảm 150 em so với cùng thời điểm năm trước. nguyên nhân học sinh nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng một số phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, số khác còn ham chơi nên chưa muốn đến lớp.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác vận động học sinh ra lớp sau Tết tại 6 huyện miền núi trong tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy tỷ lệ học sinh vắng mặt sau Tết tại 5 địa phương giảm so với năm trước, riêng huyện Sơn Hà là vẫn còn ở mức cao.
Vào buổi tối, giáo viên đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
Còn tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lang Thíp, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên (Yên Bái) có 712 học sinh, hầu hết các em là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn cùng với nhiều phong tục nên sau Tết nhiều học sinh chưa ra lớp học.
Bên cạnh công tác giảng dạy, các thầy cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp nói riêng và ở những huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái nói chung, đang tranh thủ ngoài giờ lên lớp đến từng nhà vận động học sinh đến trường, nỗ lực đưa các em ra lớp học đầy đủ.
TTXVN dẫn nguồn Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, trong 3 ngày (11-13/2), toàn tỉnh đã huy động được 95,9% học sinh ra lớp, trong đó cấp mầm non đạt 91%; tiểu học đạt 98,3%, trung học cơ sở đạt 96,4% và trung học phổ thông đạt 98,3%.
Hầu hết học sinh ra lớp muộn, tập trung tại các huyện vùng cao như Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên… Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện đi lại ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa khó khăn nên các em chưa ra được lớp; một phần đang vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp nhiều học sinh cấp hai, ba ở nhà phụ giúp gia đình nên nghỉ học vài ngày đầu. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán của một số đồng bào dân tộc là qua ngày 15 tháng Giêng mới cho con ra khỏi nhà.