THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:33

Nên hay không cho trẻ học thêm trước khi vào lớp một?

Trẻ gò lưng tập viết trước khi vào lớp một.

Cho con học sớm để bằng bạn, bằng bè…

5 giờ 20 phút chiều, tại Trung tâm luyện chữ đẹp trên phố Trúc Khê rất đông phụ huynh đưa con đến học. Căn phòng nhỏ nhưng đã có gần ba chục cháu đều ở lứa tuổi chuẩn bị vào lớp một, ôm sách vở ngồi ngay ngắn theo hướng dẫn của cô giáo.

 Anh Huy ở phố Chùa Hà cho biết, con trai anh năm nay vào lớp một, mặc dù đã đi học mẫu giáo nhưng nhận biết chữ cái còn rất kém, các dấu huyền, sắc, ngã, hỏi vẫn chưa biết. “Mới đi học ở trung tâm được gần chục buổi mà cháu tiến bộ hẳn. Đặc biệt, khi đến trung tâm cháu lại thích học hơn ở nhà, xem vở thấy cô chấm điểm cũng cao 8, 9 và 10, đúng là có học vẫn hơn”, anh Huy hồ hởi khoe.

“Có hai đứa con, đứa đầu đến tuổi thì đi học, chẳng nghĩ đến chuyện cho học trước, cuối cùng khi vào lớp cháu không theo kịp bạn, đâm ra chán nản, không hào hứng học, hôm nào về nhà nó cũng khóc lóc và sợ không muốn đi học nữa. Rút kinh nghiệm, đứa thứ hai tháng 9 này vào lớp một, tôi phải tìm ngay chỗ cho con vào học trước…”, anh Tiến ở phố Kim Mã chia sẻ.

Cùng chung suy nghĩ như anh Tiến, chị Thanh ở phố Hàng Bún cũng cho biết: “Thôi thì bớt ăn bớt tiêu mà cho con đi học, lớp học thì đông, các cô không thể cầm tay từng cháu được. Không cho đi học trước, khi vào lớp một, nó không theo kịp, đâm ra sợ sệt, ảnh hưởng tới tâm lý thì còn nguy hiểm hơn”.

 “Không phải suy nghĩ nhiều chị ơi. Chị nên vào đăng ký luôn cho cháu học đi. Con nhà em cho học từ tháng 10/2015 rồi. Chỉ sau một khóa học luyện chữ là yên tâm vào lớp một rồi. Không được học trước, khi vào học chính thức, con cứ lơ ngơ như “bò đội nón” ấy, tội nghiệp lắm”, chị Mai ở phố Cát Linh khuyên một phụ huynh đang tần ngần chưa biết có nên cho con đi học trước khi vào lớp một hay không.

Đến một số Trung tâm luyện chữ ở Hà Nội trên các tuyến phố: Trúc Khê, Thái Thịnh, Phạm Hồng Thái, Tô Hiệu… đều có nhiều người đăng ký tham gia luyện chữ, với đủ các lứa tuổi: Giáo viên, sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng,  nhưng chiếm số đông vẫn là những trẻ chuẩn bị vào lớp một. Tâm lý chung của phụ huynh đều lo lắng cho con trước khi đi học, vì vậy ngày càng có nhiều trẻ đến học trước tại các trung tâm luyện chữ.

Mỗi trung tâm đều có lịch học cụ thể cho từng lứa tuổi. Với trẻ chuẩn bị vào lớp một được luyện: Tập đọc, đánh vần, tô, viết nét, ghép chữ, tô chữ hoa cỡ to, viết các chữ đơn, chữ ghép, đọc, viết câu ngắn, làm toán trong phạm vi từ 1 đến 10. Thời gian cho một khóa học là 6 tuần, học phí 1,2 đến 1,3 triệu đồng/khóa, bao gồm cả bút viết và tài liệu. Có rất nhiều ca học trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật để phụ huynh chọn giờ phù hợp. Theo những gì mà các trung tâm này quảng cáo thì giáo viên đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tình với trẻ. 100% học sinh tham gia khóa học đều có đủ kiến thức, kỹ năng chuẩn, tự tin bước vào lớp một…

Một cô giáo tại trung tâm luyện chữ ở phố Tô Hiệu cho biết, từ sau Tết, nhiều phụ huynh có con vào lớp một năm nay đã gửi trẻ tới học chữ. “Hiện tại số trẻ chuẩn bị vào lớp một theo học khá đông. Tại chỗ tôi, cả tuần đều có ca học của các cháu, thứ bảy chủ nhật là ca ngày, ngày thường gồm hai ca chiều tối, từ 5 giờ tới 6 rưỡi, và từ 7 rưỡi tới 9 giờ, để tạo điều kiện cho trẻ tới sau giờ tan trường mầm non”, một cô giáo chuyên luyện chữ tại nhà ở phố Thái Thịnh cho hay.

 Chỉ cần hoàn thành chương trình mẫu giáo là yên tâm vào lớp một

Mặc dù rất nhiều phụ huynh cho rằng để con đi học chữ sớm sẽ tốt hơn, nhưng dưới con mắt của các chuyên gia giáo dục, điều đó chưa hẳn đã tốt. Cô Phan Kim Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Thành Công cho biết: “Mấy năm nay, qui định của Bộ GD&ĐT yêu cầu trẻ phải qua lớp mẫu giáo rồi mới vào lớp một và trong chương trình mẫu giáo trẻ đã được làm quen với chữ cái. Tất nhiên các cháu chưa thể biết viết như tiểu học nhưng trẻ chỉ cần học đầy đủ chương trình mẫu giáo là yên tâm vào lớp một. Cũng có một số trường hợp rất đặc biệt, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do nào đó mà các cháu không được đi mẫu giáo, đến khi vào lớp một sẽ rất khó khăn cho trẻ và giáo viên....

Cô Kim Anh cho biết, theo quy định, các trường không được tổ chức dạy chữ trước cho trẻ. Giáo viên phải làm cam kết, nếu ai vi phạm khi bị phát hiện sẽ chịu hình thức kỷ luật của trường và phòng giáo dục. Tuy nhiên, có một bộ phận phụ huynh vì quá lo lắng nên tìm mọi cách để cho con học trước khi vào lớp một, điều đó là không cần thiết. “Có một tình trạng hiện nay giáo viên rất khó sửa cho học sinh, đó là tư thế cầm bút sai trước khi đi học, thậm chí ngay từ lúc 2 đến 3 tuổi các em đã được cầm bút để vẽ trong khi bút viết các em phải cầm khác (cầm bằng ba ngón tay). Điều đó đã tạo thành thói quen rất khó sửa và ảnh hưởng lớn đối với học sinh bắt đầu đi học. Vì vậy cô giáo và bố mẹ nên chú ý đến tư thế cầm bút của trẻ”, cô Kim Anh nhấn mạnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, lớp C1, trường Tiểu học Chu Văn An, trong những năm gần đây, xu hướng dậy trước cho trẻ vào lớp một đã thành một trào lưu của xã hội. Việc ép trẻ biết đọc và biết được con chữ ở độ tuổi này sẽ có tác hại đến sức khỏe cũng như sự phát triển tư duy của trẻ. Bởi vì, theo qui định trẻ hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi là đã đủ điều kiện để theo học lớp một, vì ở các trường mẫu giáo trẻ đã được làm quen với mặt chữ trong bảng chữ cái, biết tô các nét cơ bản và làm quen với mặt chữ số.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền vui Tết Trung thu cùng học sinh tiểu học.

“Các vị phụ huynh đừng quá lo lắng khi chưa cho con đi học trước chương trình lớp một, hãy để cho trẻ háo hức chờ đón kiến thức mới, để trẻ thích được đến trường và điều quan trọng hãy để cho trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Vì nếu trẻ biết trước sẽ sinh ra chủ quan, không tập trung, giảm hứng thú trong học tập, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức khó khăn. Hơn nữa, nếu học trước mà việc ngồi học không đúng tư thế, cách học không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này và cũng rất khó khăn cho giáo viên khi nhận lớp, phải sửa lỗi và nắn lại tư thế ngồi của trẻ”, cô Huyền lưu ý. 

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh