CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Tuyển sinh vào lớp 6: Phụ huynh “nhấp nhổm” chờ phương án tuyển sinh trường điểm

 

Phụ huynh hụt hẫng vì… con không được thi!

Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép các trường có số lượng học sinh (HS) đăng ký dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu có thể áp dụng phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh. Theo quy định mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho phép 16 trường THCS đặc thù có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức xét tuyển, hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Do vậy, từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều phụ huynh đã nhanh chóng “xoay xở” để con thích nghi với bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào lớp 6 ở những trường đặc thù nhưng đến cuối tháng 5, dù chưa chính thức công bố nhưng khả năng 100% trường công lập sẽ xét tuyển thay vì kết hợp cả hai. Đỉnh điểm của sự lo lắng của phụ huynh những ngày qua, khi THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THCS Cầu Giấy thay đổi phương án xét tuyển vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 bằng hình thức xét tuyển.

 

Nhiều phụ huynh cho rằng, kiểm tra, đánh giá năng lực để HS cạnh tranh nhau bằng điểm số sẽ công bằng hơn là xét theo học bạ.

 

Đã mấy ngày nay, chị Phan Thùy Chi có con học lớp 5 tại quận Ba Đình ôm khư khư máy tính kiểm tra thông tin tuyển sinh đầu cấp vào các trường điểm để định hướng cho con. Chị thừa nhận như "ngồi trên đống lửa" khi các trường liên tục thay đổi phương án tuyển sinh đến chóng mặt. Gia đình tôi cũng như các phụ huynh khác vẫn mong nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực để HS cạnh tranh nhau bằng điểm số sẽ công bằng hơn là xét theo học bạ. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào thì các trường cũng nên thông báo sớm cho phụ huynh, HS không bị động”, chị Thùy Chi nói.

Chung tâm trạng, chị Kiều Anh (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) cũng mất ăn, mất ngủ khi các trường chưa chốt phương án tuyển sinh. Chị cho biết, sau thông báo ngày 8/4 của Sở GD&ĐT cho phép một số trường THCS có số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu được phép kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực, chị bàn kế hoạch với chồng sẽ nộp hồ sơ thi vào 3 trường: THCS Cầu Giấy, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Thanh Xuân. Kể từ khi manh nha thông tin các trường được phép thi đánh giá năng lực, cả gia đình tra mọi thông tin để tìm tài liệu, mẫu đề thi cho con ôn tập, thậm chí, còn cho cháu đến lớp luyện thi. Bây giờ, cả 3 trường cũng dự kiến xét tuyển bằng học bạ, cả nhà thấy công sức trong gần 2 tháng qua như đổ ra biển lớn.

Bình luận trên trang mạng xã hội Facebook, tài khoản Đ.M.P viết: “Nhiều sáng kiến trong trò chơi tuyển sinh này quá. HS như những con xúc xắc vậy”. Còn tài khoản Ta Hai lại đặt ra câu hỏi: “Em cực sốc với tin này, chúng ta là trò đùa?”. Trong khi đó, tài khoản T.T.K cho biết: “Đang chờ ngày thi đấu thì xoay xét tuyển, lại phải đi bới lại mấy cái giải để xem có kiếm được điểm cộng nào không”.

Theo chị Hoa Nguyễn (Thái Thịnh, Hà Nội), người đang đặt mục tiêu cho con thi vào lớp 6 trường Amsterdam cho biết: “Với sự thay đổi như thế này thì không biết đâu mà lần. Con mình không có chứng chỉ hay bằng khen gì cả. Việc xét tuyển như thế này thay vì thi như ban đầu sẽ rất bất lợi”.

31/5 mới chốt phương án tuyển sinh lớp 6

Được biết, đến thời điểm này, gần như 100% 16 trường THCS đặc thù được phép kiểm tra đánh giá năng lực đều chỉ xét tuyển học bạ vào lớp 6 năm 2018. Điều này được nhiều người dự đoán sẽ là cuộc chiến xét tuyển cam go bởi Bộ GD&ĐT đã hạn chế rất nhiều giải thưởng, nên số HS được tính điểm giải phụ sẽ ít.

Vì sao lại có sự thay đổi nhanh đến chóng mặt này? Theo các trường, lý do chọn phương án xét tuyển học bạ là để tổ chức cho HS thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực cần có nhiều thời gian chuẩn bị cho ngân hàng câu hỏi. Bên cạnh đó, cần có đề minh họa từ sớm để HS tham khảo, vì thế áp dụng kiểm tra ngay trong năm học này sẽ gây áp lực cho HS. Hơn nữa, cũng theo các trường thì việc tuyển sinh bằng phương án xét tuyển 3 năm qua vẫn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, một lý do nữa là việc tổ chức kiểm tra, đánh giá có thể sẽ gây áp lực học thêm, luyện thi lên HS. Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho rằng, đối với hình thức xét tuyển học bạ, Bộ GD&ĐT vừa siết lại các quy định về công nhận giải thưởng trong các kỳ thi như vậy sẽ rất ít HS có giải thưởng phụ trong khi học bạ toàn điểm 10 lại rất nhiều. Vì thế, các trường sẽ vô cùng khó khăn khi không có căn cứ nào để xét tuyển, khó tìm ra sự khác biệt giữa các HS.

Trước những lo lắng của phụ huynh HS về tuyển sinh lớp 6 sắp tới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định ngày 31/5, kế hoạch tuyển sinh năm học 2018 - 2019 các trường của cả 30 quận, huyện, thị xã sẽ chính thức công bố. Kế hoạch tuyển sinh nêu rõ đối tượng, phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh vào từng trường.

Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, phương án tuyển sinh là do các trường họp thống nhất và trình Sở xem xét. Tuy nhiên nếu xét tuyển, trường vẫn căn cứ vào hồ sơ học bạ và tiêu chí phụ là các bằng khen, giải thưởng (các kỳ thi do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức theo quy định). 

 

Danh sách 16 trường THCS được kiểm tra đánh giá năng lực:

THCS Cầu Giấy; hệ THCS trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THCS Nam Từ Liêm, THCS Chu Văn An (Thanh Trì), THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ), THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên), THCS Trưng Vương (Mê Linh), THCS Sơn Tây, THCS Thanh Xuân.

Một số trường ngoài công lập được kiểm tra đánh giá năng lực như: THCS-THPT Marie-curie, THCS-THPT Nguyễn Siêu, THCS-THPT Đoàn Thị Điểm, THCS-THPT Lương Thế Vinh, THCS-THPT Lomonoxop, THCS-THPT Nguyễn Tất Thành.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh