THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:42

Đà Nẵng: Số người tự nguyện đi cai nghiện tập trung tăng

 

Theo đó, kể từ khi có Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng ban hành về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, số người tự nguyện đi cai nghiện tập trung tại địa phương này đã tăng dần, trong khi các năm trước, tỷ lệ người tự nguyện đi cai nghiện tập trung rất ít, thậm chí không có.

Số liệu thống kê của Sở LĐ- TB&XH TP. Đà Nẵng, hiện tỷ lệ người cai nghiện tự nguyện trên địa bàn thành phố đã tăng 135%,  trong khi năm 2014 chỉ có 2 người thì năm 2015 đã tăng lên 27 người. Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức cai nghiện để người nghiện tự nguyện đăng ký một hình thức cai nghiện phù hợp như: cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; vừa kết hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (về hành vi vi phạm pháp luật), tổ chức cho họ đăng kí sử dụng methadol để điều trị thay thế các chất gây nghiện dạng thuốc phiện...công tác cai nghiện nói chung tại TP. Đà Nẵng đã có những hiệu quả đáng kể.

Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, trước đây theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ lúc tòa án họp cho đến lúc ra quyết định phải mất từ 6 tháng đến một năm. Theo nhiều người làm chuyên trách trong hoạt động này cho rằng, đây là khoảng thời gian quá dài nên rất khó đạt được hiệu quả. Chưa kể, cũng như nhiều địa phương khác, việc quản lý các đối tượng nghiện không có hộ khẩu thường trú vẫn là một vấn đề gây nhiều nan giải.

Dạy nghề cho học viên cai nghiện tại Trung tâm GD-DN 05-06


Với cách làm riêng của TP. Đà Nẵng, chỉ trong 3 ngày, tất cả các ngành như tư pháp, công an, LĐ-TB&XH phải thống nhất lập hồ sơ chuyển sang tòa án. Sau đó, cũng chỉ khoảng 3-5 ngày, Tòa phải có quyết định xem có đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không.

Đặc biệt, đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định thì Đà Nẵng sẽ giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục áp dụng biện pháp để có thể đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Công tác kiểm soát, phát hiện người nghiện ma túy trên địa bàn cũng được tiến hành chặt chẽ hơn.  Cụ thể, sau khi rà soát lại từng địa bàn, thống kê Đà Nẵng có khoảng hơn 1.800 người nghiện, trong đó có hơn 1.600 người đang ở cộng đồng, 58 người trong trung tâm cai nghiện và 196 người đang ở các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng… Các lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý gần 1.300 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, so với trước đó, số người nghiện bị phát hiện xử lý nhiều hơn 600 trường hợp (tăng 91%).

Công tác quản lý, tổ chức cai nghiện cho các đối tượng nghiện đã là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ của nhiều cấp, ngành, các đơn vị liên quan, tuy nhiên cùng với công tác cai nghiện, việc quản lý các đối tượng sau cai nghiện hiện vẫn là điều khiến nhiều người chuyên trách trong vấn đề này ở Đà Nẵng trăn trở, bởi  kinh phí dành cho hoạt động chưa có, trong khi việc lập hồ sơ vẫn còn nhiều điểm hạn chế như chưa đủ yêu cầu, sơ sài, chưa chặt chẽ dẫn đến có những trường hợp rất khó xử lý.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết, tính đến giữa tháng 4/2015, Đà Nẵng hiện có 371 người thuộc diện quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cú trú. Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, sở dĩ công tác cai nghiện và quản lý sau cai ở địa phương vẫn còn gặp những khó khăn nhất định còn do một số địa phương vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức nên công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng còn nhiều sơ hở. Đặc biệt, hiện nay sự phối hợp giữa các cơ sở điều trị methadone với các địa phương chưa chặt chẽ nên việc quản lý người nghiện trong diện điều trị methadone cũng còn nhiều bất cập…


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh