THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:08

Xây dựng các thiết chế để NLĐ hưởng các chính sách

Doanh nghiệp cần được ưu đãi, hỗ trợ, có cơ chế khuyến khích 

Cuộc tọa đàm này là nơi trao đổi, thảo luận giữa các doanh nghiệp với tổ chức công đoàn, với các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tìm ra những hướng đi mới, những sự kết hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và công đoàn, cùng hướng tới việc xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động trong doanh nghiệp.
Quang cảnh Tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm "Doanh nghiệp với việc xây dựng các thiết chế phục vụ người lao động", ông Nguyễn Đình Chúc- Phó Tổng biên tập báo Lao Động- cho hay nội dung của tọa đàm tập trung vào 2 vấn đề chính là vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng và vận hành các thiết chế phục vụ người lao động và những hướng đi mới, những sự kết hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và công đoàn để hướng tới sự phát triển bền vững.
Đây cũng là một trong những hoạt động của Câu lạc bộ “Doanh nghiệp vì Người lao động” do Báo Lao Động tổ chức, với sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự hỗ trợ tích cực của Bộ Xây dựng.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn LĐVN vào tháng 7/2016, cả nước có 344 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), với khoảng 2,7 triệu công nhân lao động, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 1/5 tổng số công nhân lao động trên cả nước. 
"Tiền lương, thu nhập, nhà ở cho công nhân lao động trực tiếp sản xuất vẫn là vấn đề cần quan tâm. Thu nhập của CNLĐ trực tiếp sản xuất chưa tương xứng với sức lao động của họ bỏ ra. Hàng vạn CNLĐ vẫn phải tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn. Tình trạng công nhân, lao động phải làm việc với các máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, môi trường không đảm bảo điều kiện vệ sinh, bữa ăn ca đạm bạc... vẫn còn khá phổ biến", ông Chức cho biết.
Thực tế, đầu tư nhà trẻ cho con CN, hoặc xây dựng các thiết chế văn hóa cho CN là một kênh đầu tư không sinh lợi trực tiếp cho nên hiếm có DN nào chịu thực hiện. Tuy nhiên, một số DN muốn làm, muốn thực hiện trách nhiệm xã hội đối với CN, bỏ vốn ra nhưng lại không có đất hoặc không được Nhà nước ưu đãi thì không khuyến khích được DN.
Đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn, trình độ học vấn còn thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa tạo được tác phong công nghiệp... khiến ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động tại doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng biên tập báo Lao Động
Trước thực trạng đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động có những hình thức chăm lo cho CNLĐ của mình rất thiết thực. Ngoài việc đảm bảo lương, thưởng cho công nhân, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức nhà trẻ để công nhân nữ yên tâm làm việc, tổ chức nhà thi đấu, rèn luyện sức khỏe cho công nhân, tổ chức các chương trình sinh hoạt văn hóa, thể thao, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho công nhân... tuy nhiên, các hoạt động này đều chỉ gói gọn trong CNLĐ của chính doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, thiết chế phục vụ NLĐ gồm: Nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, siêu thị CĐ, nơi tổ chức các hoạt động VHTT cũng như tư vấn pháp luật; nơi khám, bán thuốc, phục vụ chăm lo sức khỏe cho CNLĐ; có trụ sở của CĐ KCN KCX tổ chức các hoạt động ngoài giờ của CNLĐ. “Qua khảo sát, qua nắm bắt nhu cầu, trao đổi với cán bộ CĐ các cấp thì nhận được sự đồng tình ủng hộ cao vì thiết chế hoàn chỉnh như vậy sẽ phục vụ rất thiết thực, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của các địa phương, giảm tình trạng nhảy việc trong CN cũng như góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương”- ông Cường nói.
Công nhân rất mong mỏi được hưởng các tiện ích

Xây dựng các thiết chế cho NLĐ sẽ được hưởng những ưu đãi chính sách về đất đai, thuế; tiết giảm tối đa các chi phí xây dựng nên nhà ở cho CN sẽ rất rẻ; có thể có căn hộ 30m2, 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, công trình phụ với giá khoảng 100 triệu đồng. Hơn nữa, nơi ở CN sẽ có khuôn viên, cây xanh, sân chơi bãi tập để phục vụ đời sống CNLĐ.

Chị Lê Ngọc Huế - công nhân của Công ty TNHH Canon Việt Nam- nhà máy Thăng Long, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội


“Việc xây dựng các thiết chế phục vụ NLĐ sẽ được tiến hành khách quan, minh bạch, công khai với sự chỉ đạo của Tổng LĐ, LĐLĐ Các TP, CĐ các KCN, KCX đảm bảo chất lượng,mỹ quan, tiến độ”- ông Cường khẳng định.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, việc xây dựng các thiết chế cho NLĐ, cũng nằm trong việc đổi mới hoạt động, tổ chức của tổ chức CĐ trong tình hình mới.

Chị Lê Ngọc Huế- công nhân của Công ty TNHH Canon Việt Nam- nhà máy Thăng Long, KCN Bắc Thăng Long, đại diện cho hơn 140 nghìn CNLĐ trong các KCN & CX Hà Nội, cho biết chị đến từ Thanh Hóa và bắt đầu trở thành CN của Công ty Canon từ năm 2011. Hiện tại chị chưa lập gia đình và đang trọ tại khu nhà ở CN tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Chị Huế cho rằng so với các bạn CNLĐ của các KCN khác, thậm chí các Công ty khác trong KCN Bắc Thăng Long, mình thật sự may mắn khi được là CNLĐ của Công ty Canon vì được Công ty bố trí một khu nhà ở riêng với đầy đủ tiện nghi: Ti vi, máy giặt, bình nóng lạnh, bếp nấu ăn, thư viện, phòng tập đa năng (gym, TDTM, chiếu phim định kỳ, lễ hội trăng rằm, giao lưu VH).

Ngoài ra, chị cũng có cơ hội được tiếp xúc với một số các sự kiện do LĐLĐ hay CĐ các KCN & CX HN tổ chức văn hóa như: Các liên hoan văn nghệ, hội chợ,...

Tuy nhiên, chị thấy có một thực tế hiện tại là nhiều CNLĐ mặc dù muốn ở lại HN làm việc nhưng điều kiện sống tối thiểu như: chợ “sạch”, nhà trọ cho hộ gia đình, nhà trẻ cho CNLĐ làm ca/kíp, các hoạt động văn hóa thể thao, tinh thần,… rất hạn chế.

Trong tổng số hơn 140 nghìn lao động trong KCN và CX Hà Nội, có gần 70% là lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà ở. Trên thực tế thu nhập bình quân của người lao động trong các KCN Hà Nội chỉ đạt từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng nên khả năng chi trả các nhu cầu thiết yếu như trên là không thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nguồn cung cấp nhà ở như hiện nay thì không đủ 140.000 CNLĐ trong các KCN Hà Nội.
"Theo khảo sát thực tế, tiền thuê nhà ở của NLĐ ngoại tỉnh tại các khu nhà trọ dao động từ 500.000đ-1.200.000đ/tháng, trang thiết bị đi kèm gần như không có gì, điều kiện sống khá thô sơ, tạm bợ. Đối với những gia đình đã có con nhỏ, việc gửi trẻ cũng phải chi phí từ 1.000.000 - 1.200.000đ/cháu/tháng khiến nhiều CNLĐ phải gửi con về quê hoặc đưa bố mẹ ra trông. Ở KCN Thăng Long UBND TP Hà Nội đã cho xây dựng nhà trẻ Kim Chung 2 nhằm ưu tiên cho CNLĐ gửi con với mức chi phí ưu đãi 500.000đ/cháu/tháng. Tuy nhiên, công suất của nhà trẻ chỉ đạt trên 300 cháu nên không thể đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng cao của NLĐ. Ưu đãi là 500 nghìn đồng/tháng cả tiền ăn, học", Bà Thu Phương - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN Hà Nội cho biết.

Theo đó, đại diện Bộ KHĐT cũng đề xuất cần rà soát quy hoạch phát triển KCN, quy hoạch nhà ở, thiết chế văn hoá nhằm đảm bảo sự đồng bộ và phối hợp từ giai đoạn quy hoạch đến triển khai đầu tư xây dựng, khuyến khích phát triển các mô hình KCN đô thị dịch vụ..

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh