CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 04:06

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động Công đoàn

Nhiều chính sách ưu đãi công nhân

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng, Công đoàn Việt Nam đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và công nhân viên chức lao động. Việc chăm lo của Công đoàn đến việc làm, đời sống của đoàn viên, công nhân viên chức lao động đã làm cho công nhân và người lao động tin tưởng hơn ở tổ chức Công đoàn, qua đó tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế, có thể xuất hiện các tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, cùng tồn tại và hoạt động song song với nhau, thậm chí cạnh tranh nhau về phát triển đoàn viên, thu hút người lao động. Đây là khó khăn, thách thức mà thực tiễn đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, hướng hoạt động Công đoàn về cơ sở, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để giúp đỡ, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho Công đoàn cơ sở và những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến tặng quà cho công nhân.

Bàn về giải pháp tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong tình hình mới, GS,TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải thực sự quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng, chất lượng; có cơ chế tạo động lực để phát triển giai cấp công nhân; có chính sách ưu đãi với công nhân giỏi, tôn vinh người thợ. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Cùng với đó, phải có quy định về mặt pháp luật để các chủ doanh nghiệp tư nhân tôn trọng vai trò của tổ chức Công đoàn, tiếng nói của người đại diện cho công nhân, người lao động. “Tổ chức Công đoàn cần thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động để thực sự là đại diện cho lợi ích của công nhân, người lao động. Khắc phục những biểu hiện hành chính hoá, hình thức hoá trong hoạt động”, GS,TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Quan tâm sâu sát đời sống công nhân

Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện, nhất là pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động và quan hệ lao động. Tuy nhiên, một số quy định về quyền của người lao động còn khó hoặc không được thực thi, như: Quyền của người lao động về mức lương tối thiểu, về làm thêm giờ, về BHXH, HĐLĐ. Tổ chức Công đoàn cần tuyên truyền, phổ biến, làm cho người lao động hiểu được quyền của mình, để khi doanh nghiệp vi phạm quyền của họ thì người lao động biết đòi lại công bằng cho bản thân. Công đoàn cũng phải tổ chức đối thoại, thương lượng để quyền của người lao động được thực thi nghiêm túc. Đặc biệt, Công đoàn phải kiểm tra, giám sát phát hiện những sai sót, những việc doanh nghiệp không thực hiện để phản ánh với các cơ quan hữu quan. Nếu không được thì Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án để tòa xem xét, xử lý các doanh nghiệp không thực hiện quyền của người lao động.

GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Tổ chức Công đoàn phải kiên định, bản lĩnh trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về việc làm, thu nhập, đời sống, quyền tự do dân chủ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo… Hiện nay, việc làm, thu nhập, các chính sách xã hội như BHXH, BHYT, nhà ở... của người lao động còn nhiều bất cập và gây bức xúc xã hội, thậm chí xung đột xã hội có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, hội nhập cũng gây sức ép cạnh tranh trực tiếp, hằng ngày, hằng giờ về việc làm, nguồn nhân lực, hoạt động của tổ chức công đoàn. Vì thế, để tổ chức Công đoàn hoạt động thực sự có hiệu quả thì phải hoạt động trong lòng công nhân, đồng hành cùng với công nhân, tất cả vì công nhân”.

Để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo TP Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển sản xuất, đồng thời tạo việc làm và phúc lợi cho người lao động. Quan tâm vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân để đảm bảo việc gửi con cho của công nhân lao động.

Theo bà Tuyến, cũng cần quan tâm đào tạo tay nghề cho người lao động, nhất là trong điều kiện hội nhập và thực hiện hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như hiện nay, bởi đào tạo cho người lao động theo cách truyền thống chưa đạt được chất lượng cao. Đặc biệt, phải chú trọng dạy ngoại ngữ cho người lao động, đảm bảo điều kiện giao tiếp của người lao động với chủ sử dụng là người nước ngoài, để người lao động tự tin và thuận lợi hơn trong công việc. 

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh