CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Xây dựng tài liệu chuẩn để hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, ước tính ở Việt Nam có khoảng 200.000 người tự kỷ. Từ thực tế đó, nhiều trường, tỉnh thành, cơ quan đã xây dựng các trường, các trung tâm công lập và tư nhân liên quan đến lĩnh vực này. Việc dạy trẻ tự kỷ tại các trường, các trung tâm cũng như cách dạy con trong gia đình đang áp dụng các phương pháp, cách thức khác nhau, chưa có bộ tài liệu chuẩn chung để áp dụng thành công cho các trường, các trung tâm.

 


Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo.

 

Ở nhiều địa phương, nhiều gia đình do điều kiện kinh tế, thời gian của bố mẹ có hạn nên việc áp dụng phương pháp trị liệu khác nhau, có những gia đình ở thành phố hay nông thôn thì gặp nhiều trường hợp trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể do quá bận nên phải giao khoán việc chăm sóc trẻ cho các ông bà. Cách điều trị, chăm sóc ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng khác nhau.

“Mỗi trẻ có những biểu hiện khác nhau, nếu các cháu tập trung thì sẽ có hành động ổn định. Tôi đã đến thăm các trường hợp trẻ khuyết tật tại các cơ sở khác nhau, thấy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ có thể tập trung làm một số lĩnh vực như hội họa, âm nhạc, công nghệ thông tin rất hiệu quả. Đây là cơ hội để các con trở thành người có ích cho xã hội. Chúng ta cần có các chương trình giáo dục để các con có thể làm việc, lao động đóng góp cho gia đình và xã hội, trở thành người có ích”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

 

Giám đốc Quỹ BTTEVN Hoàng Văn Tiến cho biết: Dự án đặt mục tiêu xây dựng bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

 

Thứ trưởng mong các chuyên gia, các nhà quản lý, giáo viên làm trực tiếp trao đổi thông tin thực tiễn và tính khoa học về căn bản giáo dục, tâm lý giáo dục, phương pháp sư phạm, khả năng thiết kế chương trình dạy trẻ tự kỷ, tham gia góp ý xây dựng bộ tài liệu chuẩn chung.

Quỹ BTTEVN và PNJ đồng hành khởi xướng Dự án“Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” trong 5 năm (2018 - 2022) nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ em tự kỷ, đồng thời tuyên truyền vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ, từ đó tạo cơ sở đề xuất chính sách cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Trên cơ sở đó cũng có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến nhóm trẻ tự kỷ.

Giám đốc Quỹ BTTEVN Hoàng Văn Tiến cho biết, Quỹ BTTEVN cùng các chuyên gia tâm lý đã đưa ra những kỹ thuật cơ bản để xây dựng bộ tài liệu tại hai cuộc Hội thảo kỹ thuật xây dựng tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

 

Các trẻ tự kỷ tại trường Mầm non Chuyên biệt Từ Sơn biểu diễn tại hội thảo.

 

Mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Dự kiến sau khi dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ có bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam được ban hành; 100 cán bộ nòng cốt được đào tạo về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ; 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, dự án sẽ tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu, tăng cường sự quan tâm trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Tăng cường sự hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và các nhà chuyên môn, cộng đồng tại địa phương trong việc nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng. Thông qua các chiến dịch truyền thông mở rộng dưới hình thức truyền thanh, truyền hình các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh