THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:08

Yên Bái: Lồng ghép linh hoạt, hiệu quả các chương trình trợ giúp người khuyết tật

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 11.580 người khuyết tật, trong đó có nhiều người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, có hoàn cảnh khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi.

Người khuyết tật thường xuyên đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Sự kì thị là một trong những rào cản ngăn trở người khuyết tật có được cơ hội trong cuộc sống như trong học tập, giao tiếp, việc làm, hạnh phúc gia đình. Sự nhận thức không đầy đủ và sai lệch của cộng đồng về người khuyết tật khiến người khuyết tật và thậm chí cả gia đình họ càng thêm mặc cảm và càng tự hạn chế cơ hội cho bản thân hoặc thành viên khuyết tật trong gia đình hòa nhập cộng đồng.

Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Yên Bái

Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Yên Bái

Chính vì vậy kỹ năng sống độc lập cho người khuyết tật là một trong những kiến thức vô cùng cần thiết phải trang bị cho người khuyết tật để họ có thể học tập, sinh hoạt, giao tiếp hòa đồng với mọi người.

Để thực hiện có hiệu quả Luật Người khuyết tật năm 2010, Sở LĐ-TB&XH Yên Bái đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, đồng thời trực tiếp ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT. Các đối tượng khuyết tật nhẹ là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ cận nghèo đều được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí tham gia BHYT. 

Tại các cơ sở y tế trên địa bàn đều có quy định về ưu tiên và hỗ trợ người khuyết tật trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó nhiều tổ chức từ thiện cũng tham gia hỗ trợ các suất ăn miễn phí, quần áo… Những hoạt động này phần nào giúp người khuyết tật giảm bớt khó khăn trong quá trình điều trị dài ngày. Đối với các hoạt động phục hồi chức năng, hàng năm Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan có liên quan đều phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ, các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng trong và ngoài tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án, đề án khác nhau để đầu tư hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật; đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng, ưu tiên đối tượng người khuyết tật trong độ tuổi đi học; ưu tiên người khuyết tật tham gia các dự án ưu đãi phát triển sản xuất.

 

Năm 2021, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung vào các hoạt động trợ giúp pháp lý; trợ giúp pháp luật; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng; trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; trợ giúp phụ nữ khuyết tật; hỗ trợ khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá.

Để thực hiện tốt chương trình, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật; Lồng ghép, thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến người khuyết tật; Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật;

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật; Xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật và công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật ; Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho người khuyết tật; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện trợ giúp người khuyết tật theo phạm vi lĩnh vực ngành, địa phương được phân công để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh