THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:29

Ủy ban về các vấn đề xã hội với chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội

 

Đến dự có 2 Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm tham dự hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trong suốt 40 năm qua, bằng sự năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể và không ngừng đổi mới, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, mở rộng dân chủ hoạt động của Quốc hội và để lại những dấu ấn quan trọng: Là một trong hai Ủy ban của Quốc hội trình sáng kiến pháp luật và chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội thông qua dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiên phong trong các hoạt động tham vấn công chúng, tổ chức các phiên giải trình của thành viên Chính phủ trước Ủy ban, các hoạt động về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, phối hợp với một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… để tiến hành khảo sát; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Ủy ban… Hoạt động của Ủy ban được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tin tưởng, bằng sự trân trọng, gìn giữ truyền thống quý báu ấy, Ủy ban về các vấn đề xã hội khóa 14 và các nhiệm kỳ tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy phong cách phối hợp giữa Ủy ban với các bộ, Ban, ngành, các địa phương, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các tổ chức quốc tế để nối dài và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thúc đẩy các giá trị công bằng và tiến bộ xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ôn lại chặng đường 40 năm phát triển, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban đã có những đóng góp đáng kể trong xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật xã hội bao gồm các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, dân số, chính sách ưu đãi người có công và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới…, nâng cao hiệu quả thực hiện, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, đánh giá quá trình phát triển của Ủy ban, những kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban 40 năm qua cần phải kế thừa, phát huy. Những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để thực hiện các chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị của Ủy ban; kinh nghiệm, bài học về tạo sự gắn kết mật thiết giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với các bộ, ngành, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo

 

Liên quan đến vấn đề người có công, thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản với tinh thần chung là đẩy mạnh nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng theo hướng người thực sự có công với cách mạng phải được công nhận, và phải được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách người có công để vụ lợi, tiêu cực. Giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong chính sách đối với người có công phải đồng bộ, tích cực trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Theo Thứ trưởng, trước mắt sẽ nghiên cứu, trình sửa đổi bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 và trên cơ sở sửa đổi Pháp lệnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh những vấn đề còn bất hợp lý trong các nghị định, thông tư liên quan đến người có công. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu từ thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách người có công với cách mạng xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật ưu đãi người có công với cách mạng (dự kiến trong năm 2018).

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ tập trung giải quyết hỗ trợ dứt điểm cho số gia đình người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc bị hư hỏng nặng; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người  có công. Đối với các hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực phối hợp với các tỉnh rà soát, xử lý căn bản số hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ tồn đọng. Đồng thời, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, phấn đấu xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng thực chứng khoảng 7.000 trường hợp, bằng phương pháp giám định gen khoảng 70.000 trường hợp…

 

 Hiện cả nước có trên 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Trong đó, có trên 1,47 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trên 117.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 782.397 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và 185.602 bênh binh; trên 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; trên 1,8 triệu người có công giúp đỡ cách mạng; trên 4,4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; trên 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến.

Lê Hoàng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh