U Minh Thượng trở thành Khu Ramsar của thế giới
- Văn hóa - Giải trí
- 16:58 - 23/02/2016
Vậy là Việt Nam đã đánh dấu tên những cánh rừng U Minh của mình trên bản đồ Ramsar thế giới, đồng nghĩa với việc khẳng định cam kết trong công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học quan trọng của một khu đất ngập nước đặc biệt – sinh cảnh rừng tràm trên đất than bùn cùng với sự đa dạng các loài thực vật, chim, thú, bò sát và cá.
Chim Điên Điểng ( ảnh Văn Thắng )
Lễ trao Bằng công nhận khu Ramsar cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng của Công Ước Ramsar - Công ước Quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước và công nhận các chức năng sinh thái nền tảng, các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của các sinh cảnh này được Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Kiên Giang và WWF - Việt Nam (WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới) tổ chức vào ngày 22/2. Vườn Quốc gia U Minh Thượng chính thức trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2228 của thế giới.
VQG U Minh Thượng được thành lập theo Quyết định số 49/2002/QĐ-UB ngày 08 tháng 7 năm 2002 của UBND tỉnh Kiên Giang trên cơ sở Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 1 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ, về việc chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang thành Vườn Quốc gia U Minh Thượng. VQG U Minh Thượng có chức năng bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của Vườn Quốc gia, nghiên cứu khoa học kết hợp mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.
Sân chim vườn U Minh
Năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 27/10/2006, U Minh Thượng được công nhận là một trong ba khu vực trọng yếu Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang. Tháng 8/2012, VQG U Minh Thượng là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, đặc biệt đây là Vườn di sản ASEAN trên đất than bùn đầu tiên của khu vực. Mới đây, ngày 30/4/2015, VQG U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.
Trở thành một khu Ramsar Quốc tế, VQG U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai.
Đồng cỏ ngập nước theo mùa
Đây cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì vùng đầm lầy than bùn lại có ý nghĩa lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ này do có khả năng lưu trữ và tích tụ C02 trong đất than bùn cao hơn hẳn các loại đất khác.
Khỉ trên dường Hồ Hoa Mai (ảnh Quốc Dân)
Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam: Thời gian tới, WWF - Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và VQG U Minh Thượng kêu gọi các tài trợ về tài chính và kỹ thuật để triển khai các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi vùng đầm lầy than bùn U Minh, phát triển bền vững du lịch sinh thái bên trong và xung quanh Vườn, cũng như giúp thực hiện các chương trình khuyến khích người dân tham gia sử dụng hiệu quả tài nguyên đất ngập nước.