THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Ứng xử thông minh của cậu bé lớp một sau lần bị cô giáo tát

 

Đây là câu chuyện chị Kim Thành - chuyên gia trị liệu tâm lý - kể về con trai đang học lớp 2. Sự việc con bị tát xảy ra vào năm lớp một, khi bé mới vào năm học mới được vài ngày.

 

Ảnh minh họa.

 

Sau kỳ nghỉ hè mấy tháng liền, tụi nhỏ gặp lại nhau và rất vui. Chúng là những bạn học cũ từ mẫu giáo, nay lại lên cấp một cùng nhau, học cùng một lớp. Chỉ có điều lên lớp một không được nói chuyện giống như trước nữa. Lớp đông, gần 50 học sinh, cô giáo nhắc nhở không được nên bực và tát con.

Nhưng hôm đầu về cu cậu không dám nói mình bị tát, mà bảo: "Mẹ ơi, cô giáo tát vào mặt một bạn ở lớp". Vừa nghe nói thế, tôi đã không hài lòng. Vì với tôi, tát vào mặt là hành vi quá xúc phạm. Hơn nữa, nếu cô giáo tát một học sinh thì rất có thể sẽ làm vậy với con mình. Hành động này biểu hiện cô không làm chủ được cảm xúc. Tôi lo lắng. Tuy nhiên, không phải là con mình, nên tôi đã bình tĩnh hơn mà giảng giải cho con.

"Cô rất yêu các con nhưng cô cũng là con người, giống như mẹ có lúc bực quá cũng quát con. Huống gì ở lớp đông, cô không làm chủ được mà có hành vi sai như vậy". Tôi nói rõ với cháu, tát học sinh là hành vi sai quy định của nhà trường. Học sinh vi phạm chỉ được quyền phạt bằng cách này, cách khác.

"Con kể cho mẹ là rất tốt, nhưng con cũng nên thông cảm cho cô", tôi nói. "Từ trường hợp của bạn, con cũng nên rút kinh nghiệm cho mình", tôi tiếp tục.

Nhưng đúng là những lời khuyên bảo thường không có tác dụng.

Từ hôm đó, tôi thấy con có vẻ sợ đi học. Mấy ngày sau, con mon men đến mẹ nói: "Mẹ ơi, cô giáo tát vào mặt con". Tôi nghe vậy liền cảm thấy lo lắng, khó chịu. Tôi hỏi lại lần nữa thì thằng bé mới lộ ra là hôm nọ con và một bạn nữa nói chuyện với nhau và bị cô giáo tát cả hai.

Dù là một chuyên gia tâm lý, nhưng nghe vậy tôi cũng phải cố gắng mới bình tĩnh. Tôi hỏi: "Tại sao cô tát vào mặt con? "Vì con nói chuyện", thằng bé đáp.

- Một cô giáo tốt, yêu học trò, dạy giỏi, vẫn có thể là người không làm chủ cảm xúc tốt con ạ. Nhưng mẹ hoàn toàn không đồng ý cô tát vào mặt các con. Như vậy rất tệ. Giờ con muốn mẹ giúp gì?

- Mẹ đến gặp cô, nói cô đừng bao giờ tát con nữa được không. Con sợ. Con không thích bị tát như thế.

- Mẹ có thể đến gặp cô và đề nghị cô không được làm thế nữa. Cô sẽ đồng ý thôi. Vì cô làm vậy là sai quy tắc ứng xử, sai quy định nhà trường. Nhưng mẹ không chắc rằng cô sẽ không tiếp tục có hành vi đó. Vì cô đã có thói quen đó rồi, cô không làm chủ cảm xúc tốt và dễ tát học sinh khi bực tức. Sau này, nếu cô lại bực tức vì lớp con mất trật tự hay con vi phạm nói chuyện riêng, rất có thể cô lại làm thế. Thói quen thì khó bỏ con ạ.

- Vậy mẹ cho con chuyển lớp hay chuyển trường đi.

- Ừ, cách đó cũng hay đấy. Mẹ có thể chuyển lớp mới, trường mới cho con. Nhưng mẹ không đảm bảo chắc chắn rằng cô giáo mới có làm chủ cảm xúc tốt hay không, hay là cũng có hành vi như vậy, thì con lại chuyển lớp, chuyển trường à?

- Con cũng buồn vì phải xa bạn. Con không thích chuyển lớp, chuyển trường liên tục.

- Thế con có cách nào tốt hơn không?

Thằng bé lúc nhìn mẹ, lúc nhìn chỗ khác suy nghĩ một lúc thì trả lời một câu khiến tôi cũng ngạc nhiên.

- Thế thì con sẽ không nói chuyện nữa.

- Ừ nhỉ! Con giỏi quá!

- Cô chỉ tát khi con nói chuyện thôi. Giờ con không nói nữa, không vi phạm kỷ luật nữa thì làm sao cô có cớ làm việc đó với con. Đấy là cách con bảo vệ mình tốt nhất đấy.

Cu cậu vẫn mếu máo nói: "Thế thì con buồn lắm vì con vẫn thích nói chuyện".

- Bây giờ con thích nói chuyện đúng không, mà nói chuyện thì bị phạt. Vậy con có tìm ra cách nào để nói chuyện mà không bị phạt không?

- Cô chỉ phạt khi nói chuyện trong giờ thôi, nói ngoài giờ thì không bị phạt.

- Thế giờ con có cách nào để nói chuyện thoải mái mà không bị phạt?

- Con phải đi học sớm hơn. Ra chơi và tan học con sẽ nói thêm với bạn.

Quả thật tôi phục con lắm luôn. Vì tôi đã không phải đến trường để giải quyết việc này. Cô giáo cũng không biết là tôi biết chuyện cô đánh con mình.

Sau một tháng cô giáo rất quý con và thằng bé thì quên hẳn chuyện sợ đi học. Vốn tính hướng ngoại nên việc ở lớp cháu thường được cô giáo giao cho làm. Cuối lớp một, vào dịp sinh nhật con, cô giáo còn viết riêng cho cháu một bức thư, đến giờ cháu vẫn để ở bàn học".

Chị Kim Thành chia sẻ thêm, cuối năm đó, con trai chị còn bị bạn đánh cho xây xẩm mặt mày. Khi con kể, chị hỏi con có cần mẹ xử lý giúp con không thì cậu bé đáp: "Không mẹ ạ, con xử lý xong rồi".

Câu nói của con khiến chị Thành ngạc nhiên và vui mừng. Sau đó chị biết được con đã bị bạn cùng lớp và hai bạn khóa trên đánh, do một hiểu lầm. Nhưng sau khi hiểu lầm hóa giải, con và cậu bạn đánh mình đã chơi rất thân với nhau.

Bạo lực trong học đường là một vấn nạn những đứa trẻ không thể tránh khỏi. Khi gặp chuyện đó, người lớn thường hay trầm trọng hóa vấn đề, có thể khiến sự việc đi càng xa. Nhưng nếu cha mẹ không biết, con không có ai chia sẻ, vỗ về, bảo ban, hỗ trợ cần thiết thì lại thành tự ti, nhút nhát, chán học.

Chị Kim Thành khuyên: "Chúng ta có thể dàn xếp, bảo vệ con được nhưng làm vậy là chúng ta đã đánh mất cơ hội cho con tự xử lý. Đường đời dài đương nhiên mình không thể bảo vệ con mãi được. Tùy theo độ tuổi của con, bố mẹ có cách hỗ trợ thích hợp, càng lớn càng giảm đi".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh