THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:50

Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Căng thẳng hơn thi đại học!

 

 

tuyển sinh lớp 10 năm 2015.


Học sinh lo một, phụ huynh lo mười !

Nếu như năm ngoái thi vào lớp 10 căng thẳng do đột biến thí sinh tuổi “rồng vàng”, thì năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phải giảm sĩ số xuống theo chuẩn (40 em/lớp) nên cửa vào trường công lập lại càng “bó hẹp” hơn. Chị Nguyễn Thùy Linh (Hàng Than, Hà Nội) cho biết, cứ nghĩ năm nay con thi vào lớp 10 sẽ đỡ vất vả hơn năm trước vì đã qua năm “rồng vàng”, nhưng năm nay sĩ số học sinh trong lớp phải giảm xuống vì vậy các trường công lập cũng sẽ giảm chỉ tiêu. Gia đình lo lắm, nhưng cũng chỉ biết cho con đi học thêm và động viên con cố gắng học.

“Con nhà này sức học chỉ khá nên giữa hè của năm lớp 8 đã phải cho ôn, củng cố lại kiến thức. Khi vào lớp 9 nhà trường cũng giảm bớt các môn phụ, dạy tăng cường cho các môn thi, nhưng tôi không yên tâm nên vẫn cho con đi học thêm và thuê gia sư kèm ở nhà. Đành vậy chứ biết làm thế nào, giả dụ nếu  sau này con không thi được vào đại học thì nó vẫn có cái bằng cấp 3 để còn học trung cấp, học nghề mà kiếm sống chứ…”, một phụ huynh ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ.

Cùng chung lo lắng như những phụ huynh khác có con thi vào lớp 10 năm nay, chị Hương ở quận Hoàn Kiếm tâm sự: “Thương con lắm, ngoài học ở lớp, học thêm ở trung tâm, tối về nhà lại học đến 11 giờ, sáng sớm dậy từ 5 giờ để học tiếp. Lịch học kín mít kèm theo sự lo lắng, đốc thúc của bố mẹ, thành ra con luôn uể oải, mất ăn, mất ngủ. Con đi học, đi thi mà bố mẹ cứ lo ngay ngáy”.

Anh Trung Thành (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ mỗi lần chuyển cấp của con là một lần cả nhà mất ăn mất ngủ. Cố gắng để cho con vào học các trường công lập, chứ vào các trường dân lập, chi phí cao, điều kiện kinh tế gia đình không đáp ứng được vì bố mẹ đều là công chức…”.

Bên cạnh sự lo lắng của phụ huynh, học sinh cũng không kém phần căng thẳng.  "Thi vào lớp 10 năm nay em thấy rất lo vì sĩ số lớp giảm đi, cùng với đó là chỉ tiêu vào các trường cũng sẽ giảm. Em sợ mình khó có thể vượt qua các bạn khác khi học lực chỉ ở mức khá một chút", Vân Anh, học sinh lớp 9 THCS Thái Thịnh nói.

Còn em Thùy Vân THCS Cát Linh cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, từ cuối học kỳ một lớp 9, em đã tập trung học rất nhiều. Sáng học ở trường, chiều tối em tham gia 2-3 ca học thêm ở nhà thầy cô hoặc trung tâm, đến 21 giờ về nhà, nghỉ ngơi một lúc, em lại ngồi vào bàn ôn luyện. Em kỳ vọng sẽ được vào trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, hoặc chuyên Nguyễn Huệ.

 “Em luôn tin vào lực học của mình và cũng lựa chọn trường đăng ký để không bị quá sức, nhưng cứ nghe các anh chị năm trước kể lại chuyện thi vào lớp 10, em lại thấy run. Bố mẹ động viên em nhiều, nhưng lại vẫn gây áp lực cho em và muốn em phải thi được vào các trường top đầu. Giờ em chỉ biết học và học thôi ạ”, Hiền – học sinh lớp 9A trường THCS Trần Phú tâm sự.

 Chọn trường phù hợp với lực học

Được biết, năm học 2016 - 2017, toàn TP. Hà Nội dự kiến có 81.000 học sinh tốt nghiệp THCS, số lượng chỉ tiêu vào hệ THPT có 67.500 học sinh (năm 2015 là 72.110 học sinh). Trong đó, các trường THPT công lập tuyển 53.000 học sinh (năm 2015 là 56.840 học sinh), trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh (năm 2015 là 15.270 học sinh), còn lại là chỉ tiêu vào các trường: Trường chuyên nghiệp và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Với chỉ tiêu năm nay, nhiều học sinh sẽ phải học các trường ngoài công lập.

Hiện tại, các trường THPT trên địa bàn chưa được Sở GD&ĐT duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo ghi nhận tại một số trường có điểm chuẩn cao nhất nhì khu vực nội thành Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh xin giữ nguyên như năm ngoái.

Theo ông Trịnh Hùng Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội, số lượng vào trường công lập năm nay có hạn do phải giảm sĩ số xuống đúng chuẩn nên học sinh sẽ phải vào học các trường dân lập nhiều hơn. “Chọn trường dân lập hoặc công lập đều có mặt nọ, mặt kia, điều quan trọng là học sinh phải biết lựa chọn trường sao cho phù hợp với lực học. Hiện nay nhiều trường công lập không đến nỗi quá tải và đông học sinh, nhưng nhiều phụ huynh học sinh cứ theo đám đông, chỉ chọn các trường danh tiếng nên cả phụ huynh và học sinh đều rất khổ”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Hiện chúng tôi chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa có các con số liên quan,  nhưng được biết, sĩ số các trường năm nay duy trì khoảng 40 học sinh/lớp. Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường là 52,5 điểm. Năm nay thì chưa biết cụ thể, nhưng qua hàng năm, điểm chuẩn năm sau thường không xê dịch so với năm trước bao nhiêu. Về chỉ tiêu, năm nay trường cũng đang xin tuyển sinh 15 lớp và hy vọng con số này được giữ nguyên. Các trường khác, tôi nghĩ cũng xin chỉ tiêu tương đương năm ngoái.

“Tôi thấy năm nào phụ huynh và học sinh cũng rất lo lắng với kì tuyển sinh vào lớp 10, nhiều người còn cho rằng căng thẳng hơn cả vào đại học. Tuy nhiên, căng thẳng hay không là do mình, nếu các em biết chọn trường vừa sức thì không quá căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài việc lựa chọn đúng khả năng, các em nên cân nhắc chọn trường gần nhà để đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, các em phải nghiên cứu để định hướng trường khi vào đại học ngay từ năm vào lớp 10”, ông Bình nhấn mạnh.

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh