THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 02:53

Va chạm giao thông, có được phép giữ hàng hóa trên phương tiện?

Công ty đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, trong trường hợp doanh nghiệp thuê một bên vận tải hàng hóa đến nhà phân phối, xe vận chuyển hàng hóa gặp tai nạn giao thông hoặc va chạm với phương tiện khác và cảnh sát giao thông thu giữ phương tiện thì cảnh sát giao thông có được phép thu giữ hàng hóa trên phương tiện đó hay không?

Doanh nghiệp có được quyền đòi hàng hóa về trước khi cơ quan cảnh sát giao thông hoàn thành giải quyết vụ tai nạn giao thông hay không? Nếu có thì Công ty sẽ phải tiến hành thủ tục như thế nào?

Ngoài ra, Công ty hỏi, thời hạn điều tra, giải quyết một vụ tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông là bao lâu?

Về vấn đề này, Bộ Công an có ý kiến như sau:

Khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, nếu hàng hóa được chở trên phương tiện có liên quan đến hoạt động phạm pháp thì được gọi là tang vật. Tang vật phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm; điều tra, giải quyết (trừ các loại hàng hóa đặc biệt mà pháp luật có quy định khác).

Hàng hóa chở trên phương tiện, sau khi xác minh nếu có đủ giấy tờ xác định nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp hoặc những hàng hóa đó được sản xuất, buôn bán hợp pháp, không bị pháp luật cấm và không liên quan đến vụ tai nạn thì doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan cảnh sát giao thông trả lại hàng hóa cho mình trước khi hoàn thành việc giải quyết vụ tai nạn.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện giao thông và xử lý tang vật, phương tiện giao thông bị tạm giữ được thực hiện theo quy định tại Điều 125, 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi tạm giữ tang vật, phương tiện giao thông phải lập biên bản và ghi rõ, đầy đủ trong nội dung biên bản tạm giữ, các tang vật quan trọng phải được niêm phong, có chữ ký của người làm chứng. Khi tiến hành trao trả tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải lập biên bản và yêu cầu người liên quan đến tai nạn giao thông hoặc đại diện công ty ký vào biên bản.

Hàng hóa chở trên phương tiện, sau khi xác minh nếu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc thuộc loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thì lực lượng cảnh sát giao thông chuyển giao hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm thì lực lượng cảnh sát giao thông chuyển giao hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Về thời hạn giải quyết một vụ tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông, căn cứ quy định tại Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ Công an về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông đường bộ thì: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông, cơ quan cảnh sát giao thông phải tiến hành xem xét, điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; đối với vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần điều tra, xác minh thì thời hạn có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh