Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 10:57 - 15/12/2022
Dương Văn Hoàng (sinh năm 1999, quê Việt Yên, Bắc Giang), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, gia đình em có mấy sào ruộng và hoa màu nhưng lúc nào cũng “chân lấm tay bùn” vì phải trực tiếp làm mọi việc và luôn nơm nớp lo lắng vì “thiên tai, địch họa” là chắc chắn mất mùa, thua lỗ. Được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, Hoàng và cùng với 3 sinh viên Trịnh Thùy Linh, Phạm Xuân Minh và Nguyễn Duy Khánh đã bắt tay nghiên cứu Hệ thống giám sát chăm sóc cây trồng bằng cảm biến.
Chia sẻ về ý tưởng của dự án, Trịnh Thùy Linh (trưởng nhóm) cho biết: “Lên ý tưởng từ tháng 10/2021, nhóm gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là tìm hiểu thực tế trên hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại. Vào được các tập đoàn lớn thì khó, còn một số trang trại của tư nhân thì sử dụng máy độ chính xác chưa cao. Tiếp đó là khó khăn trong việc kết nối các thiết bị cảm ứng trên cùng 1 màn hình hay thiết kế app theo dõi, điều khiển từ xa trên điện thoại di động”.
Nói về sinh viên của mình, cô Phạm Thị Thủy, Giảng viên của Khoa Điện tử - Tin học, người hướng dẫn nhóm thực hiện dự án chia sẻ: “Các em chưa từng được học thiết kế app điều khiển trên điện thoại, vì thế phải nghiên cứu thử nghiệm rất nhiều. Vượt qua những khó khăn, sau 1 tháng đi thực tế và 1 tháng thí điểm kiểm nghiệm, cuối cùng nhóm đã hoàn thiện sản phẩm, đi vào sản xuất mô hình sau hơn 3 tháng mày mò. Tuy nhiên, cũng phải mất cả năm để chỉnh sửa, hoàn thiện để tới được vòng chung kết Startup Kite 2022. Mô hình này phù hợp đặt tại các trang trại hoặc nông trại với quy mô khoảng 1.000m2. Giá thành khoảng 35 triệu đồng/bộ; với ưu điểm là được tích hợp nhiều chức năng, chỉ cần 1 người theo dõi trên app, lúc hệ thống báo thiếu nước hoặc thiếu chất dinh dưỡng thì tự động điều chỉnh cung cấp nước, chất dinh dưỡng... cho cây”, cô Phạm Bích Thủy nói.
NGƯT, TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết: “Thời gian tới, hệ thống giám sát cây trồng bằng bộ cảm biến sẽ được thử nghiệm ở các trang trại nông nghiệp vừa và nhỏ trong địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Bởi vậy, khi Tổng cục GDNN tổ chức chương trình Startup Kite, nhà trường và học sinh đã bắt kịp. Nhà trường cũng đã sáng tạo để thích ứng với hoạt động thực tế dạy và học.
"Mục tiêu thời gian tới sẽ thử nghiệm ở các trang trại nông nghiệp vừa và nhỏ trong địa bàn tỉnh Bắc Ninh, sau đó sẽ phát triển nhân rộng ra các khu vực ngoại tỉnh. Trường cũng tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhóm hoàn thiện hệ thống và đang phối hợp nhượng quyền sản phẩm cho 1 doanh nghiệp áp dụng vào sản xuất", ông Huy nói.