THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:43

Ươm chữ miền gió cát

Luôn nhiệt huyết với nghề

Cam Hải Tây là xã hải đảo ven biển nên đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Thiếu thốn kinh tế kéo theo không ít trở ngại đối với việc dạy và học của thầy trò Trường Tiểu học Cam Hải Tây. Sau khi dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh trường, thầy Hiệu trưởng Phạm Xuân Khoa, người có hơn 30 năm thâm niên giảng dạy cho biết, trường có gần 20 giáo viên, tổng số học sinh gần 200 em. Do địa hình toàn cát trắng, thôn nọ cách thôn kia rất xa nên phải chia làm hai điểm trường, các thầy cô bộ môn luôn phải “di đông” từ điểm này đến điểm khác để gieo chữ. Ở đây là cái rốn của mưa bão và gió cát nên việc di chuyển này nhiều khi cũng gặp không ít gian nan.

Để hiểu rõ hơn về sự vất vả của những giáo viên, cô Đỗ Thị Bạch Diệp bộc bạch, ngày nắng thì không sao, vào ngày mưa thì không nói hết nỗi, đường đi thì lầy lội, trơn trượt. Nhìn thấy các em thương lắm. Khó khăn là thế, nhưng bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề nhiều giáo viên đã kiên trì bám trụ đến cùng. Cô giáo trẻ Lơ Thị Kim Oanh, Phạm Thị Kim Thoa hàng ngày vẫn vượt 13 cây số để đến dạy các em nhưng chưa một ngày các cô nghỉ dạy hay đi muộn trong khi chồng thì đi làm xa, lại có con nhỏ.

Cô Kim Oanh tâm sự: “Mấy lần tôi có ý định chuyển trường rồi. Nhưng cứ nhìn ánh mắt đầy trìu mến và lòng ham học của các em ở đây nên không đi nổi. Nhiều khi nghĩ cũng tủi, chồng thì đi làm xa, con còn nhỏ, nên sáng phải dậy từ  4 giờ  nấu nướng cho con ăn, sau đó mới có thể đi dạy được. Trường học này phần lớn là con em các chiến sỹ Trường Sa nên dạy dỗ các em cũng là niềm hạnh phúc với chúng tôi. Cứ nghĩ như vậy là thấy khó khăn lại như được vơi bớt đi phần nào.

              Cô trò ở Trường Tiểu học Cam Hải Tây 

Khơi dậy lòng ham học

Nhớ lúc vừa gặp chúng tôi ở cổng trường, bà chủ quán nước Trần Thị Lan đã khoe: “Điều kiện thì hạn chế nhưng các em học sinh ở đây cũng học giỏi lắm, thầy cô giáo cũng giỏi và thương học sinh nhiều. Trong căn phòng làm việc đơn sơ của mình, thầy Khoa tâm sự thêm: "Bám trụ ở một trường tiểu học mà thường xuyên phải đối diện với gió cát thế này để dạy cho tốt cần một lòng say mê và kiên trì đến vô hạn. Hơn hai chục năm trước, khi mới ra trường, tôi được phân công về giảng dạy ở vùng khó khăn này, phòng ốc chỉ là mấy căn nhà lợp tranh, đôi khi thấy tủi thân, hỏi tại sao mình phải bám trụ với cái nghề này một cách gian khổ đến thế. Nhưng có lẽ ai đã "say” cái nghề dạy chữ này rồi thì không thể rứt ra được".

 

                                                                                      Khó khăn nhưng vẫn ham học

Với hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học và quản lý giáo dục ở Cam Lâm, thầy Khoa được các giáo viên trong trường xem như tấm gương về sự bền bỉ trong nghề. Cũng theo các giáo viên trong trường, chính thầy Khoa đã truyền cho họ quan niệm, đã là thầy thì dù ngày nắng hay ngày mưa cũng lên lớp đúng giờ vì thầy phải là gương cho trò, mình không nghỉ ngày nào, các em cũng sẽ tự giác đi học. Là giáo viên ở vùng khó khăn nên thời gian rảnh rỗi, thầy phải đến từng nhà động viên gia đình cho con em đi học, hay giúp các em còn yếu, kém học bài.

Theo kinh nghiệm của các giáo viên ở Cam Hải Tây thì quan trọng nhất của giáo viên là, muốn dạy, trước hết phải hiểu học sinh. Có trường hợp giáo viên vội vàng phạt học sinh vì nghỉ học không xin phép, đến khi tìm hiểu mới biết nhà em đó mẹ ốm, bố phải đi công tác xa, em phải ở nhà chăm mẹ, trường hợp này thì chính giáo viên chủ nhiệm cũng phải bị phạt.

Con chữ nảy mầm

Khi mọi khó khăn được đẩy lùi, việc học ở miền cát trắng dần ổn định và phát triển. Theo Nghị định 49 của chính phủ, trường đã hỗ trợ cho 70 nghìn đồng/tháng cho mỗi em vùng ven biển nên học sinh ở đây vơi bớt khó khăn. Năm học 2016-2017, nhà trường đã có nhiều biện pháp huy động, duy trì sĩ số, ổn định nề nếp. Các thầy cô giáo luôn quan tâm tới đời sống, tôn trọng, thương yêu học sinh. Tất cả các giáo viên đều tự giác nâng cao chất lượng bài soạn và chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Tỉ lệ học sinh giỏi gần 50%, còn lại là khá và trung bình, không còn hiện tượng học sinh chán chữ và bỏ học.

Trong năm học 2017-2018 để tiếp sức thêm cho các em nơi đây, nhà trường đẩy mạnh việc thực hiện chính sách  “xã hội hóa giáo dục” nghĩa là  kêu gọi những đơn vị trên địa bàn xã hỗ trợ thêm các xuất học bổng cho các em học sinh vượt khó. Thầy Khoa chia sẻ; Cũng mệt lắm. Có đợt đi vận động suốt cả tuần lễ mới được chục xuất quà cho các em. Dù giá trị vật chất không lớn lắm nhưng nó có tác dụng khích lệ các em rất nhiều. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh