CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

UBND TP. Hà Nội “lảng tránh” trách nhiệm?

Theo phản ánh của các gia đình chính sách ở thôn Tê Quả (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai): Năm 2002, Vợ chồng ông Nguyễn Thái Ngọc, bà Giang Thị Thanh Hương và cán bộ xã vận động bà con cho thuê thửa đất nông nghiệp tại cách đồng Mả Vông (thuộc tờ bản đồ số 4, thửa 204+206 diện tích 10.000m2) với mục đích  xây dựng Cty TNHH Ngọc Hưng, chuyên đúc kết cấu kiện bê tông. Cách thức thuê là bóc màu hàng năm, thời gian thuê là 11 năm (tính từ 2002 đến 2013).

Sau đó, bà Giang Thị Thanh Hương, UBND xã Tam Hưng, và trưởng thôn Tê Quả cùng các hộ dân đã thống nhất, thỏa thuận: “Thời gian thuê đất theo quy định của pháp luật. Thời gian đền bù hoa màu đến tháng 12/2013, với phương thức thanh toán một lần 500kg thóc/sào/năm nhân với giá thóc là 1.800đ/kg nhân với 11 năm”.

Ngày 23/12/2002, Cty  TNHH Ngọc Hưng đã thực hiện trả tiền đền bù hoa lợi cho các hộ dân có đất bị thu hồi theo thỏa thuận, số tiền là 9.900.000đồng/sào.

Khu đất trồng lúa của bà con thôn Tê Quả đang bị doanh nghiệp “chiếm đóng”.

 Ngày 27/12/2002, UBND huyện Thanh Oai ra Quyết định số 1124QĐ/UB thu hồi 10.026m2 đất nông nghiệp để chuyển thành đất xây dựng và giao cho bà Giang Thị Thanh Hương thuê xây dựng xưởng sản xuất kết cấu bê tông. Sau đó,  Phòng TN&MT huyện ký hợp đồng cho bà Hương cho thuê đất, diện tích là 8.377m2, thời hạn thuê là 20 năm.

Từ tài liệu này cho thấy có dấu hiệu mập mờ ở đây. Vì sao huyện lại ký quyết định cho doanh nghiệp thuê đất với thời hạn là 20 năm trong khi Cty Ngọc Hưng thoả thuận với người dân thời gian là 11 năm? Cũng bởi cái sai đó, ngày 22/1/2008, UBND tỉnh Hà Tây(cũ) ra quyết định số 161/QĐ-UBND về việc thu hồi 9.278m2 đất chuyên dùng trên địa bàn xã Tam Hưng giao cho Cty TNHH Ngọc Hưng thuê để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng xưởng sản xuất cấu kiện bê tông.

Bằng những văn bản pháp lý sai trái đó, lãnh đạo chính quyền cơ sở đã hợp thức hoá cho doanh nghiệp thuê lại đất. Còn người dân, là chủ sở hữu quyền lợi  bị xâm phạm, nhưng họ cũng không được cơ quan có thẩm quyền thông báo. Mãi năm 2013, đến hạn trả lại đất, người dân làm đơn kiến nghị lên các cấp xã, huyện đòi lại đất (vì đất của họ là đất cho thuê chứ không phải bán) mới tá hoả trước việc làm sai trên của chính quyền huyện Thanh Oai.

Làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Oai về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện thừa nhận: “Việc UBND xã Tam Hưng xác nhận vào giấy giao quyền sử dụng ruộng đất của các hộ dân trong giấy có nội dung:  “Hộ gia đình tự nguyện cho doanh nghiệp thuê ruộng đất đến hết năm 2013” là không đúng quy định của luật đất đai.

Còn về trách nhiệm của huyện, ông Khiển cũng thừa nhận: “ UBND huyện không thành lập hội đồng đền bù thiệt hại, không lập phương án đền bù thiệt hại GPMB trình UBND TP phê duyệt là chưa đúng theo quy định tại điều 32, 33, 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ”.

Để khắc phục hậu quả, UBND huyện Thanh Oai đã họp bàn, thống nhất phương án, ra văn bản trình UBND TP xem xét để tháo gỡ vướng mắc, trong tờ trình số 117/BC-UBND,  số 175/TTr-UBND ngày 11/6/2014.

Trong các tờ trình này, UBND huyện đề xuất:  Đề nghị UBND TP, liên ngành Thanh tra, TN&MT, Tài chính, Ban chỉ đạo GPMB TP cho phép UBND huyện vận dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB theo qui định tại Quyết định số 563/2003/QĐ-UBND ngày 6/5/2003 của UBND tỉnh Hà Tây.

Xây dựng phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với dự án sản xuất bê tông  của Cty TNHH Ngọc Hưng trừ đi số tiền doanh nghiệp đã chi trả cho các hộ cộng thêm phần lãi tính theo lãi suất không kỳ hạn và kinh phí hỗ trợ bổ sung do doanh nghiệp chi trả được trừ vào thuế đất hàng năm.

Nhận được văn bản của UBND huyện Thanh Oai, UBND TP. Hà Nội ra  văn bản số 4736 UBND-TNMT do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký, giao cho Sở TN&MT TP chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính, Ban chỉ đạo GPMB TP kiểm tra làm rõ nội dung kiến nghị của UBND huyện Thanh Oai và báo cáo về UBND TP trước ngày 20/7/2014.

Được biết, đến nay các sở ban ngành được giao giải quyết sự việc vẫn chưa có câu trả lời và UBND TP Hà Nội cũng đã gần như đã “lãng quên” việc có trả lại đất cho dân yên tâm sản xuất hoặc lập phương án bồi thường như đề xuất của huyện Thanh Oai.

 Nguyên nhân dẫn đến sự việc kéo dài ở đây là gì, vì cố tình kéo dài thời gian hay vì “bao che” cho sai phạm? Còn với những gia đình chính sách, họ vẫn  đang chờ đợi câu trả lời xác đáng từ cơ quan có thẩm quyền.

Đề nghị UBND. TP Hà Nội sớm xem xét lại trách nhiệm của mình, cũng như tăng cường đôn đốc các sở ban ngành đã được giao sớm đưa phương án kịp thời và công bằng cho người dân, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài.

Văn Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh