THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:27

Vai trò của Công đoàn trong phát huy dân chủ tại cơ sở

 

Giám sát thực hiện chính sách của người lao động 

Để thực hiện được chức năng này, công đoàn phải tập trung tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động; phải gắn lợi ích của đoàn viên công đoàn với lợi ích của cơ quan đơn vị. Ðiều 10 Hiến pháp năm 2013, nêu rõ: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cùng BCH Công đoàn Bộ trao 30 triệu đồng ủng hộ đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định về hoạt động của công đoàn; Luật Công đoàn 2012; Luật Thanh tra có 4 điều (từ điều 72 đến điều 75) quy định về điều hành của Ban chấp hành công đoàn đối với Ban Thanh tra nhân dân; Nghị định số 200/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; Nghị định số 43/2013/NĐ- CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết điều 10 của Luật Công đoàn về quyền trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập... Điều đó cho thấy, Công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.

Công đoàn góp phần ổn định, phát triển

Là người lãnh đạo, quản lý ở mỗi cơ quan, đơn vị đều mong muốn cơ quan đơn vị “ổn định và phát triển” và muốn “ổn định, phát triển”  thì trong đơn vị cơ quan phải “đoàn kết nhất trí” nghĩa là tất cả cán bộ, công chức, viên chức phải đồng sức, đồng lòng vì cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động phải được đảm bảo, bởi khi cá nhân đã làm hết sức mình vì lợi ích chung, thì lợi ích của họ phải được bảo đảm. Công đoàn phải là người bảo vệ được lợi ích chính đáng đó của người lao động.

Khi bắt đầu vào làm việc ở một cơ quan, đơn vị, người lao động bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích chính đáng mà họ mong muốn được hưởng: Đó là môi trường làm việc, thu nhập, được học tập nâng cao trình độ và cơ hội thăng tiến... Người lao động muốn biết lợi ích của mình có được đảm bảo hay không, điều đầu tiên họ phải được biết, được bàn, được làm…nghĩa là mọi  hoạt động của đơn vị phải “công khai, dân chủ, minh bạch”.

Hiện nay công đoàn hoạt động bảo vệ lợi ích của người lao động, các đoàn viên thông qua một loạt các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; thông qua kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp định kỳ của cơ quan, đơn vị; thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị; lãnh đạo công đoàn tham gia hội đồng cùng cấp liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; thực hiện quy chế dân chủ; công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại tại đơn vị, doanh nghiệp...vv...

Thông qua các nội dung hoạt động trên, cán bộ công đoàn nắm bắt được toàn bộ tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của người lao động, Ban chấp hành công đoàn đăng ký làm việc với thủ trưởng đơn vị, để thủ trưởng đơn vị giải đáp, trả lời. Những vấn đề còn chưa rõ thì giao cho Ban thanh  tra nhân dân xác minh làm rõ sao cho thấu tình đạt lý. Chỉ khi kiến nghị của người lao động được giải đáp thỏa đáng, quyền lợi được đảm bảo, họ sẽ  yên tâm, gắn bó với

cơ quan và sẵn sàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.Như vậy khi tư tưởng thông suốt nghĩa là khi đã dân chủ công khai minh bạch thì cả cơ quan sẽ đoàn kết một lòng, đó cũng được coi là cội nguồn của “sáng tạo”. Khi người lao động đã phát huy được sáng tạo, năng suất lao động  sẽ đạt và vượt, làm ra nhiều sản phẩm, góp phần đưa hoạt động của cơ quan ổn định, phát triển. Đây cũng là trách nhiệm công đoàn trong phong trào  xây dựng người cán bộ công chức, viên chức theo 8 chữ vàng: “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu”, thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ths.Đào Ngọc Thịnh (Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh