THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:41

Danh sĩ xứ Thanh trên Bia Tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Với quan niệm: Hiền tài là nguyên khí Quốc gia! Hoàng đế Lê Thánh Tông đã cho dựng bia đá khắc tên những người thi đỗ, được triều đình ban học vị tiến sỹ - Những tấm bia đá này có tên gọi chung là bia Tiến sỹ dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Du khách trong và ngoài nước đến tham quan Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: tư liệu

Tham gia biên soạn nội dung văn bia Tiến sỹ là những người học rộng, tài cao được triều đình tín nhiệm. Trong số những người được cử soạn văn bia, xứ Thanh có hai người là Đàm Văn Lễ và Trịnh Cao Đệ.

Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những tác phẩm văn hóa - nghệ thuật phản ánh nghệ thuật điêu khắc đá. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật, 82 tấm bia đã tạo nên một “rừng bia”. Những tấm bia này có niên đại rõ ràng, trải dài trong khoảng hơn 300 năm đã phản ánh diễn biến, bước phát triển của nghệ thuật điêu khắc đá trong hơn 3 thế kỷ của vương triều Hậu Lê, trong đó có sự đóng góp của nghệ thuật chạm khắc đá và đá xứ Thanh. 

Khảo sát 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong số các vị Tiến sỹ được ghi danh cùng với quê hương bản quán trên 82 văn bia có 125 người quê Thanh Hóa. Con số 125 vị đỗ tiến sỹ (trong 82 khoa thi) chưa phải là toàn bộ số người đỗ tiến sỹ ở Thanh Hóa thời Hậu Lê nhưng đã khẳng định: Cùng với các tỉnh có truyền thống khoa cử như Nghệ An, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh... Thanh Hóa được xếp vào số ít các địa phương có nhiều người đỗ Tiến sỹ. Con số này đã làm thay đổi quan niệm cho rằng xứ Thanh là đất của các võ tướng, không phải là đất văn nho.

Số lượng người xứ Thanh đỗ tiến sĩ trong 82 văn bia được phân bổ ở các  huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc. Trong đó, nổi trội nhất là các huyện Hoằng Hóa (28 người), tiếp đến là Đông Sơn (18 người), Nông Cống (17 người). Trong các huyện này tập trung nhất là các xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), Đông Thanh (Đông Sơn), Cổ Đôi (Nông Cống). Thực tế đã cho thấy: Hoằng Hóa, Đông Sơn là những huyện có truyền thống khoa cử nhưng đến thời Hậu Lê thì vùng đồng chua, nước trũng (Cổ Đôi - Nông Cống) đã vươn lên thành một vùng có nhiều người đỗ đạt cao. Những luật lệ khuyến học của làng đã đem lại hiệu quả trong học tập, thi cử.

Theo quy định của vương triều, mỗi khóa thi chỉ dựng một bia ghi tên những người đỗ Tiến sỹ. Số liệu thống kê cho thấy trong 82 khóa thi, phần lớn sỹ tử xứ Thanh đều có mặt và đạt kết quả cao, chỉ có 9 khóa thi sỹ tử xứ Thanh không có người đỗ. Đặc biệt có khóa thi sỹ tử xứ Thanh chiếm số lượng lớn, có khóa gần như “độc chiếm” bảng vàng.

Trên tấm bia thứ  16, lập  ngày 16-11 năm đầu niên hiệu Thịnh Đức đời vua Lê Anh Tông (1565), trong số 4 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa thì 3 người xuất thân từ quê hương Thanh Hóa đó là Lê Khiêm xã Bảo Đà, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân), Bùi Khắc Nhất (xã Bột Thái, huyện Hoằng Hóa), Đỗ Tế Mỹ, xã Cổ Đôi (huyện Nông Cống).

Cũng khoa thi này, có 6 vị đỗ Đệ nhị giáp Đồng Chế khoa xuất thân thì 2 người là con em Thanh Hóa là Lê Nghĩa Trạch ở Cổ Đôi (Nông Cống) và Hoàng Quốc Thực ở xã Dực Thượng (Quảng Xương).

Khoa thi niên hiệu Quang Hưng thứ 21 đời Lê Thế Tông, có 3 vị đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thì 2 người quê Thanh Hóa là Nguyễn Thứ - Hoằng Hóa và Lê Bật Tứ - Nông Cống. Cũng trong khóa này có Nguyễn Giới, người huyện Nga Sơn đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Đặc biệt, khoa thi niên hiệu Quang Hưng thứ 12 đời Lê Thế Tông, xứ Thanh độc chiếm bảng vàng, 2 người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân là Lê Nhữ Bật ở Vĩnh Trị (Hoằng Hóa) và Lê Trí ở Tào Sơn (Tĩnh Gia), 2 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân là Lương Khiêm Hướng ở Hội Trào (Hoằng Hóa) và Lương Định Túc ở Nhân Cương (Nông Cống).

Trường hợp Trịnh Thiết Trường, vị đại khoa được khắc tên trên 2 tấm bia của 2 khóa thì liền nhau. Ông người An Định, phủ Thiệu Thiên, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Không bằng lòng với kết quả này, ông tiếp tục dự thi khóa sau (năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6) và đã đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ.

Khảo sát 82 văn bia Tiến sỹ ở Văn  Miếu Quốc Tử Giám cho thấy nhiều vị tiến sỹ người xứ Thanh xứng đáng tô thắm truyền thống hiếu học của quê hương.

Xã Cổ Đôi là trường hợp nổi trội của huyện Nông Cống. Xã có 9 người đỗ đại khoa, chiếm tới hơn 50% số người đỗ của cả huyện Nông Cống.

Ở xã Đông Thanh (Đông Sơn) có hai chú cháu Lê Khả Trù và Lê Khả Trinh cùng thi đỗ Tiến sỹ.

Hai anh em Đỗ Tất Đại và Đỗ Tế Mỹ ở Nông Cống cùng được khắc tên trên bia Tiến sỹ, Đỗ Tất Đại đỗ Đệ nhất giáp chế  khoa xuất thân, khoa thi Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6. Đỗ Tế Mỹ đỗ Đệ nhất chế khoa xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Chính Trị năm thứ 8 cùng với Lê Khiêm người xã Bảo Đà (Thọ Xuân) và Bùi  Khắc Nhất người Bột Thái (Hoằng Hóa).

Hai cha con Nguyễn Hiệu, Nguyễn Hoãn ở Triệu Sơn cùng thi đỗ Tiến sỹ. Nguyễn Hiệu thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Thìn  niên hiệu Chính Hòa 21 cùng với Đặng Quốc Đỉnh người Cát Xuyên (Hoằng Hóa). Nguyễn Hoãn thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến Sỹ xuất thân  khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 cùng với  Lê Doãn Giai người Y Bích (Hậu Lộc).

Trong số 126 vị được vinh danh trên văn bia đá trong 82 khoa thi, xứ Thanh có tới 14 vị đỗ đầu trong các khoa thi trong đó: có 1/18 vị đỗ Trạng Nguyên, 4/21 vị đỗ Bảng Nhãn, 3/33 vị đỗ Thám Hoa. Con số này đã khẳng định tài năng, trí tuệ của  người xứ Thanh trong các cuộc đua tài của nền học vấn đương thời.

Những Tiến sỹ được vinh danh trên văn bia Tiến sỹ Văn  Miếu - Quốc Tử Giám là những người hiền tài, ở những mức độ khác nhau đã có những đóng góp nhất định cho đất nước, quê hương, được sử sách lưu danh.

Nguyễn Văn Nghi, người Đông Thanh (Đông Sơn) là người thông minh, học giỏi, đã viết được những câu “thần cú”. Ông đỗ Đệ nhất giáp chế khoa, khoa thi năm Giáp Dần (1554) đời vua Lê Trung Tông, được phong tặng Tuyên lực công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, chức Lại bộ tả thị lang, kiêm Đông các Đại học sỹ, nhập thị Kính diên, tổng tiến công Bộ Thượng thư, tước Thái Bảo. Ông là thầy học của hai vua: Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Khi mất, Nguyễn Văn Nghi được vua phong là “Phúc Thần”.

Hai cha con Nguyễn Hiệu và Nguyễn Hoãn người Triệu Sơn thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân đều làm tới chức Tể tướng và là thầy học của chúa Trịnh (Nguyễn Hiệu là thầy học của chúa Trịnh Giang, Nguyễn Hoãn là thầy học của chúa Trịnh Sâm).

Nguyễn Quán Nho người Vãn Hà (Thiệu Hóa) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 6. Ông là người nổi tiếng về ý chí, tinh thần vượt khó khăn, nghèo túng để dùi mài kinh sử. Nguyễn Quán Nho được triều đình trọng dụng phong làm Tể tướng Thượng thư 3 bộ: bộ Binh, bộ Lễ, bộ Lại, 3 lần làm Ngự sử đài, 5 lần được cử đi sứ phương Bắc, là trọng thần trải nhiều đời vua (Huyền Tông, Gia Tông, Dụ Tông). Thời gian Nguyễn Quán Nho làm Tể tướng được dân ca ngợi: “Tể tướng Vãn Hà - Thiên hạ âu ca”. Trong chính sử cũng như trong dân gian, nhân dân không chỉ ca ngợi tài năng, đức độ của ông mà còn ca ngợi bà mẹ của ông, người đã vượt lên trên hoàn cảnh nuôi dưỡng, dạy dỗ, rèn luyện nhân cách cho ông từ ấu thơ đến khi làm Tể Tướng. Chuyện kể dân gian về việc hai mẹ con Nguyễn Quán Nho vớt bèo nuôi lợn trong ngày vinh quy bái tổ: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”, rồi chuyện bà mẹ từ chối tấm áo lụa của quan đại thần Nguyễn Quán Nho để răn dạy con trai không được tham nhũng, bòn rút của dân đến nay vẫn còn mới mẻ.

Cùng mạch đất với nhà sử học Tiến sỹ Lê Văn Hưu là Tể tướng Lê Hy (người xã Đông Khê, huyện Đông Sơn), người nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Thìn (1664), đời vua Lê Huyền Tông. Ông đã kinh qua nhiều chức: Tham tụng (Tể tướng), Binh bộ Thượng thư, Trí trung thư giám.

Đóng góp lớn nhất của tiến sỹ Lê Hy là lĩnh vực sử học. Ông là người kế tục Hồ Sỹ Dương “trông coi quốc sử” được triều đình giao cho việc biên soạn quốc sử. Lê Hy cùng với  nhóm cộng sự đã biên soạn cuốn Bản kỷ tục biên gồm 19 quyển, biên chép lịch sử từ Huyền Tông Mục Hoàng Đế, niên hiệu Cảnh Trị năm đầu (1663) đến Gia Tông Mỹ Hoàng Đế năm Đức Nguyên thứ 2 (1675). Sau khi công việc hoàn thành, triều đình đã cho khắc in. Đây là phần cuối của bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu Lê Văn Hưu với tập Đại Việt sử ký là người đặt cơ sở đầu tiên thì Lê Hy với Bản kỷ tục biên là người khép lại trang cuối của tập đại thành.

Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thăng Long (Hà Nội) là di sản văn hóa dân tộc. Di sản tư liệu thế giới này đã khẳng định những đóng góp của nhân tài xứ Thanh trong dòng chảy của văn hóa Thăng Long nghìn năm văn hiến.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh