Thầy Trai dạy học tại gia
- Tây Y
- 14:23 - 01/07/2017
Tai họa bất ngờ
Khuôn mặt người đàn ông trông có vẻ kham khổ, nhưng lại hiện lên một tính cách thật phúc hậu. Thấy người lạ đến, Nguyễn Trai vội vàng bỏ lại công việc nhà, chậm rãi rê đôi chân tật nguyền của mình vào nhà. Tiếp tôi trong căn phòng rộng chưa đến 20mét vuông, anh đưa tôi về lại với cái thời đầy bất hạnh cách đây đúng 30 năm.
Khi chỉ còn hơn một tháng nữa là lên giảng đường đại học thì bệnh tật lại ập đến chắn ngang ước mơ. Thấy con bệnh tật, ba mẹ chạy đôn chạy đáo để đem con lên viện chữa trị. Lên viện được 3 ngày bệnh tình của Trai không thuyên giảm được chút nào lại có phần nặng hơn. Bệnh viện chuẩn đoán Trai bị viêm đa khớp, phải đưa ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chữa trị. Mặc dù thương con nhưng do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, nên ba mẹ đành nhắm mắt đưa Trai về nhà. Con đường từ Hà Nội về Huế như tràn ngập nước mắt và sự tủi phận.
Thương con, ba mẹ Trai lại tìm đến cái thầy thuốc trong làng để châm cứu cho con nhưng mãi vẫn không thể khỏi. Không gục ngã, Nguyễn Trai kiên trì tập vận động nên đôi chân đã không bị hoại tử, cử động được nhưng vẫn phải chống nạng.
Lớp học của thầy Trai
Bệnh tật buộc cuộc đời của Trai đi theo một ngã rẽ khác, những tưởng ngoài gia đình ra sẽ không còn ai chăm lo cho mình nữa. Thế nhưng, một cô gái với cái tên rất đẹp Đặng Thị Ánh đã cảm thông trước hoàn cảnh và nghị lực sống của chàng thanh niên đã ngày đêm lui tới chăm lo cho Trai. Rồi từ đó giữa hai người đã có tình cảm với nhau.
Mặc dù bệnh tật nhưng Trai vẫn ham học hỏi, rồi đến năm 1987 khi có chủ trương xóa mù chữ của chính quyền địa phương, nhờ sự vận động của thầy cô giáo, Trai đã mạnh dạn đứng ra nhận lớp để dạy xóa mùa chữ cho người dân tại địa phương. Và, cuộc sống của chàng thanh niên tên Trai cũng bước sang một cánh cửa mới. Cánh cửa "làm thầy của trẻ em nghèo". Thương chồng mình bệnh tật mà cứ hàng ngày phải đánh vật dạy chữ cho người dưng, ban đầu chị Ánh cũng buồn bực lắm. Nhưng rồi hiểu thấu cái tâm tư và nghĩa tình của Nguyễn Trai nên chị lại luôn cận kề động viên để Nguyễn Trai hăng hái hơn trong việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp của mình.
Người thầy đặc biệt
Sau giờ lên lớp, thầy Trai lại nuôi gà giúp vợ
Có lẽ Nguyễn Trai là một ông thầy đặc biệt. Lúc đầu lớp học chỉ lèo tèo vài người, vì chưa ai tin vào khả năng của thầy. Thế nhưng, sau khi tiếng lành đồn xa, nghe danh thầy dạy hay nhiều người trong làng kể các làng khác đều đến xin đi học. Ban ngày ra đồng làm việc, tối đến lại í ới gọi nhau bưng đèn dầu đi học. Chính nhờ chủ trương đúng đắn của chính quyền và sự năng nổ nhiệt tình của thầy đã đem lại con chữ cho bà con nông dân. Khi không còn phong trào xóa mù nữa, thầy Trai đi dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo. Bà Nguyễn Thị Là, từng là một học sinh đặc biệt được thầy Nguyễn Trai xóa mù thổ lộ; có lẽ đây là ông thầy đặc biệt nhất đấy. Phải đến hàng ngàn người dân mù chữ ở đây được thầy Trai đến tận nơi vận động đi học lấy ít chữ nghĩa để còn biết ghi cái tên mình. Dẫu không nhận bất cứ đồng lương nào từ ai, không ở chính thức trong bất kỳ ngôi trường nào nhưng ở đây ai cũng rất trân trọng tấm lòng của thầy Trai.
Cho tôi xem những tấm ảnh kỷ niệm các lớp học miễn phí của mình dạy thầy Trai bồi hồi: “Lớp học ở quê mà, có khi chỉ là cái lán gỗ dựng lên. Mỗi lần mưa là thầy trò lại ngồi ôm nhau vì nước mưa dột lỗ chỗ, dưới nền là đất nhớp nháp. Qua mùa mưa là phụ huynh lại đến giúp đỡ để che lại, dạy và học tạm bợ qua ngày. Đến năm 2005-2006, một nhà hảo tâm giúp thầy dựng căn nhà, thầy và trò có lớp học khang trang. Có bao nhiêu trẻ em nghèo trong huyện không có điều kiện đến lớp, thầy Trai nhờ vợ đến vận động đưa đến lớp của thầy để được học miễn phí”. Thấm thoắt vậy mà đã hơn 20 năm, Nguyễn Trai gắn cuộc sống của mình với việc dạy học miễn phí, thầy tâm sự rằng: "Tôi đi dạy cũng có nhiều niềm vui, nhiều em cũng xuất phát từ cái lớp vỡ lòng đặc biệt của tôi mà giờ thành đạt, về giúp quê hương. Nhiều em do gia cảnh không theo được con chữ, nhưng cũng biết cái chữ mặt ngang mũi dọc là gì, cũng đọc được sách báo”.
Căn phòng bé nhỏ, rộng gấp đôi phòng mà gia đình thầy đang tá túc hằng ngày vẫn vang lên những tiếng ê a đánh vần của lũ nhỏ. Cứ tuần 5 buổi đều đặn, những em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật không thể đến lớp lại tập trung tại nhà thầy để được thầy dạy cho những bài học vỡ lòng. Đặc biệt người vợ của Nguyễn Trai cũng luôn ủng hộ lẽ sống đẹp này, dẫu cuộc sống chỉ trông cậy vào đồng tiền mà vợ thầy Trai đi làm thuê làm mướn có được.