CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:07

Uy nghi kim tự tháp Ai Cập

Như một câu châm ngôn đã nói: “Con người sợ thời gian, thời gian lại sợ kim tự tháp”, khi đứng trước kim tự tháp, người ta luôn cảm thấy bé nhỏ bởi kích cỡ vĩ đại và dòng chảy thời gian qua nó. Có cả thảy 140 kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại. Song có ba kim tự tháp nổi tiếng nhất là ba kim tự tháp của thành phố Giza. Trong đó lớn nhất là kim tự tháp Khufu còn gọi Đại kim tự tháp Giza hay kim tự tháp Cheops ra đời từ cách đây 4500 năm.

Về từ nguyên, nó có tên là Chân trời của vua Khufu. Đây chính là kỳ quan duy nhất còn lại của thế giới cổ đại. Phải cần 20 năm với hàng nghìn công nhân mới xây xong kim tự tháp này cho một công trình kiến trúc cao nhất thế giới trong suốt 3871 năm cho đến thế kỷ 12 mới đứng thứ nhì. Lúc đầu, nó cao 147 mét nhưng vì sói mòn tự nhiên nên chỉ còn 138,8 mét.

 

 

Lâu đời nhất là kim tự tháp Djoser của thành phố Saqqara cách đây 4700 năm. Do sự tàn phá của thời tiết, bề mặt của nó hiện giờ đã trở nên nham nhở song vẫn giữ được dáng vẻ buổi đầu với các bậc thang dẫn đến một đỉnh nhọn. Qua kim tự tháp Djoser, khảo cổ học đã khám phá ra rằng, mới đầu các kim tự tháp đều có dạng nấc thang, được tin để đưa các pharaoh lên với mặt trời. Dần dà đã có mặt phẳng và dốc thể hiện cho một ụ đất buổi sơ khai, khi ấy thần mặt trời đứng trên ụ đất và sinh ra muôn loài.

Tất cả các kim tự tháp đều được dựng bên bờ tây của sông Nile, nơi mặt trời lặn và là vương quốc của người chết trong thần thoại. Với niềm tin vào kiếp sau, người xưa đã chôn người chết trong lăng mộ cùng rất nhiều vàng bạc, châu ngọc, vật dụng để người chết sang thế giới bên kia có thể sử dụng. Đó là lý do tại sao nảy sinh nhiều kẻ trộm mộ- một thuật ngữ đã có từ 3000 năm trước và đến nay vẫn được dùng để chỉ những kẻ săn tìm kho báu.

Để giữ gìn hài cốt và báu vật vì thế người xưa xây kim tự tháp thật kín, bên trong còn có nhiều ngăn cùng những lối đi ngoắt ngéo như mê cung và nhiều cơ quan bí mật chứa chông gai, tên độc và axít khi đụng phải sẽ sát thương. Ngoài ra, còn có nhiều thần vật gác mộ như những bức tranh tượng thần, mà phần nhiều là tử thần, ác thần. Đặc biệt bên ngoài các kim tự tháp ở Giza còn có một bức tượng Đại nhân sư (sư tử, đầu người) có ý nghĩa như một hộ thần gác cổng.

 

 

Nhờ đâu mà người Ai Cập xưa có thể nghĩ ra kim tự tháp và xây dựng chúng hoành tráng đến vậy? – Đó là nhờ Imhotep- một kiến trúc sư, một nhà toán học, một thầy thuốc tài ba. Ông này ngoài tài năng thiết kế còn là một pháp sư có thể giao tiếp với thần thánh nên những lời nói có hiệu lực không kém của vua và được giao cho trọng trách xây dựng đền thờ và nơi an nghỉ của vua.

Và một công trình đầu tiên là kim tự tháp Djoser. Theo tín ngưỡng bản địa, vua chính là một vị thần – trợ thủ đắc lực của thần mặt trời vì thế ai cũng kính trọng và ngay cả khi vua mất cũng phải giữ gìn thi thể ngài để có thể chuyển thế sau này. Các kim tự tháp do vậy đều có mặt phẳng biểu thị cho ánh sáng mặt trời giúp linh hồn pharaoh bay lên hòa vào thế giới thần thánh.

Ngoài ra, với niềm tin khi pharaoh mất, một phần linh hồn của ngài (ka) hãy còn ở trong cơ thể, nên để bảo vệ phần hồn này họ có thuật ướp xác và dâng cúng mọi thứ đồ dùng cho vua ở thế giới bên kia. Nếu như của cải vẫn chưa đủ thì sẽ chôn thêm kẻ hầu người hạ phục vụ ngài. Kim tự tháp vì thế là sự cụ thể hóa của việc tôn thờ thần quyền và lãnh chúa.

Một ngôi mộ đầu tiên lâu đời nhất ở Ai Cập là kim tự tháp Djoser được làm trong triều đại thứ ba. Công trình có hình dạng một tháp đá sáu tầng cao 62 mét, xung quanh có nhiều vườn tược, đền đài để vua tận hưởng khi về trời. Từ đây bắt đầu có các ngôi mộ với mặt phẳng trơn mà nhiều tuổi nhất là kim tự tháp hồng của vua Sneferu (2613-2589 trCN) cách đây 4590 năm ở Dahshur.

Đến nay, vĩ đại nhất, đẹp nhất là kim tự tháp Khufu ở ngoại vi thành phố Cairo. Nó được dựng cho pharaoh Khufu (2589-2566 trCN, theo tiếng Hy Lạp là Cheops), con của vua Sneferu và là vua thứ hai trong tám vị vua triều thứ tư. Công trình cao đến 147 mét, nặng sáu triệu tấn được chắp từ hai triệu ba trăm nghìn khối đá, trong đó có những khối nặng 50 tấn. Bề mặt phủ 144  nghìn viên đá phấn, mỗi viên dày 2,5 mét, nặng 15 tấn nhẵn bóng phản quang, vì vậy người ta gọi nó là Ikhet có nghĩa là Ánh sáng vinh quang.

Nhờ có nhiều lớp đá nên bên trong lúc nào cũng mát, nhiệt độ chỉ khoảng 20 độ C. Nó có một đáy hình vuông diện tích lên đến 55 nghìn mét vuông. Một cửa xoay bằng đá hết sức đặc biệt nặng 20 tấn, chỉ có thể mở từ bên trong cho dù chỉ đẩy nhẹ một cái song ở bên ngoài dù có dùng lực lớn thế nào cũng không di chuyển. Cửa này hướng về phía bắc. Lối đi phía trong cũng hướng tới ngôi sao cực bắc Alpha Draconis (đế vương tinh). Ngay từ khi ra đời, kim tự tháp Khufu đã được xem là một trong bảy kỳ quan thế giới và là công trình nằm ở trung tâm trái đất. Xung quanh nó là các vệ tinh với nhiều ngôi mộ - kim tự tháp nhỏ của họ hàng, quan lại.

Cũng ở khu vực này là kim tự tháp Khafre (2558-2532 trCN), con trai của Khufu cách đây 4530 năm. Nó có một đặc điểm độc đáo là phía trước có một bức tượng vĩ đại bằng đá vôi hình sư tử, đầu người dài 73,5 mét, cao 20 mét. Bức tượng được thờ cúng riêng như một hộ thân bảo vệ cho giấc ngủ của vua. Khuôn mặt tượng được tin chính là mặt của pharaoh Khafre. Ở nơi xa nhất trong vùng là kim tự tháp Menkaure (2532-2503 trCN), con trai của Khafre cách đây hơn 4.500 năm cũng là kiến trúc bé nhất trong cả ba công trình, chỉ cao 66 mét. Ba kim tự tháp này được xây dựng thẳng hàng với chòm sao Orion (Thiên Lang), đồng nghĩa với thần Osiris, vị thần cõi âm và tái sinh - nhờ thế hậu thuẫn các triều đại.

Vào cuối thời cổ đại, từ vua Unas (2375-2345 trCN) cách đây hơn 4340 năm, người xưa mới khắc chữ vào thân kim tự tháp để ghi các sự kiện trọng đại cùng các câu chuyện thần thoại, nhờ thế mà ta có thể biết về sự tích các vị vua, các sinh hoạt cung đình và cả cái chết.

Vị vua cuối cùng xây kim tự tháp lớn là pharaoh Pepy đệ nhị (2278-2184 trCN) thuộc triều đại thứ sáu cách đây hơn 4180 năm. Ông đã lên ngôi từ nhỏ và ở ngôi suốt 94 năm. Tuy nhiên, dưới thời kỳ của ông đất nước đã suy sụp và chính đức vua cũng mất đi một số địa vị thần thánh. Kim tự tháp Pepy II được xây tại Saqqara chỉ cao 52 mét và là kim tự tháp thấp nhất bấy giờ. Sau ông, các đời vua khác cũng xây được kim tự tháp song vì điều kiện kinh tế hạn hẹp nên quy mô ngày càng nhỏ bé.

Nói chung, quá trình xây dựng khá lâu nên vua chúa thường phải cho làm ngay từ khi mới lên ngôi. Một lúc, triều đình phải huy động hàng chục nghìn người gồm cả nông dân và thợ thủ công.

Tuy yêu chuộng kim tự tháp, cũng có lần nhà cầm quyền đã muốn phá hủy chúng, nhất là kim tự tháp Cheops. Vào thế kỷ 12, Al-Azis người Kurd cũng là vị Ayyubid Sultan thứ hai của Ai Cập đã thử phá đổ kim tự tháp này nhưng vì nó to lớn, vững chãi quá nên không phá nổi. 

Chu Mạnh Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh