Văn bia tiến sỹ ở Văn Miếu Hà Nội: Chuẩn giá trị đạo lý ngàn năm ngời sáng
- Văn hóa - Giải trí
- 20:34 - 23/02/2018
Tôn vinh tột đỉnh, trách nhiêm lớn lao
Trong 82 tấm bia, ngòai những nội dung ghi họ tên, quê quán, học vị đỗ đạt của các Tiến sỹ thì có 72 tấm bia có bài ký do nhiều người viết trong hơn ba thế kỷ, tất cả đều tập trung vào một chủ đề: nêu cao vai trò của những người tri hức, khẳng định vai trò, giá trị của hiền tài, của kẻ sỹ thành đạt, răn dạy kẻ sỹ về cách sống, cách làm việc, cách ứng xử, cùng đạo lý luân thường, nêu gương việc học. Những người đỗ đạt được trọng đãi rất ưu hậu như: Ban áo mũ tiến sỹ, dự yến tiệc ở vườn Quỳnh để chiêu đãi, ban cho cành hoa bạc cài đầu, quân lính đưa tân khoa đi dạo phố phường Thăng Long, được vinh quy bái tổ và được bổ nhậm vào các chức vụ. Vua Lê Thánh Tông, và các triều vua khác coi sự vinh danh như thế vẫn chưa đủ. “Nay Thánh thượng lại nhận thấy rằng việc lớn tốt đẹp tuy đã vẻ vang một thời nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền lâu dài cho hậu thế . Vì thế lại cho khắc đá đề tên dựng ở cửa nhà Thái học để cho kẽ sỹ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn rèn luyện danh tiết, hăng hái tiến lên giúp rập hoàng gia”( Bia khoa Nhâm Tuất, 1442); “Dựng bia vừa để công danh còn mãi đến muôn đời vừa để sự nghiệp soi sáng cho ngàn thuở” (Bia khoa Ất sửu, 1565); “Tuy đã nêu (tên) lên bảng vàng, yết (tên) ở cửa nhà Thái học, thỏa mãn tai mắt mọi người song vẫn chưa đủ để lưu truyền hậu thế, dù đã ghi trong sổ cát quế, cất nơi triều đình không thiếu những sử sách ghi chép rõ, song vẫn chưa đủ để biểu dương tiếng tăm vì thế sai khắc vào bia đá dựng ở nhà Thái học khiến cho khoa danh và tên họ còn tiếng thơm mãi đến muôn đời" ( Bia khoa Kỷ mùi, 1739)
Sự tôn vinh đó nhằm mục đích khẳng định vai trò và giá trị các hiền tài mà ngay tấm bia đầu tiên đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo gây dựng nhân tài” (Bia khoa Nhâm Tuất, 1442); “Nước nhà có nhân tài cũng như con người có nguyên khí. Nguyên khí thịnh mạnh thì con người sống lâu, mà đông đảo nhân tài thì nước nhà vững như núi Thái ( Bia khoa Bính Thìn,1616); “khí vận quốc gia quan hệ ở nhân tài” (Bia khoa Đinh Sửu, 1577); “ Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài” ( Bia khoa Nhâm Dần, 1602). Xuyên suốt nhiều thế kỷ vấn đề đánh giá nhân tài thật thống nhất, đây không chỉ đối với các bậc đế vương mà là vấn đề xuyên suốt cả nghìn năm văn hiến. “Hiền tài ”, họ là nguyên khí của quốc gia, là công cụ để giúp cho công cuộc trị bình đất nước, đó là một tư tưởng đúng đắn, không những với các thời đại đã qua mà đúng cả với xã hội ngày nay, bởi chính đó là tiềm lực của quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức.
Sự tôn vinh, cũng là đặt trọng trách, nghĩa vụ cống hiến để xứng danh, đó cũng là sự đền đáp. Tác giả Thân Nhâm Trung viết: “Ôi, kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, danh phận thật là nhỏ mọn mà được triều đình đề cao hết mực như thế, thì người mang danh kẻ sĩ phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp, phải nên thế nào?” (Bia khoa Nhâm Tuất, 1442). Tác giả Vũ Duệ viết: “Hãy làm mây lành, sao tỏ, nêu điểm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm của báu cho nước, làm giáo làm gươm để dẹp trừ tiếm loạn, làm bậc tiên giác như cây kỷ cây tử để vững chắc cột rường. Hoặc làm lúa làm gạo, làm vải lụa để giúp dân nghèo, hoặc làm sâm ly kỳ truật để bồi bổ khí mạch quốc gia, khiến cho cuộc trị bình của nước nhà lên chốn vẻ vang tươi sáng, đặt thiên hạ vào thế yên như núi Thái Sơn”. (Bia khoa Quý Mùi,1514). Thảng hoặc có kẻ không được như thế, đời sau sẽ có người chỉ vào tên mà bàn tán rằng: người này trung chính, kẻ kia gian tà, người này thanh liêm giữ mình, người kia tham lam mất chức” (Bia khoa Ất Mùi, 1475). Trong tất cả các văn bia đều coi trọng danh và thực, danh phải có thực, danh xứng với thực. Phê phán những người nói một đằng làm một nẻo, tác giả Đàm Văn Lễ viết: “Nếu như sau trước khác nhau, ngoài là ngọc mà trong là đá… những điều người ta đọc được không giống như dư luận người ta đã nghe, việc làm trái với điều đã học thì người đời sau xem bia sẽ chỉ vào tên mà chỉ trích chê cười, ngàn năm sau tấm đá này đã bị tì vết thì làm sao có thể mài rửa được” (Bia khoa Nhâm Tuất, 1502). Ở một tấm bia khác lại có cách nói ví von rất thú vị “Ví bằng ngoài vuông mà trong tròn, trước trong mà sau đục, mắt nhìn hẹp hơn việc nghe, sở hành trái với sở học, thì là làm xấu cho khoa mục và chỉ làm nhọ cho bia đá”(Bia khoa Kỷ Sửu,1529). Phê phán những kẻ mượn danh tiếng làm càn, Tác giả Dương Trí Trạch và Nguyễn Đăng Cảo viết: “Thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng, người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục” ( Bia khoa 1577). “Có lẽ vì đời họ chưa được trông thấy tấm bia này, ví thử như được trông thấy thì lòng thiện tất phải nảy nở mà lòng ác phải tắt ngấm” (Bia khoa Nhâm Tuất, 1442).
Cảm ơn tiền nhân đã nhìn thấu cái tâm của hậu thế mà răn dạy. Những giá trị của tiền nhân liệu có giúp cho chiến lược cán bộ trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0 ngày nay .
Để mọi người được hưởng thụ những giá trị nhân văn
72 bài ký của 39 tác giả mỗi người một vẻ đều nổi bật nội dung trọng trách kẻ sĩ và việc lưu danh phải gắn liền với phẩm giá danh tiết, trở thành một chuẩn mực đạo lý sống, đạo lý làm người, đồng thời là tấm gương trong sáng, người đời soi vào đó nhận được sự khuyến khích, tạo niềm hứng khởi, vững niềm tin vào lý tưởng phụng sự cho đất nước cho cộng đồng.
Nhưng để cộng đồng được tận hưởng những giá trị nhân văn từ văn bia cần chuyển tải từ ngôn ngữ Hán sang Quốc ngữ, được phát hành rộng, và có nhiều biện pháp quảng bá như trích đoạn viết thành cuốn sách mỏng để mọi người có thể mua được, trích những đoạn văn hay có nhiều ý nghĩa viết trên tờ bướm, bưu thiếp hoặc viết trên sản phẩm lưu niệm. Du khách đến Văn Miếu ngày càng đông, đặc biệt là dịp du xuân, lễ tết, thi cử. Tôi đã chứng kiến nhiều đoàn du khách từ các tỉnh về được hướng dẫn viên giới thiệu kiệt tác bia tiến sỹ, di sản giá trị nhất ở Văn Miếu, mọi ngưới rất chú ý lắng nghe nhưng chưa kịp nhớ. Họ rất mong có được một ấn phẩm nhỏ cầm tay giá tiền vừa phải. Với đối tượng học sinh phổ thông, sinh viên đi tham quan theo đoàn, đội, cần có hình thức tập trung, mời các nhà quản lý trung tâm giới thiệu đầy đủ hơn.
Ngày nay mỗi khi đến tham quan nhà bia Văn Miếu, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào hãnh diện vì Tổ quốc đã có một truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, có những con người được giáo dục đào tạo nghiêm khắc như thế để giúp vua giúp nước, trong đó nhiều nội dung mang tầm thế giới vẫn giữ nguyên tính thời sự của ngày hôm nay, và cho cả mai sau, ngời sáng hồn thiêng sông núi, tươi xanh như mùa xuân bất tận.