Tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chỉ 20 - 30%
- Dược liệu
- 13:41 - 19/09/2018
Sáng đầu tuần, cô con gái nhỏ học lớp 2 của chị Nguyễn Mai Anh (Tây Hồ, Hà Nội) nhất quyết không chịu lên xe máy để mẹ chở đến trường vì theo yêu cầu, nếu không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy sẽ bị sao đỏ trừ điểm thi đua.
Nhiều phụ huynh "quên" đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông.
Đang vội giờ làm, mũ của con lại vừa bị mất không thể đi mua ngay, chị Mai Anh nghĩ “kế”: Nhường mũ bảo hiểm của mẹ cho con, mẹ đầu trần chở con đến lớp. Nhà gần trường nên chị Mai Anh nghĩ mọi việc thế là ổn, cách này khá hay, “trong cái khó, ló cái khôn”. Từ nay cứ việc cho con đội mũ bảo hiểm của mẹ, đưa con đến trường xong mẹ sẽ lấy lại mũ bảo hiểm từ con rồi đi làm, con không bị sao đỏ trừ điểm thi đua, mẹ không phải lách cách treo thêm một chiếc mũ bảo hiểm cho con ở xe….
Còn anh Dương Minh Tuấn (Sài Đồng, Hà Nội) lại nghĩ nhà gần trường nên lười không đội mũ bảo hiểm cho con. Hàng ngày, anh Tuấn đưa con đến trường với đầu trần. Để con không bị sao đỏ trừ điểm thi đua, anh Tuấn nghĩ ra “kế”, sáng ra anh chở con đi học không cần đội mũ. Để tránh sao đỏ nhìn thấy, khi đến gần trường cho con xuống đi bộ!
Cả anh Tuấn và chị Mai Anh đều nghĩ, những “kế” của mình giúp con đối phó với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi khi ngồi trên xe máy. Tuy nhiên, lại không nghĩ rằng, vô hình chung mình đang dạy con sống trái với quy định của pháp luật và không đảm bảo an toàn cho con khi tham gia giao thông.
Chị Minh Anh đã phải giật mình và thấy xấu hổ khi cô con gái trở về nhà và khóc: “Mẹ ơi, từ mai mẹ đội mũ bảo hiểm cho cả mẹ khi tham gia giao thông bằng xe máy nhé. Hôm nay, trường con có tiết hoạt động ngoại khóa đầu tuần, các chú công an đến tuyên truyền và hướng dẫn đội mũ bảo hiểm an toàn. Các chú công an bảo, đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ an toàn tính mạng khi tham gia giao thông, mẹ đừng nhường mũ của mẹ cho con nữa nhé”. Những câu nói hồn nhiên của con đã khiến chị Mai Anh thay đổi suy nghĩ. Hàng ngày, đều đặn chị và con đều đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chỉ đội khi đưa con đến lớp để đối phó với sao đỏ chấm điểm thi đua.
Thực tế, có thể thấy, vào giờ tan trường, tại nhiều trường học việc phụ huynh chở con em mình bằng xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm đã trở nên khá quen thuộc. Hay hình ảnh trên nhiều tuyến phố học sinh “đầu trần”, đi xe máy điện vô tư lạng lách giữa dòng xe đông đúc.
Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy, tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90%. Đáng buồn là tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em rất thấp, chỉ ở mức 20 - 30%. Lâu nay, các lực lượng chức năng dường như bỏ qua việc nhắc nhở, xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm. Người lớn dường như chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm, cho nên thực hiện thiếu nghiêm túc, tuy đội mũ bảo hiểm cho con, nhưng lại không cài quai, thậm chí đối phó bằng cách mua mũ rẻ tiền không bảo đảm chất lượng, hoặc loại mũ không phù hợp kích cỡ và độ tuổi. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc bị thương nặng, nhất là chấn thương sọ não do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em đang có xu hướng tăng cao thời gian qua.
Bộ Y tế cảnh báo, mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em chết vì tai nạn giao thông, chiếm 24 - 26% số trẻ em chết do tai nạn thương tích. Trong đó, gần 50% các trường hợp nạn nhân tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Đây thật sự là con số đáng báo động, cho thấy sự an toàn của trẻ em khi ra đường chưa được gia đình cũng như xã hội quan tâm đúng mức. Trước hết, trách nhiệm thuộc về ý thức của bố mẹ các em.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mũ bảo hiểm có thể giảm 42% nguy cơ tử vong và 69% nguy cơ chấn thương khi bị va chạm giao thông trên đường. Những mất mát do tai nạn giao thông có thể tránh và giảm nếu người lớn và trẻ nhỏ đội mũ bảo hiểm đúng cách và bảo đảm chất lượng.
Đã có không ít bài học, hệ lụy thương tâm để lại nỗi đau ám ảnh từ những vụ tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em mà nguyên nhân do các em không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Vì vậy, phụ huynh cần nâng cao ý thức tự giác, coi việc đội mũ bảo hiểm là một hành động yêu thương nhằm bảo vệ an toàn và tính mạng cho con em mình. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần duy trì chiến dịch kiểm tra, nghiên cứu tăng mức chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc học sinh hoặc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm. Cần đổi mới việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao tai nạn giao thông cho trẻ em; đưa vào giảng dạy như một kỹ năng sống; vận động các em đi bộ, hạn chế sử dụng xe đạp, xe máy điện; đồng thời bố trí các tuyến xe buýt đưa, đón học sinh đến trường.