CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:31

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm "đẹp" đến khó tin!

Sinh viên đăng ký việc làm trong ngày hội việc làm ở một trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cơ sở nào để đánh giá tiêu chí này là vấn đề dư luận đang lo ngại, nhất là tỷ lệ sinh viên (SV) ra trường có việc làm do các trường tự công bố lâu nay luôn rất cao.
100% sinh viên có việc làm ?
Từ năm 2009, Bộ ban hành thông tư kèm quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục. Các trường ĐH phải công khai trên website cam kết về chất lượng giáo dục, trong đó có tỷ lệ người học có việc làm sau một năm ra trường. Tuy nhiên, nhiều trường không công bố được tỷ lệ này.
Trong năm học 2014 - 2015, một số trường lại công bố tỷ lệ SV có việc làm đạt tới mức tuyệt đối. Chẳng hạn, Trường ĐH Xây dựng miền Tây cho biết có 3 ngành bậc CĐ chính quy có SV tìm được việc làm sau một năm đạt tỷ lệ 100%. Trong số trên 1.500 SV tốt nghiệp năm học 2014 - 2015 tại Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương cũng có tới 9 ngành (bậc CĐ chính quy và liên thông) SV đều có việc làm 100%. Các ngành còn lại, tỷ lệ này cũng ở mức 86 - 90%.
Đại diện các trường đều khẳng định những con số này là có cơ sở. Một đại diện Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương cho biết trường phát phiếu khảo sát cho SV khi nhận bằng tốt nghiệp. Kết quả 60% có việc làm tính đến ngày nhận bằng tốt nghiệp các ngành nói chung và 3 tháng sau thì 100% SV ngành kỹ thuật tìm được việc làm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Xuân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Tây, nói có tới 96% SV có việc làm đúng chuyên ngành và ổn định chỉ sau 6 tháng ra trường.
Tuy nhiên, việc khảo sát ở nhiều trường lại thiếu cơ sở khoa học. Chẳng hạn, theo công bố của Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An thì vào năm 2014 có tới 75% SV tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong số này có tới 78% có việc làm đúng ngành được đào tạo. Thế nhưng, nhìn vào bảng thống kê trường công bố thì tỷ lệ này chỉ dựa trên số lượng SV của trường liên hệ được để thực hiện khảo sát chứ không phải tổng SV tốt nghiệp toàn khóa. Cụ thể, tổng số SV trả lời khảo sát bậc ĐH chính quy 114 người, ĐH liên thông 79 người, CĐ liên thông 39 người...
Trường ĐH Hồng Đức từng phát phiếu khảo sát tới gần 1.700 SV tốt nghiệp năm 2010 nhưng kết quả chưa tới 50% SV trả lời. Trường ĐH Sài Gòn cũng phát phiếu khảo sát việc làm tới 100% SV tốt nghiệp nhưng chỉ có khoảng 1/3 phản hồi. Dù vậy, trường này vẫn công bố trên website tỷ lệ SV có việc làm của trường lên tới 91,7%!
Chỉ có tính chất tham khảo
Trong khi đó, thống kê từ Bộ GD&ĐT trên cơ sở báo cáo của 100 trường ĐH, CĐ và TCCN giai đoạn 2010 - 2014, tỷ lệ trung bình SV tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 50%. Theo báo cáo của Bộ này tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đầu năm nay, trong giai đoạn 2010 - 2014 tỷ lệ người có việc làm chỉ tăng 38%, trong khi số người thất nghiệp lại tăng gấp đôi con số này.
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhận định việc công khai tỷ lệ việc làm của các trường như lâu nay mới chỉ có tính chất tham khảo, do chưa được đánh giá lại nên mức độ tin cậy chưa cao. Đại diện một trường ĐH TP.Hồ Chí Minh thừa nhận: “Với con số hàng trăm ngàn lao động trình độ CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp như hiện nay thì những con số 100% SV ra trường có việc làm là điều không thể, đặc biệt ở các tỉnh”.
Giao cho đơn vị độc lập đánh giá
Với cách thức công khai tỷ lệ SV có việc làm ở các trường như hiện nay, xã hội tỏ ra lo ngại về cơ sở đánh giá một trường ĐH chất lượng thực sự.
Do vậy, theo ông Ga, bên cạnh việc tự đánh giá của các trường, Bộ sẽ giao cho các đơn vị kiểm định độc lập tiến hành đánh giá bằng những giải pháp kỹ thuật cần thiết, để đảm bảo tính sát thực và khách quan. “Đơn vị này sẽ hoạt động độc lập hoàn toàn, không trực thuộc Bộ hoặc bản thân các trường ĐH”, ông Ga nói.
Đại diện cho các đơn vị này, ông Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), khẳng định: “Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra phiếu gốc khảo sát của 5 năm gần nhất. Nếu trường không có phiếu gốc không được xem là xác thực và sẽ không được công nhận”.
Cũng theo ông Thanh, khảo sát phải đủ lớn và đoàn kiểm tra cũng sẽ chọn ngẫu nhiên SV trong danh sách tốt nghiệp nhằm khảo sát độc lập để xác minh. Ông Thanh cho biết thêm, nếu quy mô đào tạo của các trường dưới khoảng 1.500 SV/khóa thì phải tiến hành khảo sát toàn bộ. Việc chọn mẫu ngẫu nhiên chỉ tiến hành khi mỗi khóa có hàng chục ngàn SV trở lên. Kết quả khảo sát từ 50% SV có việc làm đúng ngành trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp mới đạt mức yêu cầu tối thiểu về kiểm định chất lượng. Còn để đạt chuẩn quốc gia theo quy định thì trường phải có 70% SV có việc làm đúng ngành.

 

Sinh viên chưa tìm được việc làm, đăng ký với Bộ GD&ĐT
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ đang triển khai đề án đào tạo bổ sung với SV tốt nghiệp chưa tìm được việc làm. Theo đó, thời gian tới những SV tốt nghiệp từ ĐH trở lên (trong và ngoài nước) chưa tìm được việc làm có thể đăng ký cụ thể với Bộ. Trên cơ sở này, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đào tạo bổ sung ngắn hạn, định hướng giải quyết việc làm phù hợp.
Theo số liệu từ Viện Khoa học lao động và xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2015 cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó số lao động trình độ ĐH và sau ĐH thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; tốt nghiệp CĐ thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000 người.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh