Tỷ lệ hộ nghèo tại Yên Bái giảm chỉ còn 7,04%
- Dược liệu
- 15:20 - 26/11/2021
Đây là thông tin tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra sáng nay tại Yên Bái.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đạt trên 19.600 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững từ ngân sách trung ương đạt trên 1.200 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án đạt gần 18.400 tỷ đồng. Năm 2021, toàn tỉnh huy động trên 2.800 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo.
Đặc biệt, 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, trong đó, đối với Chương trình 30a, tổng kinh phí thực hiện tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải trên 470 tỷ đồng để triển khai 03 tiểu dự án. Trong đó đã xây dựng 99 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học; hỗ trợ 182 dự án phát triển sản xuất, với trên 97.000 lượt hộ nghèo tham gia và hỗ trợ kinh phí khoán chăm sóc trên 221.000 ha rừng; hỗ trợ đào tạo và xuất cảnh được 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn 74 học viên, mở 57 lớp nâng cao năng lực cho 2.158 lượt cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động cấp xã, thôn bản...
Đối với Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện trên 760 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái đã đầu tư 714 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, công trình điện; hỗ trợ 343 dự án và 11 mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi với trên 19.000 hộ được hỗ trợ giống vật nuôi, trên 28.000 hộ được hỗ trợ giống cây và hỗ trợ máy móc, phân bón... Cùng với đó, các Chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, Chính sách tín dụng ưu đãi, Chính sách hỗ trợ tiền điện, Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... cũng được tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện.
Sau 05 năm, toàn tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 7,04% vào cuối năm 2020, tỷ lệ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản chỉ còn 0,19%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm. Cuối năm 2020, tỉnh Yên Bái có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 13 toàn quốc (cải thiện 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ) và cao thứ 11 so với khu vực Trung du và miền núi Phía Bắc. Đối với hai huyện 30a (Trạm Tấu và Mù Cang Chải), tỷ lệ hộ nghèo trong 05 năm giảm 41,61%, bình quân mỗi năm giảm 8,32%, (giảm từ 75,12% đầu năm 2016 xuống còn 33,51% vào cuối năm 2020), đạt 138,6% so với mục tiêu của tỉnh, giảm gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong công tác giảm nghèo. Yên Bái có nhiều cách làm hay và sáng tạo, kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo, đồng thời, ban hành các chính sách đặc thù tạo sinh kế, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Yên Bái phân loại hộ nghèo để có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo; ưu tiên giải quyết vấn đề nghèo đói tại các huyện đặc biệt khó khăn; tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, ưu tiên phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người dân theo chuỗi sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm của người dân; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường sự tiên phong của cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo; khơi dậy văn hóa vươn lên của người dân để người dân tự lực, tự cường thoát nghèo bền vững; xây dựng phương án đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo không trùng lặp và đạt hiệu quả cao nhất...
Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua, đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng lưu ý một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới., đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đưa việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là khát vọng của các tầng lớp nhân dân
Cùng với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội. Đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là khát vọng của các tầng lớp nhân dân.
Quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chăm lo công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đối với các xã, thôn, bản không còn là xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo; Tiếp tục vận động, huy động đa dạng các nguồn lực để tăng cường hỗ trợ cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong hoạt động giảm nghèo.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc quan điểm xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong mỗi giai đoạn triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo có những mục tiêu cũng như khó khăn, thách thức mới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo của các địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ cần thiết trước mắt đó là cần chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể để ứng phó với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, tỉnh Yên Bái phát động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”. UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen cho 50 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.