THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:17

Tập trung cao độ, hoàn thành tốt hơn nữa các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH

 

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Công tác xã hội, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam Nguyễn Lương Trào; các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Phạm Minh Huân, Doãn Mậu Diệp, Đào Hồng Lan, cùng đại diện lãnh đạo 31 Sở LĐ-TB&XH khu vực phía Bắc, các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thủy.

Toàn cảnh Hội nghị

 Tạo việc làm cho khoảng 613 800 người

Tại hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã thông qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016. Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương tình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2016, với 10 nhóm chỉ tiêu và 15 nhóm giải pháp lớn; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Về lao động, việc làm, ước thực hiện 5 tháng đầu năm, cả nước tạo việc làm cho trên 613 800 người, đạt 38,3% kế hoạch. Các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ trong cả nước. Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 9 năm 2016, tổ chức đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị và Kỳ thi tay nghề ASEAN. Đặc biệt, ổn định và phát triển thị trường XKLĐ, ký kết Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình việc làm EPS, Bản ghi nhớ chung về hợp tác lao động giữa hai chính phủ Việt Nam - Malaysia. Triển khai Thỏa thuận phái cử lao động với Thái Lan....

Việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng được thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng. Thực hiện trao tặng quà của Chủ tịch nước dịp Tết Nguyên đán đến hơn 2 triệu đối tượng NCC,  với tổng kinh phí trên 400 tỉ đồng. Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã trích ngân sách và huy động các tổ chức xã hội chăm lo với mức kinh phí cao hơn so với quy định của Trung ương. Đặc biệt đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 316 trường hợp xác nhận liệt sĩ và cấp, đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 10.000 trường hợp. Tìm kiếm quy tập và an táng 1.173 hài cốt liệt sĩ, xác nhận mới 5.600 trường hợp NCC, phong tặng và truy tặng 5.228 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức điều dưỡng 20.000 lượt NCC, tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin... Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2016, toàn ngành cũng thực hiện tốt các lĩnh vực xã hội như giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; cai nghiện ma túy và phòng, chống mại dâm. Đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về cải cách hành chính, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định toàn ngành phải thể hiện quyết tâm chính trị cao

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi và đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách người có công, dạy nghề giải quyết việc làm và các điều kiện, nội dung và tâm thế của ngành LĐ-TB&XH khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt là tập trung các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong những tháng cuối năm 2016; giải quyết tốt mối quan hệ lao động để hạn chế các cuộc đình công...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết, Hải Phòng thực hiện tốt công tác chăm sóc NCC, đưa được gần 1000 người tự nguyện cai nghiện, tuy nhiên xu hướng đình công tăng lên. "Từ nay đến cuối năm, Hải Phòng sẽ đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề quan hệ lao động, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh lao động"-lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng nêu quyết tâm. 

Ông Phái cũng đưa ra các giải pháp để triển khai tốt nhiệm vụ của ngành đó là cần phải tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, cải tiến hình thức cai nghiện và vấn đề nhà ở NCC. Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bắc Kạn cũng có những đề nghị liên quan đến thực hiện chính sách NCC, công tác cai nghiện...

 

Ông Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng phát biểu tại hội nghị

 

Trao đổi về những vấn đề còn khó khăn trong công tác NCC, lãnh đạo Cục NCC cho biết, những vướng mắc về nhà ở cho NCC, xác định đúng đối tượng nhiễm chất độc hóa học theo 17 nhóm bệnh mà Bộ Y tế qui định, chế độ đối với quản trang và những người làm trong các trung tâm nuôi dưỡng NCC... đang được giải quyết từng bước. Lãnh đạo Tổng Cục Dạy nghề cũng cho biết, bức tranh tổng thể trung cấp nghề, cao đẳng nghề gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. "Hiện Tổng cục Dạy nghề đã tham mưu cho Bộ về việc ứng trước 50% kinh phí, năm 2016 chưa chính thức có dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình nông thôn mới..."- đại diện Tổng Cục Dạy nghề thông tin.

Tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, đã thông tin một số nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế- xã hội và công tác lao động, người có công và xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây. Trong công tác lao động, người có công và xã hội luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, thực hiện có hiệu quả góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là các chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực này hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. "Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết việc làm bình quân cho trên 27.000 lao động. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,33%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%"- ông Đọc chia sẻ.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tặng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lẵng hoa tươi thắm

 

Để có được kết quả đó, theo ông Đọc, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt các chính sách của trung ương và ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ cho các đối tượng từ nguồn ngân sách tỉnh. Quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, triển khai xây dựng chương trình xây dựng NTM theo hướng lấy người dân làm chủ thể. Đáng chú ý là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP”. Riêng đối với 22 xã đặc biệt khó khăn và 11 thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh cũng đã có sự vào cuộc tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn sớm thoát ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đối với công tác giải quyết việc làm, tỉnh đã tập trung quy hoạch lại trường đào tạo nghề, đặc biệt là tỉnh xây dựng Đại học Hạ Long … "Quảng Ninh đã và đang tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp; xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng một cách đồng bộ"- ông Đọc thông tin thêm.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tặng hoa chúc mừng nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, 5 tháng qua toàn ngành đã đạt được những kết quả nổi bật, tham mưu những văn bản pháp luật, chính sách NCC, tổ chức bộ máy nhân sự... Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận cần phải chỉ ra được đâu là những khó khăn, tồn tại của ngành; đưa ra được những lộ trình, giải pháp mạnh để giải quyết những vướng mắc. Do vậy, toàn ngành phải luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao. Tập trung hoàn thành các qui định về chủ trương, chính sách. "Đây là nhiệm vụ số 1, cái gì cần phải thay thế là phải làm, không cho phép trông chờ, chậm trễ trong việc đưa các chính sách đã được phê duyệt vào cuộc sống. Đơn vị nào nợ văn bản thì người đứng đầu chịu trách nhiệm; Một số lĩnh vực cần tập trung xử lý như chính sách NCC, trong đó đối với nhà ở NCC"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tiếp tục chỉ đạo trong công tác người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị tâm thế, rà soát tại cơ sở, khi Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, chúng ta đồng loạt triển khai. Bộ trưởng cũng giao Cục NCC từ nay đến 15/6, đưa ra quy trình xử lý những trường hợp cá biệt.

Về vấn đề dạy nghề và việc làm, Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương rà soát lại các trung tâm dịch vụ việc làm. "Đối với những trung tâm đã và đang xây dựng không được để lãng phí, danh mục nghề đã chuẩn hóa quốc tế phải tiếp nhận và đưa vào giảng dạy. Tổng cục Dạy nghề và các địa phương cũng phải chủ động thực hiện"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý. Riêng về vấn đề XKLĐ, Bộ trưởng nêu rõ quan điểm, các địa phương làm tốt, tỉ lệ lao động bất hợp pháp giảm mạnh, lao động hết hạn hợp đồng về nước nhiều, thì sẽ tăng chỉ tiêu XKLĐ. Còn những địa phương có tỉ lệ lao động bất hợp pháp cao, thì sẽ tạm dừng đưa lao động đi XKLĐ, thậm chí những đơn vị XKLĐ có tỉ lệ lao động ở lại bất hợp pháp cao cũng dừng cấp phép.

Về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần phải quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tình trạng trẻ em bị đuối nước. Bên cạnh đó là chăm lo xây dựng bộ máy, đảm bảo đáp ứng công việc.

 

 

Lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phía Bắc tặng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lẵng hoa tươi thắm

Huyền Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh